Là địa phương thực hiện khá thành công chuyển đổi số, huyện Lạc Dương đã và đang nỗ lực tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, thúc đẩy cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp khi liên hệ công tác tại địa phương.
|
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tham quan Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh huyện Lạc Dương |
•
PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ
Từ những nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, bước đầu Lạc Dương đã đạt được những thành công, tạo bước đột phá về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính.
Theo UBND huyện Lạc Dương, hiện nay UBND huyện và các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT- Ioffice. Đồng thời, hệ thống phần mềm Idoc được triển khai trong các cơ quan Đảng, đoàn thể với kết nối số liệu chuyên dùng, đáp ứng được nhu cầu quản lý và điều hành công việc của lãnh đạo. Bên cạnh đó, UBND huyện đã thực hiện việc chỉnh lý, số hóa toàn bộ văn bản chỉ đạo, điều hành của HĐND và UBND huyện từ khi thành lập huyện (năm 1979) đến nay. Đây là một trong những nguồn dữ liệu quan trọng để chia sẻ, khai thác, hướng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trên địa bàn toàn huyện. Cùng với đó là việc triển khai đồng bộ hệ thống chữ ký số giúp cán bộ, công chức, viên chức các cấp xử lý văn bản hành chính nhanh hơn qua môi trường mạng, giảm thiểu chi phí in ấn, góp phần thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước.
Cùng với Trang Thông tin điện tử cấp huyện, huyện Lạc Dương cũng triển khai nhiều phần mềm chuyên ngành thống nhất từ Trung ương đến địa phương như: Phần mềm kế toán MISA; phần mềm quản lý cán bộ; phần mềm quản lý tài sản; phần mềm quản lý hộ tịch; phần mềm quản lý dữ liệu trẻ em, quản lý cung cầu lao động hay các phần mềm trong ngành Giáo dục, Y tế, Bảo hiểm xã hội; đặc biệt là phần mềm bảo vệ danh tiếng địa phương để hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND huyện.
Bên cạnh đó, huyện đã triển khai hiệu quả ứng dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích góp phần vào việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính nhanh, đúng hạn. Trong tổng số hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận giải quyết trên địa bàn huyện năm 2022 hơn 5.500 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết trước và đúng hạn chiếm trên 95%, hồ sơ quá hạn chiếm 4,2%.
Để phát triển nền tảng chuyển đổi số, năm 2022 huyện Lạc Dương đã phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng thông rộng. Hiện tại, số thuê bao điện thoại đạt gần 30%, số thuê bao internet đạt hơn 10% trên tổng số dân trên địa bàn. UBND huyện cũng đã cấp hàng trăm điện thoại thông minh và sim data 4G cho các hộ dân khó khăn trên địa bàn huyện để người dân tiếp cận các nền tảng, ứng dụng số do chính quyền cung cấp. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị viễn thông lắp đặt thêm trạm BTS tại những nơi có độ phủ sóng thấp, đảm bảo toàn huyện được phủ sóng 4G. Bên cạnh đó, Viettel Lâm Đồng đã thử nghiệm phát sóng 5G tại thị trấn Lạc Dương. Địa phương cũng đã hoàn thành việc xây dựng cổng thông tin điện tử về du lịch tạo nền tảng số cho du lịch thông minh và hình thành cơ sở dữ liệu nông nghiệp thông minh.
|
Huyện Lạc Dương chính thức vận hành Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh vào cuối tháng 5/2022 |
•
XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH
Với mục tiêu tạo nên môi trường hành chính thân thiện, công khai, minh bạch, thiết lập cầu nối để người dân tiếp cận trực tiếp với chính quyền, tạo môi trường kinh doanh công bằng cho các công ty, doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn, huyện Lạc Dương đã chủ động xây dựng Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh và đưa vào vận hành chính thức vào cuối tháng 5/2022. Đó cũng là cơ sở để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo địa phương trực tiếp, tức thời, phản ứng kịp thời với các diễn biến của xã hội.
Hiện, Trung tâm đã đi vào hoạt động ổn định với 7 phân hệ hoàn thiện: phản ánh hiện trường, Reputa, giám sát camera VMS, cổng du lịch thông minh, báo cáo kinh tế - xã hội, truyền thanh thông minh, chính quyền điện tử. Bước đầu, ghi nhận sự hưởng ứng tích cực từ người dân thông qua ứng dụng Phản ánh hiện trường tương tác với chính quyền. Đồng thời, tiếp tục cập nhật, khai thác dữ liệu đối với các phân hệ như giáo dục thông minh, y tế thông minh...
Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho hay: “Địa phương đã từng bước định hướng các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh cấp xã để các địa phương trong huyện thực hiện. Trong đó, lựa chọn thị trấn Lạc Dương và xã Đạ Chais làm đơn vị thí điểm, sau đó nhân rộng đến các địa phương còn lại. Định hướng xây dựng đô thị thông minh trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung xây dựng các ứng dụng, tiện ích để giải quyết các vấn đề thuộc các lĩnh vực: an ninh và quản lý trật tự đô thị; du lịch và dịch vụ; dịch vụ hành chính công; tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và quản lý, bảo vệ rừng; y tế, giáo dục và đào tạo; theo dõi và xử lý khủng hoảng truyền thông; giám sát an toàn thông tin mạng; và đặc biệt là nhu cầu của người dân, việc ứng dụng CNTT trong xây dựng các dịch vụ đô thị thông minh nói chung hay Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh nói riêng đều nhằm mục tiêu cuối cùng là hướng đến người dân. Chính người dân là nơi phản ánh nhu cầu, đặt ra yêu cầu, sử dụng và cải tiến dịch vụ ngày càng tốt hơn, phù hợp hơn. Nỗ lực của chính quyền nhằm một kết quả quan trọng nhất là kết nối đến nhiều người dân hơn, mang lại nhiều tiện ích cho người dân hơn”.
TUẤN HƯƠNG