Trong năm 2022, toàn ngành Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Trong lĩnh vực đất đai, ngành đã tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cho 12/12 huyện, thành phố; hoàn thành lấy ý kiến góp ý kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm 2021-2025; lập phương án phân bổ khoanh vùng đất đai và tổng điều tra đánh giá đất đai.
|
Một bể thu gom bao bì hóa chất sau sử dụng trên đồng ruộng tại huyện Cát Tiên |
Trong lĩnh vực môi trường, cùng với việc thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án, ngành cũng đẩy mạnh công tác truyền thông từ cấp tỉnh đến cơ sở; kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản và đất đai đối với nhiều dự án trong tỉnh. Ngành phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học cấp tỉnh và các khu bảo tồn, xác lập chế độ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn Lâm Đồng.
Đối với công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, ngành đã tham mưu tỉnh kịp thời ban hành các văn bản quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản; yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn; xử lý kịp thời và dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời trình tỉnh bổ sung cục bộ một số điểm mỏ vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhằm xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Với lĩnh vực khí tượng và biến đổi khí hậu, ngành đã tổ chức hội thảo tham vấn, góp ý nhằm hoàn thiện Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; thu thập và lập báo cáo số giờ nắng, độ ẩm không khí, nhiệt độ không khí, lượng mưa một số sông chính tại các trạm trên địa bàn tỉnh từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng.
Trong cải cách hành chính (CCHC) ngành đã cập nhật thông tin trên Trang Thông tin điện tử của Sở để kịp thời và thuận tiện hơn đến với người dân; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ tốt cho công tác quản lý của ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trong năm, toàn ngành đã tiếp nhận tổng cộng 256.803 hồ sơ, đã giải quyết 252.351 hồ sơ theo hạn trả, trong đó trả đúng hạn 244.206 hồ sơ, đạt 96,8%; quá hạn 8.145 hồ sơ, chiếm 3,2%. Ngành cũng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần hai trong năm với tổng số 51.252 giấy.
Tính đến ngày 4/12/2022, thu ngân sách từ đất của Lâm Đồng đạt trên 2.624 tỷ đồng, trong đó thu tiền sử dụng đất trên 2.220 tỷ (đạt 111% so với dự toán Trung ương giao 2 nghìn tỷ, tuy nhiên, chỉ đạt 94% so với dự toán địa phương giao 2.350 tỷ); thu tiền thuê đất trong nước trên 403,7 tỷ (đạt 144% so với dự toán Trung ương giao 280 tỷ và đạt 135% so với dự toán địa phương giao 300 tỷ). Tiền thu cấp quyền khai thác khoáng sản của tỉnh tính đến 31/10/2022 đã thu được 34,5 tỷ; thu tiền cấp quyền tài nguyên nước tính đến ngày 31/10/2022 đã thu được 59,9 tỷ.
Ngành Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng cho biết, trong năm 2023 sẽ đôn đốc các huyện, thành phố hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 cũng như hoàn thành thẩm định Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023 để trình tỉnh phê duyệt trong quý I/2023; tham mưu tỉnh điều chỉnh chi tiết một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn; điều chỉnh một số chi tiết về quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.
Trong lĩnh vực môi trường, ngành tiếp tục mở các lớp tập huấn, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện tốt kế hoạch giảm phát thải rác thải nhựa trên địa bàn. Phối hợp thẩm định các xã đạt nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của tỉnh; tham mưu tỉnh xây dựng kế hoạch về thu gom vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường .
Tỉnh cũng tiếp tục cho xây dựng, lắp đặt các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt tại hồ phục vụ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn; điều tra khảo sát, lập luận chứng quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn sinh cảnh Núi Voi để bảo tồn cây thông đỏ.
Đối với lĩnh vực khoáng sản và tài nguyên nước, ngành yêu cầu các đơn vị đã đóng cửa mỏ phải thực hiện việc cải tạo phục hồi môi trường; phối hợp với các tỉnh lân cận xung quanh trong quản lý, bảo vệ khoáng sản; tăng cường kiểm tra việc san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; thực hiện dự án giám sát khối lượng khoáng sản khai thác thực tế nhằm tránh thất thu ngân sách nhà nước. Lâm Đồng cũng tiếp tục cắm mốc hành lang bảo vệ đối với các nguồn nước thuộc danh mục phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh; xây dựng và trình tỉnh phương án thực hiện khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất sau khi UBND tỉnh phê duyệt khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1/2000, 1/5000; tham mưu triển khai dự án hoàn thiện hồ sơ địa chính trên địa bàn 3 huyện còn lại của tỉnh là Đam Rông, Đạ Tẻh và Cát Tiên; tiếp tục đôn đốc các công ty lâm nghiệp trình và thẩm định phương án sử dụng đất; các đơn vị tư vấn hoàn thiện sản phẩm, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm các gói thầu thi công Dự án cắm mốc các công ty lâm nghiệp.
Tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan hoàn chỉnh việc cập nhật bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính lên phần mềm một cửa điện tử iGate...
Mới đây, tại hội nghị tổng kết ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã đánh giá cao các kết quả đạt được của ngành Tài nguyên - Môi trường trong năm 2022. Như trong lĩnh vực đất đai, ngành đã làm tốt việc tham mưu tỉnh thông qua các dự án lớn về hồ chứa nước, các dự án giao thông; công tác chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản cũng đạt được những kết quả nhất định. Ngành cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn ngành.
|
Cảnh quan lãng mạn tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Nam Viên |
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cũng lưu ý về những hạn chế, tồn tại hiện nay của ngành Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng. Đó là việc tích hợp phát huy hiệu quả các nguồn tài nguyên của tỉnh vẫn chưa được tốt; số hồ sơ tồn đọng, quá hạn còn cao hằng năm; tỷ lệ thu gom, xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng trong tỉnh chưa cao; vẫn còn những phản ánh tiêu cực về cán bộ công chức trong ngành; tình trạng phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh còn phức tạp...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S yêu cầu trong năm 2023, ngành cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2023 - 2030; đẩy nhanh tiến độ phân định đất lâm nghiệp; chú ý đến công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp; thực hiện tốt đề án bảo vệ đa dạng sinh học của tỉnh. Ngành cũng cần rà soát lại quỹ đất, đặc biệt là các mỏ cát để phục vụ cho việc xây dựng cao tốc Liên Khương - Bảo Lộc, đồng thời, cần tích cực thúc đẩy việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, giải quyết số hồ sơ tồn đọng, hạn chế đến mức tối thiểu việc trễ hạn hồ sơ.
VIẾT TRỌNG