Người trẻ ở thôn buôn không biết đánh cồng chiêng, không biết múa xoang, đan lát, vậy khi các già, các ông mất đi, ai sẽ là người kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình? Cũng chính câu hỏi ấy mà chị Ka Hành - Bí thư Đoàn xã Bảo Thuận (huyện Di Linh) nhiều năm qua luôn nỗ lực thành lập, duy trì các hoạt động, câu lạc bộ giúp khơi nguồn tình yêu, niềm tự hào của lớp trẻ trong việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc.
Tinh thần học hỏi, kế thừa những bản sắc văn hóa dân tộc của lớp trẻ Bảo Thuận |
Sinh năm 1992, là người K’Ho Srê, hầu như những điệu múa xoang đặc trưng của người K’Ho, chị Ka Hành đều biết. Từ ngày nhỏ, chị đã dành sự yêu thích đặc biệt với những nét đẹp văn hóa, âm nhạc của người K’Ho.
Lớn lên cùng những lời ca, tiếng hát, điệu múa của người K’Ho, sau khi ra trường và đi làm, chị Ka Hành càng tìm hiểu sâu về những nét đặc trưng lễ hội, cồng chiêng, điệu múa xoang của người K’Ho. Chị cho biết, trong lễ hội của người K’Ho không thể thiếu tiếng cồng chiêng và vòng múa xoang của các chàng trai, cô gái. Sự gắn kết này tạo nên không khí vui tươi, sức sống cho lễ hội.
Càng dành sự trân quý cho những nét đẹp văn hóa của người K’Ho, chị càng lo lắng, trăn trở về sự kế thừa, tiếp nối của người trẻ trong việc giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. “Những người trẻ xung quanh mình, có rất ít người biết đánh cồng chiêng, biết múa xoang. Vậy thì ai là người tiếp nối giữ gìn? Nếu không có thế hệ kế thừa những bản sắc văn hóa của mình, thì tất cả sẽ bị mai một và biến mất theo thời gian”, chị Ka Hành chia sẻ.
Chính vì suy nghĩ này, cuối năm 2018, với vai trò là Bí thư Đoàn xã Bảo Thuận, chị Ka Hành đứng ra thành lập Câu lạc bộ Tri thức trẻ. Tham gia Câu lạc bộ, các bạn trẻ sẽ tìm hiểu và lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa của địa phương từ chữ viết, vật dụng thường ngày đến nghề truyền thống của người K’Ho. Riêng cồng chiêng và múa xoang, ngoài tổ chức các lớp học cồng chiêng, chị Ka Hành cũng thành lập đội múa, cồng chiêng của xã. Sau 5 năm hoạt động, thành viên của đội múa đã tăng lên 25 người, đều là những người trẻ của địa phương. Đội thường xuyên biểu diễn tại các điểm du lịch như Kala View, thác Bobla và những dịp lễ hội của xã, huyện. Trong mỗi lần biểu diễn, các thành viên đều tận tình chia sẻ, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình cho du khách, giúp khách du lịch trải nghiệm và có cái nhìn mới mẻ hơn về múa xoang và cồng chiêng của người K’Ho.
Chị Ka Hành cho biết, mặc dù cùng chung là người K’Ho, nhưng điệu múa xoang của người K’Ho Srê và K’Ho Cil có những đặc điểm khác nhau. Thông thường, điệu múa của người K’Ho Srê dứt khoát, mạnh mẽ hơn, còn điệu múa của K’Ho Cil nhẹ nhàng, uyển chuyển. “Để phát huy vẻ đẹp, đặc trưng bản sắc mỗi dân tộc, trong những bài biểu diễn múa xoang, cồng chiêng của đội đều có sự kết hợp nét nhẹ nhàng, uyển chuyển giữa K’Ho Cil và sự dứt khoát, mạnh mẽ của K’Ho Srê”, chị nói. Những điệu múa cũng từ đó trở nên phong phú, đa dạng, đẹp mắt và thu hút sự chú ý của khách du lịch hơn.
Khi có lịch biểu diễn, đội múa xoang, cồng chiêng sẽ có lịch tập dày hơn, mỗi người đều cố gắng biểu diễn tốt tiết mục của mình. “Các thành viên tham gia hoạt động của đội, phần lớn là vì niềm yêu thích với cồng chiêng, múa xoang và hơn hết là niềm tự hào, mong muốn quảng bá những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với du khách”, chị Ka Hành chia sẻ.
Để giữ gìn những nét đẹp văn hóa của người K’Ho, ở Bảo Thuận, chị Ka Hành còn cùng với già làng, những người có uy tín và cha xứ khuyến khích bà con mặc trang phục truyền thống của mình trong những ngày đi lễ nhà thờ. Vì vậy mà nhiều năm trở lại đây, nhiều bà con, kể cả người trẻ ở Bảo Thuận cũng đã thường xuyên mặc trang phục truyền thống của mình trong những ngày vui, lễ hội và đi nhà thờ với một niềm tự hào bản sắc dân tộc.
Là địa phương có hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, những việc làm của chị Ka Hành và các bạn trẻ ở Bảo Thuận đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Thay đổi nhận thức và hành động, lớp trẻ ở Bảo Thuận đang từng ngày, từng giờ, khẳng định tinh thần trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc cũng như đóng góp vào sự phát triển văn hóa - xã hội chung của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin