Những bạn trẻ, với lứa tuổi học sinh, chọn yêu và chăm sóc một loài vật nuôi đặc biệt: bò sát. Và, những bạn trẻ ấy tập hợp thành một nhóm những người yêu động vật, chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc, thông tin, chia sẻ tình cảm và hơn hết, truyền cho nhau tình yêu với động vật, với môi trường và thiên nhiên tươi đẹp.
Các bạn trong CLB Bò sát Lâm Đồng trong một buổi sinh hoạt |
Nguyễn Danh Cường, nguyên học sinh Trường PTTH Bảo Lộc, hiện là sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, một trong những người tham gia phong trào nuôi bò sát đầu tiên ở Lâm Đồng chia sẻ, CLB Bò sát Lâm Đồng là một tập thể những người yêu bò sát cùng sinh hoạt trên đất cao nguyên. Có tới 95% thành viên CLB là các bạn trẻ, từ lứa tuổi 14-18. Các bạn đến từ rất nhiều địa phương trong tỉnh, từ Đà Lạt, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc... đều có các bạn trẻ yêu bò sát. Điểm chung của nhóm là các bạn đều gắn bó với một con “pet” (thú cưng) đặc biệt. Không giống với vật nuôi truyền thống như chó, mèo hay chuột hamster, các bạn chọn vật nuôi là những chú bò sát với nhiều giống, nhiều loài, tới từ nhiều quốc gia khác nhau. Đầu năm 2022, CLB được thành lập với gần 60 thành viên, hầu hết là các bạn trẻ từ khắp nơi trong tỉnh.
Nguyễn Ngọc Vy Thư, cô bé học sinh lớp 10 Trường PTTH Chu Văn An, Đức Trọng vừa chơi với chú rắn ngô nhỏ xíu, vừa cho biết, đã nuôi bò sát được 3 năm. Thư chuyên nuôi dòng bò sát không chân như trăn bóng, rắn. Thư bảo, nhiều bạn thích nuôi chó hay mèo nhưng cô bé chọn trăn vì muốn quan sát, tìm hiểu, chăm sóc một loài động vật còn rất lạ. Cùng lớp với Thư, bạn Trương An Thịnh lại chọn nuôi tegu, một dòng bò sát đặc biệt, mới phổ biến tại Việt Nam vài năm nay. Thịnh chia sẻ, nuôi mỗi dòng bò sát lại đòi hỏi một kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, Thịnh tham gia CLB để chia sẻ thông tin với bạn bè, anh chị em để có thêm kiến thức. Các bạn thường xuyên trao đổi hình ảnh, chia sẻ thông tin, trao đổi về kỹ thuật chăm sóc, cho - tặng bò sát và gặp gỡ nhau để cho thú cưng “gặp gỡ”.
Nguyễn Danh Cường cho biết, phong trào nuôi bò sát phát triển tại Việt Nam khoảng từ năm 2014-2015, bắt đầu từ TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, sau đó lan ra cả nước. Với Lâm Đồng, phong trào cũng nhen nhóm từ năm 2017-2018 và được nhiều bạn trẻ yêu mến. Bò sát nuôi làm cảnh có rất nhiều loại, từ loại không chân như trăn, rắn, loại mai cứng như rùa cho tới các loại như kỳ tôm, kỳ đà, rồng úc, iguana, thằn lằn da báo leopard gecko..., với hàng trăm loại. Có con ăn thịt sống, có loài ăn sâu, dế cho tới loài ăn chay. Là bò sát cảnh, các con vật đều có màu sắc đa dạng, từ to như tảng đá 15-20 kg tới nhỏ như cây bút chì. Cường cho biết, nuôi bò sát tại xứ lạnh như Lâm Đồng khó hơn các tỉnh đồng bằng bởi cần nhiều phụ trợ như đèn sưởi, calci, vitamin..., giúp bò sát sống khỏe. Nhiều người có thể sợ bò sát nhưng khi nuôi mới biết, bò sát cũng quen chủ, thích vuốt ve, khi đã quen chỉ cần nhìn màu sắc là biết tâm trạng của bò sát. Nuôi bò sát, các thành viên học được rất nhiều về cách chăm sóc động vật, yêu tự nhiên.
Theo Cường chia sẻ, các bạn trẻ nuôi bò sát đều là các dòng nhập ngoại từ Australia, Nam Mỹ, Thái Lan. Ở Việt Nam cũng có một số dòng nội địa được nuôi nhiều như trăn gấm, cá sấu. Khi tham gia CLB, các bạn hướng dẫn nhau cả luật về vật nuôi, tránh những vật nuôi trong sách đỏ, chỉ nuôi những dòng được khuyến khích nuôi nhốt. Từ các buổi sinh hoạt, ngoài trao đổi về bò sát, các bạn còn nhắc nhở nhau học tập, đạt kết quả tốt để mọi người, đặc biệt là bố mẹ, thầy cô có cái nhìn thiện cảm với những người yêu bò sát và bò sát. Có lẽ cũng vì vậy, nhiều bạn trẻ trong CLB đạt kết quả tốt trong học tập. Phạm Nguyễn Bảo, cũng là một trong những thành viên sáng lập CLB, học sinh Bảo Lộc hiện đang là sinh viên Đại học Y Tây Nguyên. Bảo cho biết, yêu, nuôi, chăm sóc bò sát hàng ngày tạo cho các bạn trẻ tình yêu sinh vật, thích mày mò, khám phá các vấn đề về sinh học, giúp các bạn cân bằng trong học tập và biết yêu động vật.
Một trong những “lão làng” của CLB, anh Đào Quang Trung, xã Tam Bố, huyện Di Linh hiện đang ở tuổi 33. Anh Trung cho biết, CLB hầu hết là bạn trẻ tuổi học sinh, người lớn tuổi như anh khá ít. Không chỉ nuôi bò sát, anh Trung còn đang thử nghiệm nuôi sinh sản iguana, một giống bò sát nguồn gốc Nam Mỹ với nhiều màu đẹp, sặc sỡ như đỏ, xanh, vàng... Theo anh Trung, nuôi bò sát không chỉ là phong trào mà thực sự là một niềm đam mê của các bạn trẻ, giúp các bạn có niềm vui sau giờ học đồng thời, góp phần xây dựng tình yêu thiên nhiên với các bạn trẻ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin