Thú thực, chúng tôi không biết nhiều lắm về Nadia Murad - người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2018 cho đến khi gặp Võ Thị Anh Tú...
Thú thực, chúng tôi không biết nhiều lắm về Nadia Murad - người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2018 cho đến khi gặp Võ Thị Anh Tú. Cũng chính bằng những dòng xúc cảm khi viết về thân phận đặc biệt của Nadia Murad đã giúp Tú, một cô bé học sinh lớp 9 (Trường THCS Hiệp Thạnh - Đức Trọng) đạt “Cây bút triển vọng” của Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU năm 2019 tại Việt Nam.
|
Em Võ Thị Anh Tú. |
Yêu văn học, thích viết nên không có gì ngạc nhiên khi Tú giờ đã là học sinh chuyên văn của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh). Tự tin, hồn nhiên và tràn đầy năng lượng sống, trong những cuộc nói chuyện, Tú sẽ khiến không ít người đối diện phải ngạc nhiên, bởi kiến thức và sự hiểu biết của mình.
“... Anh hùng? Họ là thần tiên ư? Hay một lực sĩ kiệt xuất?Một nhà tri thức đại tài?Nhưng sao người anh hùng của tôi lại không như vậy!Chỉ thuần túy là một cô gái nhỏ bé, gầy guộc với đôi mắt đượm buồn sâu xa. Đúng! cô không phải hình tượng anh hùng tiêu biểu như trong câu chuyện cổ tích thuở bé. Cô là vị anh hùng của xã hội hiện đại. Là hơi thở của những kẻ bị số phận vùi dập. Là tiếng nói của hàng nhìn người phụ nữ bị bạo lực tình dục và sử dụng như một vũ khí chiến tranh, xung đột vũ trang. Cô - người hùng của tôi - Nadia Murad...”. Tú đã mở đầu bức thư của mình như thế, như một lời khẳng định về hình mẫu người hùng của mình. Không phải là một ngôi sao K-Pop hay nhân vật giải trí nào đó của Showbiz Việt như thường lệ ở độ tuổi của em.
Tú không đoạt giải cao trong Cuộc thi Viết thư quốc tế, có lẽ một phần em bị trừ điểm bởi quy định số chữ. Có thực sự quan trọng không, khi bức thư gần 1.500 từ là những day dứt, trăn trở với số phận của Nadia Murad, là lẽ sống, là lý tưởng của những thân phận bị chà đạp, là nỗi căm hờn, sự kinh sợ trước cái ác của khủng bố, là niềm tin, là khát vọng vươn lên của tuổi trẻ. Với chúng tôi, không có nhiều người đủ cảm nhận, đủ cảm xúc hay nhiều hơn là đủ lý trí để có thể viết lên những điều tốt đẹp như thế.
Ngôi nhà nhỏ của em ở gần ngã ba Finom, một ngôi nhà bình thường như rất nhiều gia đình khác. Tú có người cha làm nghề thuốc nam, mẹ là một cô giáo, anh trai là một sinh viên trường kiến trúc. Sự chăm chút và bảo bọc không làm Tú vơi đi những đam mê của mình, em gần như viết mỗi ngày. Ngắn dài, hay dở không quan trọng, được đặt bút viết ra từ những nghĩ suy của tuổi mới lớn hay giản đơn là sinh hoạt thường ngày đó mới là niềm vui của em. “Em có muốn trở thành nhà văn không?”, “Dạ, em chưa dám nghĩ tới điều ấy, em chỉ muốn là người viết và được viết thôi”, Tú trả lời chúng tôi bằng nụ cười đầy rạng rỡ trong đôi mắt trong veo của em.
Kiến thức của mẹ, đạo đức, cái tâm cứu người của cha và cả trí tưởng tượng, tư duy của anh trai đã giúp Tú có được cái nhìn tốt đẹp nhất về cuộc sống. Em tin, phần khuất, mặt trái của xã hội chỉ là những hạt sạn; lòng tốt, sự yêu thương, sẻ chia, vượt qua số phận mới là những điều tồn tại vĩnh cửu.
Không thể rời mắt khỏi những dòng cảm xúc trong bức thư, hay đúng hơn là một lời tự sự của Tú. Chỉ tiếc một điều, chúng tôi không thể chuyển tải hết nội dung của bức thư đó trong một bài báo. Trọn vẹn, đong đầy và vỡ òa là những điều có thể cảm nhận rõ nhất.
“... Trước một thế giới văn minh, đề cao sự hòa bình, nhưng sao những tội ác man rợ ấy lại có thể tự do hoành hành như vậy? Hay chính do định kiến xã hội vốn cho đây là một chuyện nhạy cảm của phụ nữ, không nên bàn tán? Cho nên tội ác man rợ thản nhiên được che giấu, nhấn chìm đi những giọt nước mắt, tiếng kêu cứu trong vô vọng của biết bao người phụ nữ còn mắc kẹt nơi tối tăm? Nhưng, Nadia thì khác. Cô cũng như bất kỳ nạn nhân khác đã từng chịu qua sự tra tấn tinh thần kinh khủng ấy. Từ ký ức về chuỗi ngày đen tối nhất cuộc đời, những bí mật mà bất kỳ người con gái nào trước đây chỉ muốn giấu nhẹm đi - cô lên tiếng, đấu tranh cho một vấn nạn thế kỷ mà không ai bàn bạc hay lên tiếng mạnh mẽ vì nghĩ đó là “chuyện nhạy cảm”. “Mùi” tự do càng thôi thúc cô gái 25 tuổi tiếp tục tố cáo tội ác, lên tiếng cho những bất công, những phụ nữ, trẻ em phải gánh chịu...”. Lấy Nadia Murad làm nhân vật trung tâm, xuyên suốt trong mạch văn của mình, Võ Thị Anh Tú đã vẽ lên một bức tranh đầy sắc màu u ám về những ngôi làng của người thiểu số Yazidi ở Iraq. Nơi hàng trăm ngàn người nông dân hiền lành bị lực lượng phiến quân hồi giáo IS tàn sát và bắt làm nô lệ. Nơi hàng ngàn trẻ em và phụ nữ bị giam cầm trong những trại tị nạn, bị đánh đập và hãm hiếp. Từ một nhân vật có thật, xuất hiện trên truyền thông, đã đem lại cho Tú nhiều rung cảm. Không đơn thuần là cách viết như trong một bài tập làm văn của học sinh phổ thông, cách hành văn của Tú khiến cho người đọc liên tưởng tới một tác phẩm báo chí với thể loại ký sự nhân vật. Đầy đủ tình tiết, đầy đủ ngôn ngữ biểu cảm và đầy đủ cảm xúc của tác giả.
“Nadia - một cô gái từ ngục sâu tăm tối - trở thành một người hùng cho những người chung cảnh ngộ. Nobel hòa bình được trao cho cô càng khiến ngọn lửa đấu tranh lan tỏa mạnh mẽ. Tổ chức của cô - Nadia’s Initiative trở thành một ngôi nhà cho những nạn nhân của tội diệt chủng. Tôi đã luôn cố hình dung: “Rốt cuộc, “anh hùng” là gì?”. Đó phải chăng cũng chỉ là một cụm từ, một khái niệm trừu tượng vô thực? Hay nó chỉ mãi mãi xuất hiện nơi trang truyện cổ tích? Nhưng Nadia đã cho tôi một cái nhìn khác. Anh hùng không phải là người có nhiều trang bị vũ khí tối tân nhất. Không phải là người thông minh nhất. Càng không phải là người đẹp nhất. Mà anh hùng chính là người can đảm, dám đối diện với bản thân, một người biết yêu thương, biết cống hiến, hy sinh vì lợi ích chung. Đó có thể là bất kỳ ai - các bạn - tôi - chính bản thân chúng ta”.
Cũng giống như cách kết thúc câu chuyện của mình về Nadia Murad, Tú chia sẻ khi được hỏi, đã bao giờ em muốn làm người hùng chưa? Làm người hùng của chính bản thân mình, cũng đã là một điều tốt đẹp rồi!
Nadia Murad Basee Taha, người Kurd, sinh ra ở làng Kojo Sinjar (Iraq). Gia đình cô thuộc nhóm thiểu số dân tộc thiểu số Yazidi, là nông dân. Ở tuổi 19, khi Murad đang là một sinh viên, ngôi làng của cô đã bị các chiến binh Hồi giáo trong làng giết chết 600 người - trong đó có sáu người anh em và mẹ kế của Nadia. Bản thân cô cùng với hơn 6.700 phụ nữ Yazidi bị bắt làm nô lệ. Cô bị giam giữ, bị đánh đập, bị đốt cháy bằng thuốc lá và bị hãm hiếp khi cố trốn thoát. Sau rất nhiều sự cố và bằng nhiều cách, tháng 2/2015, cô đã đưa ra lời khai đầu tiên của mình cho phóng viên tờ báo hàng ngày của Bỉ - La Libre trong khi cô đang ở Rwanga, sống trong một thùng chứa. Cùng trong năm đó, cô là một trong số 1.000 phụ nữ và trẻ em được hưởng lợi từ một chương trình tị nạn của Chính phủ Baden-Wurttemberg (CHLB Đức) và nơi đây cũng là ngôi nhà mới của cô. Hiện tại cô là một nhà hoạt động nhân quyền Yazidi Iraq ở Đức. Murad là người sáng lập của Nadia’s Initiative - Một tổ chức dành riêng cho “giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bị nạn diệt chủng, tàn bạo hàng loạt và buôn bán người để chữa lành và tái xây dựng cuộc sống và cộng đồng của họ”. Năm 2018, cô và Denis Mukwege đã được trao giải Nobel Hòa bình. |
LINH ĐAN - CHÍNH THÀNH