Với vai trò của một thủ lĩnh thanh niên, anh Nguyễn Văn Thêm - Bí thư Chi đoàn thôn Hà Mỹ, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh đã luôn đi đầu, nhiệt tình với công tác Đoàn ở cơ sở. Không những vậy, anh Thêm đã và đang phát huy mạnh mẽ tinh thần xung kích của thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp khi phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng từ mô hình chăn nuôi heo của gia đình.
Mô hình chăn nuôi heo nái của anh Nguyễn Văn Thêm mang lại giá trị kinh tế hiệu quả |
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc vào năm 2014, chàng sinh viên Nguyễn Văn Thêm cũng giống với những người bạn đồng trang lứa khác, tò mò và thích thú với những điều mới mẻ nơi phố thị. Tuy nhiên, đối với Thêm lúc đó xác định, đi làm để trải nghiệm, là học hỏi để tìm ra con đường phù hợp với bản thân mình. Chính vì vậy, sau khi đã cảm thấy đủ, tích lũy được vốn kinh nghiệm cần thiết, Nguyễn Văn Thêm đã quyết định trở về nhà và chọn chăn nuôi heo làm lối đi riêng cho mình.
Anh Thêm kể, gia đình anh vốn thuần nông chỉ gắn bó với việc trồng lúa, trồng ngô. Cho đến năm 2018, mới bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm. Trên diện tích 1,5 ha, gia đình anh trồng các loại cây như cao su, điều, sầu riêng mỗi thứ một ít. Cũng trong giai đoạn này, anh Thêm đã bắt đầu triển khai mô hình chăn nuôi heo.
“Đạ Tẻh là vùng đất thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên với nhiệt độ trung bình năm trên 20 độ C, nắng quanh năm và nhiệt ẩm dồi dào là những điều kiện rất lý tưởng cho cây trồng và vật nuôi sinh trưởng thuận lợi. Vì vậy, khi bắt đầu nuôi với 7 heo nái và 15 heo thịt trên diện tích đất 70 m2 sẵn có của gia đình, kết hợp với việc sử dụng con giống tốt, chăm sóc với chế độ dinh dưỡng hợp lý và thường xuyên vệ sinh chuồng trại cũng như phòng các loại bệnh thường gặp mà đàn heo của gia đình phát triển rất khoẻ mạnh” - anh Nguyễn Văn Thêm nói.
Đến năm 2020, nhận được sự hỗ trợ vốn của Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân xã, anh Thêm đã mạnh dạn đầu tư xây thêm chuồng trại lên diện tích 400 m2, sử dụng hầm Biogas để xử lý chất thải, lắp hệ thống uống nước và làm máng ăn tự động cho heo. Trong năm này, đàn heo của anh đã tăng nhanh với 25 heo nái và 80 heo thịt.
“Việc nuôi heo chỉ cần chăm chỉ và chịu khó thì đều có thể thành công. Trung bình heo con sau khi sinh tầm một tháng thì tách mẹ, nuôi 4-5 tháng sau thì có thể xuất chuồng. Với vòng tuần hoàn như vậy, nên mỗi tháng bình quân gia đình anh xuất đi được 20-30 con với giá bán 51-52 ngàn đồng/1 kg heo hơi, heo con bán giống từ 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/con” - anh Thêm chia sẻ.
Hiện nay, đàn heo của anh Thêm đã ổn định với 30 heo nái và 120 heo thịt. Thời gian tới, nếu đàn heo vẫn với tốc độ tăng tưởng nhanh như hiện tại, anh Thêm dự định sẽ mở rộng thêm quy mô và đầu tư làm chuồng lạnh, với toàn bộ hệ thống xây dựng khép kín, có đầy đủ giàn mát, quạt hút gió... để phát triển đàn heo của mình.
Tuy nhiên, theo anh Thêm, trong khi nuôi heo, cần đặc biệt chú ý đến việc phòng bệnh, vì nếu không cẩn thận theo dõi, heo có thể dễ dàng mắc các loại bệnh như thương hàn, viêm phổi... Đây đều là những loại bệnh nguy hiểm với thời gian diễn biến nhanh, tỷ lệ heo mắc phải và chết rất cao và thường đi kèm với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nên nếu không được xử lí kịp thời đàn heo sẽ bị bệnh dẫn đến thiệt hại khá nặng nề.
Anh Nguyễn Hải Đường, Bí thư Đoàn xã Quốc Oai cho biết, anh Nguyễn Văn Thêm là một trong những cán bộ Đoàn tiêu biểu, bản lĩnh, luôn tích cực, tiên phong trong mọi phong trào, phần việc của địa phương. Là một người anh gương mẫu, có trách nhiệm trong đội hình thanh niên xung kích tình nguyện, thể hiện bằng tính hành động cao, nhiệt tình động viên, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho bà con Nhân dân. Với việc khởi nghiệp thành công từ mô hình chăn nuôi heo, anh Nguyễn Văn Thêm còn tạo thêm động lực cho các đoàn viên, thanh niên ở cơ sở có thêm nhiều động lực để noi theo, phấn đấu hơn nữa và vươn lên khẳng định mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin