Đội ngũ trí thức - lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên số

02:01, 22/01/2019

Trải qua các giai đoạn lịch sử, Ðảng ta nhiều lần khẳng định, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Bước vào kỷ nguyên 4.0, vai trò của đội ngũ trí thức càng được đề cao như là nguồn lực quan trọng đặc biệt và được xem là lực lượng tiên phong nắm lấy khoa học kỹ thuật hiện đại và truyền bá những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến mọi tầng lớp nhân dân.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, Ðảng ta nhiều lần khẳng định, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Bước vào kỷ nguyên 4.0, vai trò của đội ngũ trí thức càng được đề cao như là nguồn lực quan trọng đặc biệt và được xem là lực lượng tiên phong nắm lấy khoa học kỹ thuật hiện đại và truyền bá những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến mọi tầng lớp nhân dân.
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các trí thức tiêu biểu
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các trí thức tiêu biểu

Bằng hoạt động sáng tạo, đội ngũ trí thức đã có những đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, song trong kỷ nguyên số, đội ngũ trí thức vẫn luôn là nhân tố quan trọng trong việc dẫn dắt các tầng lớp nhân dân tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
 
Khẳng định vai trò tiên phong
 
Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đề ra mục tiêu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng chậm phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn nhân lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức. Đây được xem là tiền đề quan trọng để đội ngũ trí thức trong cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng phát huy tốt vai trò tiên phong trong kỷ nguyên số.
 
Với nhiệm vụ tập hợp đội ngũ trí thức tham gia đóng góp trí tuệ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Ðồng đã không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật thông qua các cuộc thi, hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Ðồng.
 
“Bước vào cuộc cách mạng 4.0, vai trò của đội ngũ trí thức được đề cao như là nguồn lực quan trọng đặc biệt, phản ánh sức mạnh của mỗi quốc gia trong cuộc chạy đua, cạnh tranh toàn cầu. Để bắt kịp với sự phát triển, thay đổi của thế giới, tất yếu phải xây dựng, phát huy tốt nhất tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức khoa học công nghệ”, ông Phan Văn Phấn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng nhận định và cho biết thêm, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, công tác tập hợp đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tại địa phương ngày càng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng đã tập hợp được 42 tổ chức thành viên với gần 15.000 trí thức, chiếm 26,4% trí thức của tỉnh, trở thành “mái nhà chung” của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tại địa phương. 
 
Tiền đề cho sự phát triển
 
Sau khi Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 65-KH/TU ngày 19/2/2013 để thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Lâm Đồng đã đẩy mạnh các mặt hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nghiên cứu khoa học, trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài... Qua đó, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
 
Là cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên có chức năng nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ, tổ chức cung ứng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực sinh học, hóa học, môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan theo quy định của pháp luật. Với đội ngũ trí thức trên 50 người, hàng năm, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên thực hiện từ 10 đến 12 đề tài nghiên cứu các cấp, sản xuất và cung cấp cây giống cho địa phương trên 30.000 cây giống rau, hoa các loại. Đặc biệt, năm 1978, Viện đã nghiên cứu thành công phương pháp nuôi cấy mô trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Việc chủ động tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cấy mô trước đây của Viện đã góp phần gia tăng các cơ sở nuôi cấy mô tại Đà Lạt - Lâm Đồng, đáp ứng tốt nhu cầu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua. “Trong lĩnh vực nông nghiệp ở kỷ nguyên số này, cùng với việc chủ động ứng dụng kỹ thuật số vào quy trình trồng trọt, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ... thì sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Đây chính là mấu chốt quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Và, để các tầng lớp nhân dân tiếp cận nhanh vào cuộc cách mạng 4.0 chúng ta cần xây dựng một hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để mọi người dù ở đâu cũng có thể tìm hiểu, khai thác và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm kiếm thị trường, mở rộng hợp tác đầu tư...”, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Toàn Phan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) gợi ý.
 
Giảng viên và học sinh Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đang say sưa chế tạo robot
Giảng viên và học sinh Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đang say sưa chế tạo robot

Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tiến sĩ Nguyễn Văn Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt là người luôn chủ động nắm bắt các kỹ thuật tiên tiến để truyền đạt cho các thế hệ học trò của nhà trường. Ông Nguyễn Văn Hải cho biết, hiện nhà trường đang tiếp cận nhanh trong kỷ nguyên 4.0 ở các lĩnh vực công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, máy in 3D và kết nối internet vạn vật. Được sự hỗ trợ của lãnh đạo nhà trường, bước đầu, một số thiết bị do đội ngũ giảng viên, học sinh nhà trường chế tạo đã tham gia các hội chợ triển lãm, gần đây đã giới thiệu mô hình nhà kính thông minh tại triển lãm các sản phẩm, giải pháp xây dựng thành phố thông minh được tổ chức tại TP Đà Lạt vào cuối tháng 12/2018. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tập trung nghiên cứu chế tạo ra một loại robot để hỗ trợ con người trong một số công việc cần thiết. Hy vọng rằng, trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ chế tạo thành công loại robot này để giới thiệu và công bố trước công chúng.
 
Có thể nói, với lực lượng đội ngũ trí thức khá hùng hậu, Lâm Đồng sẽ từng bước tiếp cận nhanh trong kỷ nguyên số trên mọi lĩnh vực, nếu tập hợp và xây dựng được môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ trí thức cũng như có chế độ đãi ngộ đặc biệt nhằm thu hút và phát huy có hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức và các chuyên gia đầu ngành trong một số lĩnh vực quan trọng của địa phương.
 
HỒNG HẢI