Văn hóa là tài nguyên độc đáo riêng có, là yếu tố đầu vào thiết yếu để phát triển du lịch

09:12, 23/12/2022
(LĐ online) - Thực hiện Chương trình trọng điểm cấp bộ khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển nhanh, bền vững kinh tế, xã hội địa phương, sáng 23/12, tại Đà Lạt, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy đa dạng văn hóa – sinh học gắn với du lịch để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững tỉnh Lâm Đồng”.
 
Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước và các cơ quan quản lý văn hóa, du lịch của tỉnh Lâm Đồng. 
 
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
 
Phát biểu đề dẫn TS. Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Phụ trách Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã đặt vấn đề về lý luận và thực tiễn để bảo tồn và phát huy đa dạng văn hóa – sinh học, thực tế khai thác văn hóa cư dân bản địa, cảnh quan thiên nhiên gắn với hoạt động du lịch từ đó làm rõ các nội dung: bảo tồn và phát huy tính đa dạng văn hóa của cư dân bản địa gắn với phát triển du lịch; phân tích thực trạng phát triển du lịch tại Lâm Đồng trong khai thác tính đa dạng văn hóa, sinh học; đề xuất các giải pháp giải quyết các mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát huy tính đa dạng văn hóa, sinh học góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch ở Lâm Đồng phát triển bền vững.
 
Lâm Đồng là một tỉnh miền núi cao thuộc Nam Tây Nguyên, nơi có nhiều nét độc đáo, có sức hấp dẫn cao với du khách về tài nguyên thiên nhiên. Đăc biệt, có thành phố Đà Lạt, với độ cao trung bình trên 1.500 m so với mực nước biển, có thời tiết ôn hòa, khí hậu mát mẻ quanh năm, với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều vẻ đẹp nên thơ rất riêng biệt giữa một vùng đầy nắng gió nhiệt đới phương Nam. Dân cư của tỉnh hiện có khoảng 1,3 triệu người, với 47 dân tộc cùng sinh sống. Trong 25,72% dân số Lâm Đồng là người dân tộc thiểu số, thì đa số là người dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên: Cụ thể, người K’Ho có 152.098 người, 12,32%; người Mạ 33.703 người, 2,73%; Chu ru 19.876 người, 1,61% dân số toàn tỉnh; cùng các nhóm tộc người như M'Nông, S tiêng, Răglay. Người Kinh (Việt) di cư đến Lâm Đồng khá muộn, chủ yếu từ sau ngày thống nhất đất nước, đến nay đã chiếm 74,28% dân số toàn tỉnh. Các di sản văn hóa của các cộng đồng dân cư được lưu giữ, với nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nhiều di tích, nghi lễ, lễ hội đặc trưng, cùng các tri thức văn học dân gian, đã tạo nên một môi trường văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng. Thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa các dân tộc anh em là nguồn tài nguyên dồi dào, là tiềm năng phát triển ngành du lịch. 
 
Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề: Phát triển nhanh và bền vững tỉnh Lâm Đồng: Cơ sở lý luận và thực tiễn (TS. Nguyễn Cao Đức - Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ), Thực trạng bảo tồn và phát huy đa dạng văn hóa gắn liền với phát triển ngành du lịch ở tỉnh Lâm Đồng theo hướng phát triển nhanh và bền vững (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng), Phát triển du lịch tác động đến việc bảo tồn và phát huy đa dạng văn hóa ở Lâm Đồng theo hướng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững (ThS. Trương Trần Hoàng Phúc- Trường Đại học Tôn Đức Thắng), Bảo tồn và phát huy đa dạng văn hóa của cư dân bản địa gắn với phát triển du lịch bền vững ở Lâm Đồng (PGS. TS. Bùi Trung Hưng – Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai), Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Lâm Đồng (ThS. Liễu Văn Bảo- Trường Chính trị tỉnh Lâm Đồng), Phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Lâm Đồng hiện nay (Viện KHXH vùng Tây Nguyên), Bảo tồn và phát huy đa dạng văn hóa người dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với phát triển du lịch nhanh và bền vững ở huyện Di Linh - Lâm Đồng (ThS. Phan Văn Bông –Trường Cao đẳng Đà Lạt), Du lịch canh nông- hình thức phát triển du lịch bền vững cho thành phố Đà Lạt (ThS. Trương Minh Hoài- Trường Đại học Đà Lạt)... 
 
Các ý kiến thảo luận
Các ý kiến thảo luận
 
Ngoài ra, nhiều tham luận của các nhà khoa học đều cho rằng Lâm Đồng có sức hấp dẫn, độc đáo riêng, khác với các tỉnh ở Tây Nguyên. Sự đa dạng văn hóa của Lâm Đồng với 3 dân tộc bản địa, 43 dân tộc anh em từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước về hội tụ. Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản của 17 dân tộc anh em Tây Nguyên nhưng có sức sống mạnh mẽ trong phát triển du lịch Lâm Đồng. Các dân tộc bản địa còn giữ được nhiều nghề truyền thống: nghề dệt, rèn, đan lát, gốm, làm rượu cần... Tuy nhiên, phát triển du lịch không phải là một trào lưu, mà là chiều sâu, bền vững, gắn với đa dạng sinh thái, với môi trường rừng; du lịch cộng đồng phải dựa trên tiềm năng thế mạnh của tự nhiên và con người; thu hút đông đảo người dân tham gia vào các hoạt động du lịch, nâng cao đời sống. 
 
Cùng với sự chuyển đổi kinh tế nhanh, mạnh, nhiều nét đẹp văn hóa ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Lâm Đồng đang mất dần đi. Sự mai một trong phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa, nếp ăn nếp ở; không gian cư trú xưa, kiến trúc nhà sàn, nhiều luật tục cũng không còn. Phải làm sao giữ lại những buôn làng dân tộc đúng nghĩa truyền thống, phát huy “trường” dân cư, để “phát xạ” văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên thu hút du khách đến với Lâm Đồng. Trong đó, ngành Du lịch Lâm Đồng phải coi văn hóa là tài nguyên riêng biệt, hiếm có, là đầu vào thiết yếu để phát triển du lịch. 
 
QUỲNH UYỂN