Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia, trọng điểm

09:12, 31/12/2022
(LĐ online) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1250/CĐ-TTg ngày 29/12/2022 chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia, trọng điểm.
 
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương
Sơ đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương
 
Công điện được gửi đến Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có đường cao tốc đi qua; trong đó, có tỉnh Lâm Đồng.
 
Công điện nêu rõ: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng đột phá chiến lược về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội"; trong đó, xác định ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Đồng thời, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc trên cả nước.
 
Triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải đã chủ trì họp hằng tháng để chỉ đạo triển khai các dự án, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Nhìn chung, các dự án đường bộ cao tốc đã được Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tập trung triển khai thực hiện, tiến độ được cải thiện rõ rệt.
Để hoàn thành các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có đường cao tốc đi qua tập trung chỉ đạo:
 
Chính quyền các địa phương tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng quy định của pháp luật, bảo đảm người dân bị thu hồi đất có chỗ ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, nhất là về hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa…
 
Đối với các gói thầu xây lắp, tư vấn thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu: Yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu đúng pháp luật, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; các nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm năng lực, kinh nghiệm để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình, dự án; các nhà thầu tư vấn cần thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu; chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm. Các cơ quan có thẩm quyền liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ, chất lượng và thực hiện đúng pháp luật.
 
Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố được giao là cơ quan chủ quản chủ động thực hiện các cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vướng mắc, khó khăn, bất cập.
 
Yêu cầu các địa phương, các nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp thực hiện quản lý, cấp phép và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo đúng nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động khai thác vật liệu làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án đường bộ cao tốc.
 
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các yêu cầu nêu trên và các chỉ đạo tại các phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án đường bộ cao tốc.
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, ngày 30/12, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. 
 
Trong đó, liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã đặt ra nhiệm vụ triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 25/7/2022 của Tỉnh ủy về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với vùng Đông Nam bộ theo hành lang tuyến Quốc lộ 20 và các tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; đảm bảo phù hợp với các Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia và Quy hoạch vùng Tây Nguyên để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt của tỉnh so với các địa phương khác. 
 
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong việc huy động, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, có tính chất kết nối liên vùng; trong đó, có đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Phấn đấu đến năm 2026, đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành đồng bộ đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Đà Lạt - Nha Trang, Đà Lạt - Buôn Mê Thuột.
 
 
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài 200,3 km đi qua 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, gồm 3 dự án thành phần: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương, triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP).
 
- Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km, với vốn đầu tư khoảng 16.220 tỷ đồng đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 6.500 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí kinh phí trong chu kỳ 2022 - 2025 là 4.500 tỷ đồng.
 
- Tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,9 km, có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí 10.800 tỷ đồng đối ứng, còn lại là vốn của các nhà đầu tư. Tỉnh cũng gửi văn bản đề nghị trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng.
 
- Tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 60,1 km có tổng mức đầu tư khoảng 8.365 tỷ đồng, Bộ Giao thông Vận tải được giao là cơ quan có thẩm quyền, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
 
 
 NGUYỄN THÀNH