Báo Lâm Đồng trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết của ðồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội ðơn vị tỉnh Lâm Đồng nhằm giải đáp vấn đề này...
LTS: Năm 2019, Lâm Đồng tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, toàn diện trong phát triển KT-XH. Tuy nhiên, chặng đường trước mắt vẫn đặt ra nhiều khó khăn và thách thức, làm gì khắc phục và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị năm 2020, Báo Lâm Đồng trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết của đồng chí Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng nhằm giải đáp vấn đề này.
Năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Với chủ đề “Vượt qua thách thức, tạo động lực, đột phá, phấn đấu hoàn thành toàn diện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X”; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; có 16/17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra (trong đó, 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch); quốc phòng được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại được đẩy mạnh.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra các hạng mục trước Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019. Ảnh: T.Trang |
KINH TẾ - XÃ HỘI ÐẠT KẾT QUẢ QUAN TRỌNG, TOÀN DIỆN
Kinh tế Lâm Đồng phát triển và đạt 8,5% (KH 8,5 - 9%). Đây là mức tăng trưởng cao và cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung toàn quốc (cả nước tăng trưởng ước đạt 6,8%).
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5,3% (KH 5 - 5,5%); giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích bình quân năm 2019 ước đạt 173 triệu đồng/ha. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán tiếp tục được chú trọng, độ che phủ rừng được ổn định và nâng cao; tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm so với cùng kỳ; công tác điều tra, xét xử các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng được các cơ quan tiến hành chặt chẽ, kịp thời. Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng. Với việc chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đến cuối năm 2019, có 99/116 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 85% tổng số xã và tăng 12 xã so với năm 2018. Huyện Đơn Dương đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Đức Trọng đạt chuẩn huyện nông thôn mới; thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huyện Đạ Tẻh đạt các tiêu chí chuẩn nông thôn mới và đang hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan chức năng thẩm định. Đặc biệt sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Lâm Đồng vinh dự là một trong 9 địa phương cả nước được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch tiếp tục tăng trưởng khá; hạ tầng các khu du lịch tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; chất lượng dịch vụ du lịch được cải thiện. Ngành du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến trong năm đạt 8.298 tỷ đồng, bằng 103,1% dự toán địa phương, tăng 15% so với năm 2018. Trong đó, thu từ thuế, phí 5.250 tỷ đồng, đạt 100% dự toán địa phương, tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Trong năm 2019, toàn tỉnh có 29 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; với tổng vốn đăng ký 4.276 tỷ đồng, tăng 33% về quy mô vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ước đạt 1.130 doanh nghiệp, tăng 12% so cùng kỳ. Đến hết năm 2019 ước có khoảng 9.000 doanh nghiệp, tăng 971 doanh nghiệp so cùng kỳ, với tổng số vốn 96.200 tỷ đồng...
Cùng với kinh tế phát triển, lĩnh vực y tế và văn hóa, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí nghèo đa chiều) còn 1,85%, giảm 1% so với năm 2018 (khoảng 3.000 hộ); tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn 6,5%, giảm 2% so với năm 2018 (khoảng 1.500 hộ); đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân được nâng lên.
Công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Việc thực hiện tinh giản bộ máy và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kế hoạch của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra tiến độ thi công công trình hồ Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh). Ảnh: H.Sang |
HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng năm 2019 vẫn còn những khó khăn, thách thức như: giá một số nông sản không ổn định; bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi gây nhiều thiệt hại cho các hộ chăn nuôi; tình trạng vi phạm phát luật về quản lý, bảo vệ rừng còn diễn biến phức tạp,... Tiến độ giải ngân một số nguồn vốn xây dựng cơ bản còn chậm; các dự án, công trình trọng điểm triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác quản lý xây dựng, trật tự đô thị còn hạn chế. Công tác xử lý rác thải, nhất là tại các đô thị lớn gặp nhiều khó khăn. Tội phạm các loại về trật tự xã hội, kinh tế, môi trường, ma túy ngày càng diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
MỘT SỐ VẤN ÐỀ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2020
Năm 2020 là năm cuối và có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định năm 2020 là “Chỉ đạo quyết liệt, hành động mạnh mẽ hoàn thành toàn diện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X”. Với ý nghĩa đó, tỉnh Lâm Đồng đã đề ra mục tiêu tổng quát: tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2019; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và khởi nghiệp. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thực hiện các dự án công trình trọng điểm. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ. Chú trọng các lĩnh vực VH-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân... Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, tạo khí thế chào mừng đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải quyết tâm cao hơn nữa, chủ động nắm bắt, tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, khắc phục hạn chế, khó khăn, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Năm 2020, Lâm Đồng phấn đấu đạt các chỉ tiêu chủ yếu: GRDP tăng từ 8,5-9% so với năm 2019; GRDP bình quân đầu người khoảng 73-75 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9.295 tỷ đồng, tăng 12% so với ước thực hiện năm 2019; tổng lượng khách du lịch 7,8 triệu lượt khách, tăng 9,1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,5-1%, trong đó hộ đồng bào DTTS giảm từ 2-3%... |
Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đề ra biện pháp khả thi, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thu - chi NSNN,... khuyến khích khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, tập trung vốn đầu tư công và tăng cường huy động các nguồn lực cho các công trình trọng điểm. Triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg ngày 3/9/2015.
Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung nâng cao giá trị nông sản thông qua liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đẩy mạnh thực hiện dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Tiếp tục xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, du lịch và các sản phẩm chủ lực khác của tỉnh,... trọng tâm là thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Triển khai có hiệu quả Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản. Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm. Kiểm soát chất lượng giống, vật tư nông nghiệp; giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp, thường xuyên bám sát địa bàn, cơ sở để kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền xử lý nghiêm những vi phạm liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Khẩn trương xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý rừng, ngăn chặn tình trạng xâm chiếm rừng, phá rừng và khôi phục rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm”; tập trung thực hiện công tác trồng rừng, khôi phục rừng trên địa bàn.
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản; công nghiệp vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo... Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường; đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao, tỉnh có lợi thế. Nâng cao chất lượng, đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch. Duy trì có hiệu quả và mở thêm các đường bay nội địa, quốc tế đến Sân bay Liên Khương. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với hợp tác xây dựng các tuyến du lịch và kết nối Đà Lạt với các trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong nước và quốc tế, nhằm tăng cường thu hút du khách đến với Đà Lạt, Lâm Đồng.
Đẩy mạnh huy động nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM, duy trì và nâng cao chất lượng từng tiêu chí các xã, huyện đã được công nhận. Phấn đấu cuối năm 2020 thêm 10 xã đạt 19/19 tiêu chí về NTM; huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên đạt chuẩn huyện NTM. |
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong đó, xác định cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính là khâu quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 35 của Chính phủ. Tăng cường đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện.
Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2020, đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng cường quản lý, giám sát đầu tư công, chống thất thoát, lãng phí. Rà soát đơn giản hóa thủ tục để rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thanh toán các dự án khi đủ điều kiện giải ngân, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý vướng mắc phát sinh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm đã được Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra như Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh, quy hoạch chỉnh trang Khu trung tâm Hòa Bình, Khu Du lịch Đankia - Suối Vàng, Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm... Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ, ngành Trung ương tìm kiếm giải pháp và vốn đầu tư Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Tăng cường quản lý quy hoạch gắn với quản lý đất đai, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm các quy định về quản lý đất đai,… Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả và quản trị công cấp tỉnh. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công và xây dựng chính quyền điện tử. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh.
Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hộ vừa thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc. Tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng đạt chuẩn. Bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp trường lớp đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao năng lực hoạt động bệnh viện các tuyến; đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; phấn đấu tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90% vào năm 2020. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chuẩn bị chu đáo để Nhân dân vui xuân đón tết cổ truyền của dân tộc - Tết Canh Tý năm 2020.
Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động, các sự kiện diễn ra trên địa bàn, các công trình trọng điểm về an ninh quốc gia, nhất là dịp diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị. Rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cải cách tiền lương. Làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, các cơ quan, địa phương, đơn vị; tổ chức thành công Đại hội thi yêu nước của tỉnh Lâm Đồng lần thứ VI hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Với sự nỗ lực thực hiện những nhiệm vụ cơ bản trên, tôi hy vọng bước vào mùa xuân mới bằng quyết tâm “Chỉ đạo quyết liệt, hành động mạnh mẽ hoàn thành toàn diện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X”; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ thi đua thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2020 và những năm tiếp theo, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân cũng như yêu cầu xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững như Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X đã đề ra.
ÐOÀN VĂN VIỆT - CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÂM ÐỒNG