Đâu cũng là nhà

02:01, 22/01/2019

Sáng mùng một Tết Đinh Dậu 1957, Bác Hồ rời Phủ Chủ tịch rất sớm, đi thăm và chúc tết. Thành phố Hà Nội nhà nhà đều đã sáng đèn nhưng chưa mấy nơi mở cửa. Thủ đô yên bình trong sương sớm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội không quân trực chiến trong ngày tết của dân tộc, 9/2/1967. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội không quân trực chiến
trong ngày tết của dân tộc, 9/2/1967. Ảnh tư liệu

Sáng mùng một Tết Đinh Dậu 1957, Bác Hồ rời Phủ Chủ tịch rất sớm, đi thăm và chúc tết. Thành phố Hà Nội nhà nhà đều đã sáng đèn nhưng chưa mấy nơi mở cửa. Thủ đô yên bình trong sương sớm.
 
Đoàn xe của Chủ tịch Nước chỉ có hai chiếc. Sau xe của Bác, giản dị như mọi xe chở cán bộ cao cấp thời bấy giờ, chúng tôi ngồi chen nhau trên chiếc “com măng ca” (xe dã chiến hai cầu). Ngược đê sông Hồng lên một xã thuộc ngoại thành thăm và chúc tết nông dân xong, đoàn xuôi đê Yên Phụ trở lại nội thành, đến đầu phố Phạm Ngũ Lão dừng lại vào thăm một đơn vị bộ đội bảo vệ Thủ đô.
 
Đã được báo trước, anh em bộ đội mặc quân phục mới tinh, tập trung giữa sân hoan hô Bác. Tư lệnh Binh đoàn bảo vệ Thủ đô Hà Kế Tấn đón Bác Hồ từ trước cổng trại, mời Bác vào căn nhà chính, trước hiên đặt sẵn cái bàn gỗ mộc, không trải khăn, không bày hoa, cũng không có cả micrô, mời Bác đứng ở đấy nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ.
 
Nhưng Bác Hồ chưa dừng lại. Bác đi thẳng vào khu doanh trại, thăm các phòng ngủ, nhà văn hóa, xuống nhà bếp, vào phòng ăn xem suất ăn tết của anh em ra sao, đến đâu cũng dừng lại hỏi chuyện nhiều người.
 
Vòng quanh một lượt các gian nhà, quan sát khắp mọi nơi, Bác mới trở lại bên cái bàn gỗ, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ.
 
- Nhân dịp năm mới, Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ đến thăm và chúc các chú. Năm vừa qua, trong công việc bảo vệ trị an, trật tự Thủ đô, và học tập, rèn luyện, các chú đều có thành tích khá. Năm nay, các chú cần cố gắng hơn nữa. Một là, đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, đoàn kết giữa quân và dân. Hai, luôn luôn cảnh giác, luôn luôn giữ gìn chí khí chiến đấu, tác phong quân đội cách mạng: cần, kiệm. Nhân tiện Bác hỏi các chú đã tham gia phong trào tiết kiệm hay chưa?
 
Bộ đội đồng thanh trả lời:
 
- Có ạ.
 
- Tốt (Bác cười). Nhưng phải dẻo dai, bền bỉ chứ không phải chỉ tiết kiệm có một lần. 
 
- Ba, cố gắng học tập chính trị, kỹ thuật. Bốn, tùy khả năng của mình mà giúp đỡ Nhân dân trong mọi việc. 
 
Các chú có đồng ý với Bác không?
 
- Có ạ. Có ạ.
 
Bác Hồ cười vui hơn:
 
- Chúc các chú vui vẻ, mạnh khỏe, làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho và những lời Bác vừa dặn.
 
Hôm ấy, Bác Hồ không nói nhiều. Bởi thời gian hạn chế, hơn nữa vừa mới hai hôm trước, ngày 29 tháng Chạp Bính Thân, Bác đã có cuộc gặp mừng và nói chuyện khá lâu với đại biểu các đơn vị, thương binh và quân nhân phục viên, có cả đại biểu văn công quân đội tại Hà Nội, đến chúc mừng Bác nhân dịp sắp Tết Đinh Dậu. Gọi là “chuyện trò” có lẽ đúng hơn, bởi thỉnh thoảng đang nói Bác dừng lời hỏi ý kiến người này người khác. Chờ người đó trả lời xong Bác có ý kiến trao đổi, rồi mới tiếp tục câu chuyện. Một cuộc họp mặt khá đông, người nghe ngồi kín hội trường mà bầu không khí vẫn ấm áp thân thương như gặp mặt đại gia đình. Bác nói: “Bây giờ Bác hỏi các cô các chú: Sinh hoạt hiện nay so với hồi kháng chiến như thế nào? Có hơn không? (Nhiều tiếng trả lời: Thưa Bác, hơn nhiều ạ). Thế thì tốt lắm. Bác mừng. (...) Nước ta hòa bình mới được hai năm, đã bị chiến tranh tàn phá mười lăm năm, hiện nay nước ta còn tạm thời bị chia làm hai miền, vậy vì sao sinh hoạt của các cô các chú đã cải thiện hơn trước? Đó là do cố gắng của đồng bào, của các cô các chú, đồng thời cũng phải biết là nhờ có sự giúp đỡ của các nước anh em...”. 
 
Giải thích về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác hỏi: “Các cô các chú miền Nam thắc mắc không biết đến bao giờ thì thống nhất đất nước, có phải không? (Có ạ! Phải ạ!). Một chị văn công nói: “Cháu nhớ nhà lắm ạ!”. Bác Hồ: “Thế thì đây cũng là nhà rồi. Các cô các chú phải hiểu: học ở đâu, làm việc ở đâu là nhà ta ở đó. Nhớ miền Nam không phải chỉ có ngồi mà nhớ cái núi, dòng sông, cây dừa rồi hỏi “Bao giờ thì thống nhất?” hoặc “trường kỳ đến bao nhiêu?”. Chúng ta cố gắng khắc phục khó khăn được bao nhiêu thì “trường kỳ” rút ngắn đi được ngần ấy... Thế thì không thắc mắc nữa chứ?” (Có nhiều tiếng cười khúc khích).
 
Sáng nay cũng vậy. Trong tiếng hoan hô và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt mọi người có mặt, Bác Hồ vui vẻ bước xuống sân, lên xe đi tiếp, thẳng vào tỉnh Hà Đông thăm trại trẻ Kim Đồng.
 
PHAN QUANG