Mùa trồng rừng mới

07:01, 19/01/2020

Mùa trồng rừng mới

Nghe tiếng xe máy vào sân, già K’Lương ngồi sưởi ấm, bật dậy khỏi chiếc ghế kê gần bếp than hồng trên treo ấm nước sùng sục reo, hấp tấp bước ra cửa, gọi: “Ka Liên, lên nhà,... bạp (cha) bảo”. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Theo cầu thang gỗ, Ka Liên lên nơi bạp thu xếp làm chốn nghỉ ngơi, treo trang trọng các khung kính lồng bằng khen, giấy khen; sắp đặt hàng chóe rượu cần ánh màu da lươn, bộ cồng chiêng lâu đời. Không gian này cũng là nơi tiếp chuyện mỗi khi bà con trong buôn đến giãi bày việc nhà, việc họ, việc làm ăn vì cha là người có uy tín, cán bộ khuyến nông của thôn... Chuyện giữ lại một phần căn nhà dài mất khá nhiều thời gian tranh luận giữa me (mẹ) và bạp. Mẹ là cô giáo tiểu học đã nghỉ hưu, muốn xây cái nhà to, nhiều mái ngói như của người Kinh,... còn cha ưng giữ nếp nhà dài dựng bằng gỗ từ ba đời trước. Sau mấy lần bàn tính, phương án dung hòa là vẫn xây căn nhà hai tầng nhưng phải giữ lại hai gian nhà dài nằm trong khoảng vườn cà phê sát căn nhà mới. Trầm ngâm bên bàn nước đặt mấy chồng sổ sách, ông K’Lương nâng chén nhấp khẽ ngụm trà nhưng ánh mắt ngó xa xăm như đang mông lung điều gì.
 
- Có chuyện chi vậy bạp? - Ka Liên ngồi xuống ghế, nhỏ nhẹ hỏi.
 
- Cán bộ về Đà Lạt chưa?
 
- Dạ, con chở anh ấy ra bến ngoài thị trấn, gặp xe lên ngay rồi ạ.
 
Bạp hắng giọng, ngập ngừng:
 
- Hừm... hừm. Ka Liên à, con nghĩ thế nào về cán bộ Hoàng?
 
- Dạ, dạ...
 
- Bạp thấy chưa ưng cái cậu này...
 
Ánh mắt đen mượt thoáng bối rối, Ka Liên thảng thốt:
 
- Sao vậy bạp? Anh ấy là người tốt mà...
 
- Lòng người khó dò - ông K’Lương ngắt lời con gái, nói nhanh như xổ nỗi ấm ức - Cha không thuận với cái cách nó giải thích rằng nguồn gốc danh từ K’Ho từ chữ K’Haw là chỉ những người cư trú nơi rừng núi cao và nhút nhát, sợ sệt, lẩn trốn người Chăm...
 
Gương mặt bầu bĩnh tựa khuôn trăng rằm tươi tỉnh, Ka Liên bật cười khúc khích:
 
- Chà, cha hiểu sai rồi. Đêm qua uống rượu nhiều mà... Anh Hoàng chỉ giải thích ngày xưa người Chăm dưới biển lên chiếm đất đã gọi dân tộc mình là K’Haw, sau người Pháp gọi trại thành K’Ho. Mà K’Haw mang lắm nghĩa, nó chỉ người sống ở vùng rừng sâu, núi cao chứ không hoàn toàn ám chỉ điều như cha nói đâu! - Vừa châm trà cho cha, Ka Liên vừa phụng phịu - Vả lạ, anh ấy cũng mới nghe già làng xã bên nói vậy, còn phải nhiều công tra cứu, đối chiếu... Anh biết cha không ưng, anh buồn lắm. Đang đâu là người mình hàm ơn lại hóa thành kẻ mắc tội. Con... 
 
- Gượm nào! Ấy là cái đầu cha nó cứ lởn vởn... - Im lặng giây lát, ông lần bao thuốc, châm lửa, hít hơi dài, chậm rãi cất lời: - Ừ, tiếng nói của người K’Ho thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm Môn-Khmer thì đúng rồi. Anh ta nói truyền thuyết chép rằng người K’Ho mình, dòng Indôchien, xa xưa đến xứ cao nguyên này từ hướng biển, phía Đông, nơi có mặt trời mọc, cũng chẳng sai... Chuyện người K’Ho là một sắc tộc phân nhánh từ dân tộc Mạ thì... Ôi, rắc rối quá, chữ ít nên nghĩ những chuyện này như lạc vào rừng rậm. Bạp chỉ quen hướng dẫn bà con trồng cà phê sao cho sai trái thôi. 
 
- Cha thấy chưa, mỗi người giỏi một việc, anh Hoàng là nhà nghiên cứu dân tộc học, mình phải tin cán bộ chứ! - Thấy cha dịu bớt căng thẳng với Hoàng, Ka Liên nằn nì: - Bạp à, cuối năm mình mời anh Hoàng về dự lễ hội mừng lúa mới nha. Anh ấy mê tìm hiểu phong tục, tập quán Tây Nguyên mà. - Ngưng lời như ngẫm nghĩ thêm, cô bộc bạch: - Cha à, anh Hoàng có năng lực, tâm huyết với nghề nhưng không “ăn cánh” với sếp, đồng nghiệp cơ quan dưới Nam Bộ ganh ghét, đố kỵ... nên mới xin chuyển lên Lâm Đồng. Một thân một mình... con thấy tồi tội sao ấy!
 
- Ka Liên! - ông K’Lương ngắt lời - E... hèm. Việc bạp xin cho chuyển về Phòng Kinh tế huyện, con đã quyết chưa? Không tính sớm e sang năm họ nhận người khác... Mà cô cũng đến lúc nghĩ tới “kup bao” (bắt/lấy chồng) rồi... 
 
Ka Liên khẽ thở dài. Cô hình dung lại cuộc giao ban hơn tháng trước, anh Liêm - Trưởng Trạm cây giống của lâm trường nhíu cặp lông mày sâu róm đen sì trên gương mặt lưỡi cày trắng bệch tựa chiếc lá cớm nắng, đập tay xuống bàn, hướng sang Ka Liên cao giọng: “Cô chớ có “trứng khôn hơn rận”, tôi đã trên 20 năm trong nghề, đừng dạy đời. Việc của Trạm cô tưởng tôi không xin ý kiến tập thể Ban Giám đốc à... có Giám đốc đây chứng kiến”. Ka Liên bấm chặt mười đầu ngón tay vào mép bàn họp, toan đứng lên phân trần nhưng mọi người lặng lẽ rời ra ngoài... Trở về thực tại, Ka Liên cố kìm hạt lệ rớm bờ mi cong, nhẹ nhàng phân trần: 
 
- Dạ. Làm việc chưa đầy năm, xin chuyển, e khó nói... Với lại lúc này, lâm trường chuẩn bị vào mùa trồng rừng, cha ạ! - Bờ môi nhỏ, mềm mại hiện rõ hình trái tim mím lại, Ka Liên đắn đo, rồi thủ thỉ - Bạp à, thư thư tính chuyện “kup bao” nhé! Chuyển công tác... thì để sáng mai nhân đầu tuần, con ghé Phòng Kinh tế huyện...
 
***
 
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp TP Hồ Chí Minh, Ka Liên xin về huyện nhà và được ngành lâm nghiệp tiếp nhận, phân công làm đúng chuyên môn kỹ sư lâm sinh tại Lâm trường R’Chais, cách nhà 30 cây số. Công việc chính Ka Liên được giao là chăm sóc những cánh rừng thông ba lá mới trồng. Khi cô trình diện, giám đốc mừng ra mặt, cởi mở:
 
- Mấy năm xin kỹ sư lâm sinh mà có ai chịu về xó rừng này. Đến đúng lúc. May quá, chúng tôi đang nhức đầu vì trên 20 ha rừng thông ba lá tuổi năm 3 tự nhiên trụi lá, èo uột, ngọn héo vàng, gãy gục... Bao công sức, nhà nước dốc không ít tiền đổ ra... không chừng... “Dã Tràng xe cát Biển Đông!”. Đoàn kiểm tra trên tỉnh sắp về, cháu nghĩ cách khắc phục sớm đấy. 
 
Thu xếp tạm ổn nơi ăn nghỉ ở khu tập thể tại lâm trường, Ka Liên hăm hở cùng mấy cán bộ kỹ thuật sáng đi tối về để khảo sát mấy tiểu khu trồng mới. Mất hơn tháng thực địa, cô nhận thấy không chỉ trên 20 ha rừng thông trồng năm thứ 3 mà thêm mấy chục ha năm 4, năm 5 cũng xơ xác tựa lũ trẻ suy dinh dưỡng bởi sâu non ong ăn trụi lá với mật độ cao trên một cây. Có khoảnh rừng bị xén tóc là loài nguy hiểm nhất vừa phá hại cây non, vừa là vectơ truyền bệnh tuyến trùng làm thông trồng chết hàng loạt. Ở rừng thông 3 tuổi mà giám đốc lo ngại, thấy ngọn chính, ngọn cành héo vàng gục xuống, nhựa chảy ra khô trắng ở khoảng cách 20-30 cm từ ngọn. Khi ngọn bị sâu đục hại, gió to làm gãy gục và héo vàng. Tỷ lệ hại do sâu đục ngọn gây ra ở loài thông ba lá có nơi trên 30%... Kiểm tra rộng sang các tiểu khu xung quanh hiện trường thông bị sâu bệnh thấy không bị ảnh hưởng. Căn bệnh trên cây được xác định và Ka Liên cũng đã đề xuất phương pháp phun hóa chất xử lý sâu bệnh nhưng cô vẫn băn khoăn nguyên nhân từ đâu? Một lần ra hiện trường, trao đổi với cán bộ kỹ thuật Huyền, trầm ngâm hồi lâu, chị nắm chặt bàn tay Ka Liên ướm hỏi: “Em muốn tìm nguyên nhân ư? Không khó lắm... nhưng “bùng nhùng” lắm, kẻo “tai bay vạ gió”...”. “Phức tạp vậy sao? Chị Huyền ơi, chị không nói thì sao rõ căn nguyên, sao giúp em hoàn thành nhiệm vụ!”.
 
Theo chỉ dẫn của chị Huyền, Ka Liên đề xuất giám đốc cho xem hồ sơ quyết toán mấy đợt trồng rừng gần đây. Cô lại tìm đến Trạm ươm cây giống để tìm hiểu. Cuối cùng, Ka Liên “bắt bệnh” là do phần lớn cây trồng không đủ tiêu chuẩn sạch bệnh. Vườn ươm của Trạm thiếu thường xuyên trong tháng phải thu gom những cây bị bệnh, sâu hại cắn phá đem tiêu hủy nhằm tránh nơi trú ẩn của các loài sâu hại. Mặt khác, vườn không đáp ứng số lượng nên Trạm phải hợp đồng mua giống của cơ sở gieo ươm trong dân, những đối tác này không đáp ứng tiêu chuẩn, thậm chí có vườn ươm đã nhiễm bệnh chưa được xử lý. Chất lượng cây giống kém, song trên hợp đồng mua bán thể hiện giá mua ngang bằng với các cơ sở có uy tín chất lượng tiêu chuẩn kỹ thuật. Nguyên cớ rừng trồng bị sâu bệnh hiển hiện, điều trở ngại lớn nhất là Trưởng trạm Liêm đã chạy đua và lọt vào nguồn sắp lên thay giám đốc nghỉ hưu! Thêm rắc rối nữa là mấy mùa trồng rừng qua không đáp ứng quy trình. Ka Liên phát hiện ra các lỗi như khâu chuẩn bị đất trồng rừng, việc xử lý thực bì chỉ trước khi trồng có 10 ngày mà theo quy định phải hoàn tất trước 1 tháng. Khâu chăm sóc rừng trồng năm thứ nhất và năm thứ hai, lẽ ra phải tổ chức kết hợp phát dọn thực bì, làm cỏ và xới đất xung quanh gốc cây để phát hiện và tiêu diệt sâu non, nhộng các loại sâu. Ngược lại, lâm trường tổ chức thực hiện chỉ mang tính hình thức, làm qua loa cho xong đầu việc, khối lượng thực thi 3, 4 báo cáo 10 để quyết toán kinh phí. Việc này mà nói ra e giám đốc phải chịu trách nhiệm... Tính ra, chú ấy chỉ kém cha Ka Liên chừng 5-6 tuổi và hơn năm nữa sẽ “hạ cánh” an toàn. Ông từng bị thương trong những năm bám chốt chống bành trướng phương Bắc ở Vị Xuyên (Hà Giang), năm 1984 mới ra quân, chuyển sang ngành lâm nghiệp và được điều vào Lâm Đồng. Bản tính ông hiền lành, xuề xòa, thương người. Gần nghỉ hưu mà sự việc sai phạm quản lý vỡ lở, thấy thương chú ấy quá. Dằn vặt khiến Ka Liên trầm tư, không hồn nhiên như tính tình ngây thơ, thường vui vẻ chuyện trò, ca hát... Cô đau đáu xót xa trước nguồn tài nguyên rừng thiệt hại lớn lao. Lang thang trên đồi, Ka Liên có lần ngước lên trời cao và muốn hét vang: Các người biết không, giữ rừng là giữ môi trường sống. Rừng là “lá phổi” của nhân loại. Các người có biết một ha rừng thông trong 1 năm sản xuất 5 - 7 tấn oxy, làm trong sạch 18 triệu m 3 không khí, giữ lại 30 - 70 tấn bụi và hấp thụ 3 - 7 tấn CO2? Yàng (Trời) ơi! Là “cứu tinh” của thời biến đổi khí hậu toàn cầu... mà các người đối xử tàn nhẫn với rừng thế này ư! 
 
***
 
Mây đen kìn kìn vần vũ, ánh chớp nhì nhằng và tiếng sét đoành đoành xé tan khoảng trời cao nguyên ban chiều vừa mới xanh ngăn ngắt chợt tối sầm. Gió ầm ào cuốn theo luồng khí lạnh, những hạt mưa trái mùa bất thường rào rạt quất xuống. Đang kiểm tra trên đồi thông năm 3, Ka Liên tính chạy xuống trú ẩn dưới chân đồi nơi để xe máy. Cô toan cất bước thì hai chân trĩu nặng, bị chuột rút tê cứng. Thoáng chốc, đầu tóc, áo quần sũng nước, Ka Liên run bần bật vì ngấm lạnh. Mắt cô nhòe dần. Rừng thông lay động, những cây thông non ở gần bỗng hiện thành bầy trẻ rũ rượi xô chen nhau ào tới túm quấn lấy cô. Chúng sụt sùi, tức tưởi van vỉ: “Chị Ka Liên, cứu chúng em với. Sợ lũ sâu quá à! Chúng em không thể sống một đời còi cọc, yếu ớt. Hãy cứu chúng em, chị ơi!”. Ka Liên quỳ sụp xuống ôm chầm đám nhỏ, vuốt ve và vỗ về thân hình gầy guộc, tiều tụy của chúng, thổn thức không nên lời: “Chị biết,... các em ngoan,... đừng sợ! Ka Liên sẽ tìm mọi cách... cứu các em qua cơn bạo bệnh! Chị quyết không để... việc làm bất lương... xảy ra nữa!”... Nước mắt đầm đìa trên mặt, Ka Liên ôm siết bọn trẻ, khao khát được san sẻ nỗi bất hạnh của chúng. Gió ầm ào rú rít. Mưa xối xả trút. Một vùng rừng dậy tiếng nỉ non, ấm ức trong màn sương lạnh lẽo, giăng xám xịt... 
 
Ka Liên tung chăn, vùng dậy, trán túa mồ hôi, vuốt sợi tóc bết trên mặt, thấy nước mắt ấm lăn trên má. Qua khe cửa sổ, ánh ban mai đã chớm rạng. Trời ơi, một giấc mơ! Ơi những cây thông non đáng yêu, chị sẽ không phụ niềm tin của các em đâu. Ta phải làm gì ư? Phải tăng cường biện pháp xử lý sâu bệnh, cứu những rừng thông non vô tội đang bị bệnh. Phải trình lãnh đạo vào mùa trồng rừng tới kiên quyết nhập cây giống đạt chuẩn, phải thay đổi quy trình kỹ thuật ươm cây của Trạm giống! Phải khắc phục ngay những việc làm tắc trách tồn tại lâu nay ở lâm trường!
 
***   
 
Chiều chủ nhật, Ka Liên chạy xe máy đến lâm trường để sáng mai làm việc. Từ Tà In ra, theo Quốc lộ 20 hướng lên Đà Lạt, nhìn sang bên trái thấy nổi bật giữa nền trời xanh, mây trắng là dãy núi R’Chais nhô hai đỉnh tựa vồng ngực sơn nữ căng tròn hiện lên giữa vùng sơn nguyên bằng phẳng, xanh mượt mà gợi sức sống một miền quê trù phú. Tâm hồn Ka Liên lan dậy niềm phấn chấn. Cô rẽ vào con đường cấp phối gập ghềnh đá sỏi, vắng vẻ. Trời xâm xẩm tối, đến đơn vị còn bẩy cây số. Phía sau lưng, náo loạn tiếng xe máy rú ga, cô men xe sát lề đường. Hai thanh niên mặc đồ jean bạc phếch, đeo kính đen phóng vèo lên ép xe cô. Râu ria tua tủa trên gương mặt đen nhẻm, gã cầm lái hất cằm, trễ miệng phô hàm răng cáu vàng, nhăn nhở: “Chào người đẹp! Trông ngon mắt thế này... mà lắm chuyện nhỉ? Để bọn anh cho bài học vào đời nhé!”. Hắn vừa dứt lời, gã ngồi sau giơ chân đạp mạnh khiến xe ập ngã, đè lên người Ka Liên. Nghiến răng chịu đau, cố rút chân khỏi ống pô nóng rực, cô lóp ngóp gượng ngồi dậy, ngơ ngác: “Các anh... sao lại...?”. Gã đạp xe nhảy phắt xuống, trên tay lăm lăm thanh gỗ dài chừng nửa mét, vung lên. Choang... hộp đèn xe vỡ vụn. “Tao cho mày biết thế nào là lễ độ khi chọc ngoáy chuyện cây giống, chuyện làm ăn của chúng tao”, gầm lên, hắn chực vụt xuống người cô... Pim, pim, pim... Chợt vang tiếng còi xe máy như sốt ruột tăng tốc lao tới. Chột dạ vì bỗng có người xuất hiện, gã quật mạnh làm tan tành yếm xe, ấm ức: “Mày có phúc đấy!”. Kít..., chiếc xe máy vừa chồm tới ngã rầm cũng là lúc một thanh niên nhảy xuống đường, hấp tấp chạy tới, hét lớn: “Dừng tay!”... Hai gã bất hảo rú ga, trước khi phóng mất dạng vẫn cay cú dằn giọng: “Câu chuyện chưa kết thúc. Liệu hồn. Im miệng giữ thân, con ạ!”. Anh thanh niên cuống quýt đỡ Ka Liên dậy, xuýt xoa: “Chắc đau lắm, ráng chịu nhé! Sao đồ khốn hành xử dã man thế này?”. Dìu cô ngồi xuống bụi dã quỳ, anh tới dựng hai chiếc xe đổ, lấy trong ba lô lọ dầu, gói bông y tế ân cần thoa vết bỏng trên chân Ka Liên. Khi bớt đau, anh chạy xe chầm chậm kèm cô về lâm trường. Thanh niên đó là Hoàng, chiều nay, anh trên đường về địa phương nơi lâm trường đóng để tìm hiểu, nghiên cứu đề tài về Luật tục người K’Ho trong giai đoạn hội nhập. 
 
Những ngày điền dã các buôn trong vùng, Hoàng thường đến thăm Ka Liên. Qua mấy lần gặp gỡ, tâm tình giữa hai người nảy nở sự đồng cảm, tâm giao. Nghe ưu tư Ka Liên thổ lộ, Hoàng thêm quý sự chân thành, bộc trực và nhân ái của cô... Một thứ bảy, Ka Liên ở lại lâm trường. Từ Đà Lạt xuống, Hoàng đến với bó Cúc vàng dung dị, trang nhã. Ka Liên yêu màu dân dã của hoa Dã quỳ. Chẳng biết Hoàng tình cờ hay hữu ý khi chọn loài hoa thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn trọng dành cho người mình yêu. Anh khen dãy R’Chais hữu tình và rủ cô lên rừng thông trên núi dạo chơi. Bàn tay mềm mại và ấm áp của anh dắt tay Ka Liên chậm bước theo lối mòn trên triền đồi dốc, Hoàng hỏi cô về sự tích núi R’Chais. Bước sát bên Hoàng, Ka Liên bối rối cảm nhận hơi ấm lan tỏa từ thân hình đàn ông rắn rỏi, mái đầu khẽ tựa vào bờ vai anh, thẹn thùng: “Em chỉ biết các già làng kể rằng núi R’Chais chính là vồng ngực đất Mẹ, là nguồn sữa tươi mát nuôi dưỡng đất đai và con người trong vùng. Anh muốn hiểu thêm, cuối tuần về nhà em, bạp sẽ giải thích cho!”.
 
***
 
Một tuần sau khi Ka Liên phản ánh sự việc tiêu cực với Phòng Kinh tế huyện, huyện đã thành lập đoàn thanh tra về làm việc với lâm trường. Những việc làm sai trái, vụ lợi của Trưởng Trạm cây giống; sự cả nể và buông lỏng công tác quản lý của giám đốc được kết luận. Trưởng Trạm mang tên Liêm mà chẳng “sạch” bị công an điều tra mở rộng thêm tội móc nối, bao che cho lâm tặc khai thác gỗ trái phép và chính hai kẻ hành hung dằn mặt Ka Liên là đàn em của hắn. Liêm bị tạm giam, giám đốc bị khiển trách và phải nghỉ hưu trước tuổi. Trên huyện điều về giám đốc mới. Kỹ sư Ka Liên được giao thêm nhiệm vụ phụ trách Trạm cây giống... Biết con gái giờ gánh vác nhiều việc, già làng K’Lương nhắc Ka Liên: “Lễ hội mừng lúa mới sắp tới phục dựng nghi lễ công phu lắm... Nhớ mời cán bộ Hoàng về. Phải đợi mấy tháng nữa, lâu quá, nói anh ấy rảnh khi nào về chơi cũng được, nghe con!”. Cao nguyên nao nức bước vào mùa trồng rừng mới. 
 
Cuối Đông 2019 
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH ĐẠM