Các dịch vụ công trực tuyến được triển khai trên một số lĩnh vực đang tạo thêm một kênh dịch vụ hữu ích và tiện lợi để giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) công. Các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh gần đây đã có nhiều giải pháp để người dân đến với kênh giải quyết TTHC trực tuyến này, từ đó phát huy hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.
Địa chỉ và hình ảnh các bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Lâm Đồng |
Dich vụ công trực tuyến được xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong giai đoạn mới. Hiện nay, các địa phương cũng như các sở, ngành đang quyết liệt triển khai và đưa các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến ở nhiều mức độ. Tuy nhiên, việc đưa các dịch vụ công lên môi trường trực tuyến mới chỉ thể hiện thành công bước đầu để giải quyết các TTHC. Để loại hình dịch vụ này ngày càng phổ biến và được người dân sử dụng thường xuyên thì các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có các giải pháp để làm sao người dân đến với kênh giải quyết TTHC trực tuyến online như một thói quen, từ đó mới phát huy hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến.
Ngày 23/9/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt danh mục TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2022. Theo đó, đã có 293 danh mục TTHC cấp tỉnh và 154 danh mục TTHC cấp xã đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Căn cứ danh mục dịch vụ công trực tuyến được phê duyệt, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã triển khai chuẩn hóa quy trình, rà soát thành phần hồ sơ số hóa theo quy định; vận hành các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền, đảm bảo tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50% và 50% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên. Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử của Lâm Đồng được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp từ cấp xã lên cấp huyện, tỉnh, Trung ương. Đồng thời có mục khảo sát đánh giá trải nghiệm của người dùng để qua đó ghi nhận các ý kiến góp ý của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những dịch vụ công trực tuyến dành cho doanh nghiệp hiện được đón nhận và được doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn so với những dịch vụ công dành cho người dân. Một trong những lý do được chỉ ra là do các doanh nghiệp đã quen với các thiết bị công nghệ, với các dịch vụ trên mạng internet, vì thế họ cũng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến một cách thông thạo.
Còn về phía người dân, một số dịch vụ được dân sử dụng ngày càng nhiều tuy nhiên theo tìm hiểu, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vẫn còn rất ít. Một trong những rào cản khiến người dân chưa mặn mà sử dụng dịch vụ công trực tuyến mặc dù khá thuận tiện là những hạn chế về thiết bị. Bởi vì, không phải người dân nào cũng có đủ thiết bị (điện thoại thông minh, laptop…) có thể kết nối và làm các thao tác trên máy nhằm thực hiện TTHC trực tuyến. Bên cạnh đó, có nhiều người dân tuy có điện thoại thông minh nhưng khá lúng túng trong các thao tác trực tuyến nên họ không mấy mặn mà với loại hình này, nhất là những người dân lớn tuổi, ở nông thôn. Bên cạnh đó, còn có những rào cản về vấn đề về tâm lý. Thông thường, người dân vẫn có thói quen đến trực tiếp cơ quan nhà nước để làm TTHC, với suy nghĩ giấy trắng mực đen cho chắc và còn thuận tiện để hỏi cụ thể các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan và để cảm thấy an tâm khi làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính.
Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Xác định người dân là trung tâm chuyển đổi số; tăng cường công khai, minh bạch, khuyến khích sự tham gia và giám sát của người dân, cộng đồng trong hoạch định và thực thi chính sách. Giảm TTHC, cung cấp các dịch vụ công theo phương thức số, thuận tiện, dễ sử dụng. Chính vì vậy, nhiều địa phương hiện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp, người dân tăng cường thực hiện một số TTHC công trực tuyến. Tuy nhiên, để ngày càng nhiều hơn nữa tỷ lệ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh tham gia giải quyết TTHC trực tuyến, góp phần cải cách hành chính, theo kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, ngoài thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn bằng tuyên truyền miệng, hình ảnh trực quan sinh động… cần thiết có thêm nhiều tổng đài hỗ trợ qua điện thoại, và cả các đoạn video hướng dẫn thực hiện các thủ tục dành cho các đối tượng lớn tuổi, người dân ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
NGUYỄN NGHĨA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin