Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội nói chung và hành chính công nói riêng của tỉnh đã và đang đóng vai trò tích cực phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong tiến trình kiến tạo chuyển đổi số mạnh mẽ, đây cũng là nền tảng quan trọng để Lâm Đồng tiếp tục xây dựng nền hành chính ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp.
|
Người dân sử dụng các tiện ích hành chính công điện tử tại huyện Bảo Lâm |
Lâm Đồng là một trong những địa phương được các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Năm 2022, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố xếp hạng Chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và Lâm Đồng tăng 3 bậc, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố. DTI cấp tỉnh được đánh giá gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần tập trung vào 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. 9 chỉ số chính được phân thành Nhóm chỉ số nền tảng chung và Nhóm chỉ số về hoạt động. Trong đó, Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 6 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Đô thị thông minh. Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 3 chỉ số chính: Hoạt động chính quyền số, Hoạt động kinh tế số, Hoạt động xã hội số.
Hiện, toàn tỉnh đã có 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã tham gia vào hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh; trên 98% văn bản hành chính được trao gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh dưới dạng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số; 100% thủ tục hành chính (TTHC) từ cấp tỉnh đến cấp xã được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào Hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết TTHC trong phạm vi toàn tỉnh...
Về hạ tầng mạng, máy tính, 100% các cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp đã trang bị máy tính, kết nối mạng LAN và internet tốc độ cao. Hệ thống mạng CAMPUS tại Trung tâm hành chính có 1.700 người dùng, 54 máy chủ tập trung, 2 đường truyền chuyên dụng, 37 đường kết nối internet FTTH của 54 đơn vị. Hệ thống phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến đã triển khai được 172/172 điểm cầu đến cấp xã, 17.605 người dùng phần mềm quản lý văn bản, hệ thống thư điện tử tỉnh có 6.750 tài khoản và 3.143 chứng thư số công vụ. Trục liên thông văn bản của tỉnh kết nối liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã...
Lâm Đồng đã cung cấp tổng số 1.805 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 719 dịch vụ công trực tuyến một phần, tỷ lệ 39,8%; 497 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tỷ lệ 27,53%. Năm 2022, tổng số hồ sơ giải quyết của các dịch vụ công trực tuyến 583.139 hồ sơ, trong đó số lượng hồ sơ trực tuyến là 127.265 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 21,8%. Hệ thống báo cáo của tỉnh được triển khai tại 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã và một số doanh nghiệp, tổ chức khác.
Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP-Local Government Service Platform) đã hoàn thành kết nối 8/13 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu Quốc gia gồm: đăng ký doanh nghiệp; bảo hiểm; văn bản quy phạm pháp luật; cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; đăng ký và quản lý hộ tịch; cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; quản lý danh mục điện tử dùng chung phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam; hệ thống phục vụ dịch vụ công.
Trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 12 nền tảng số gồm: địa chỉ số; bản đồ số (CSDL đất đai); tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước; dạy học trực tuyến; hóa đơn điện tử; truy xuất nguồn gốc nông sản; hồ sơ sức khỏe điện tử; trạm y tế xã; sàn thương mại điện tử; Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC); Trung tâm Giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC)…
Ông Huỳnh Minh Hải - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, chủ đề năm 2023 là Dữ liệu số. Theo đó, cơ quan nhà nước tập trung vào các hoạt động phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác, phân tích dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số với các định hướng trọng tâm là: Người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh; cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu từ máy sinh ra theo thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp.
Các nhóm nhiệm vụ ưu tiên gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Trong đó, triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023; đẩy mạnh hoạt động Kênh truyền thông “Chuyển đổi số quốc gia” trên Zalo; chủ động tìm kiếm những sáng kiến, cách làm, mô hình điển hình về chuyển đổi số của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân trên địa bàn để kịp thời biểu dương, động viên và thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng mô hình. Triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương, xác định đây là lực lượng chính để triển khai phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển các nền tảng số để các cơ quan nhà nước quản lý, điều hành nghiệp vụ chuyên ngành dựa trên dữ liệu, đồng bộ, thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Thực hiện kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tuân thủ theo kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh.
Triển khai hiệu quả công tác số hoá hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình trong phạm vi quản lý của mình theo quy định. Triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả và năng suất lao động cũng như thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế.
Với cách làm sáng tạo, đổi mới cùng tinh thần cầu thị, hiện đại hóa nền hành chính công theo hướng số hóa sẽ tiếp tục là “đòn bẩy” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị phát triển bền vững địa phương, góp phần xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thuận lợi.
DIỄM THƯƠNG