Rất nhiều học viên mọi nơi, trong nước, nước ngoài đã đến đây, đến ốc đảo thanh bình ngay trong lòng Đà Lạt để mong tìm thấy sự an bình trong tâm hồn mỗi ngày.
Rất nhiều học viên mọi nơi, trong nước, nước ngoài đã đến đây, đến ốc đảo thanh bình ngay trong lòng Đà Lạt để mong tìm thấy sự an bình trong tâm hồn mỗi ngày.
|
Những ngôi nhà trong rừng ở Trung tâm |
Ốc đảo thanh bình
Tôi thử nằm dài trên chiếc sạp gỗ ngoài sân của một ngôi biệt thự sâu trong rừng vắng, dưới tán một cây hoa chuông lớn màu đỏ xum xuê, ngắm từng vệt nắng lấp lánh nhảy múa qua tán lá xanh trong một ngày nắng lạnh mùa đông Đà Lạt. Quanh tôi, tràn ngập trong không gian tiếng rừng thông rì rào đều đặn trong gió, vẳng tiếng chuông gió lắc lư ngân xa thanh tao, mùi của lá thông thơm ngọt dịu trong không khí. Tôi bất chợt tự hỏi có nơi nào thanh bình hơn chốn này không?
“Vâng, rất thanh bình” - anh Lê Anh Tuấn, một học viên của Trung tâm Yoga Sivananda Đà Lạt nói với tôi, chỉ tay về rặng núi xanh với rừng phủ xanh ngắt trước mặt. “Đà Lạt chỗ nào cũng đẹp, nhưng không thể có chỗ nào cảnh đẹp và hùng vỹ hơn chỗ này” - anh Tuấn cười.
Nơi chúng tôi ngồi nói chuyện là vệ đường của một con đường bê tông nội bộ trước ngôi nhà dùng làm nhà ăn. Đó chỉ là một trong rất nhiều ngôi nhà xây hài hòa giữa rừng để làm du lịch trong khu vực hồ Tuyền Lâm, được Trung tâm này thuê lại, biến thành một ốc đảo thanh bình cho người học Yoga giữa lòng một Đà Lạt vốn đã rất thanh bình.
Năm nay 40 tuổi, anh Tuấn người TP Hồ Chí Minh, từng tốt nghiệp Đại học Ngân hàng, học cao học tài chính ở Thụy Sỹ và sau đó về nước làm việc trong lĩnh vực của mình tại thành phố mang tên Bác. Anh đến với Yoga chỉ mới gần đây theo lời khuyên của một bác sỹ, vì chứng trầm cảm kéo dài sau những áp lực từ sự đổ vỡ gia đình. Anh không kể với tôi nhiều về cú sốc trong đời đó, chỉ biết rằng anh đã có một công việc rất tốt trong một công ty lớn, có thu nhập cao nhưng đuổi theo công việc anh bận rộn cả ngày, suốt trong một thời gian dài anh coi công việc hơn là gia đình, và rồi chuyện gì đến đã đến.
“Tôi thực ra là người ham vận động, thích những môn thể thao mạnh từ thời trẻ như đá bóng, chạy bộ, đánh cầu lông... Tôi chỉ biết đến Yoga theo lời yêu cầu của bác sỹ. Sau một thời gian tập ở Trung tâm Yoga Sivananda tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã được giới thiệu lên đây” - anh cho biết.
“Tôi thích Đà Lạt, thích không khí trong lành, không gian thanh vắng của Trung tâm, chương trình và các bài tập vận động của Yoga nơi đây rất hữu ích, nhất là các bài học về cách suy nghĩ tích cực... Nếu không tôi đã không bỏ hết để lên đây” - anh nói. Chính những chuyển biến về thể chất và tinh thần sau 1 tháng tập nên anh đã đăng ký ở lại phục vụ tình nguyện thêm 6 tháng nơi đây, cũng là để tập thêm Yoga cho có thời gian hồi phục tinh thần. “Phục vụ cho Trung tâm là phục vụ cho chính mình” - anh Tuấn cười.
Ở nơi đây tôi còn bắt gặp các học giả đến học thiền, như chị Christier Collignon, người Đức, 29 tuổi chẳng hạn.
Đã tốt nghiệp cao học về tâm lý học, Christier là nhà trị liệu tâm lý và chị đã từng học Yoga nhiều năm ở một thành phố chị sống tại Đức. Nhưng Yoga chị học giống như một môn vận động hơn là một triết lý về cuộc sống. Chị bảo chị muốn biết ý nghĩa chính xác của từng động tác Yoga, muốn biết phương cách dùng Yoga trị bệnh tâm lý, đặc biệt là về thiền. Và thế là chị lên đường sang Việt Nam.
“Chỉ một cú nhấp chuột qua Internet là biết đến Trung tâm này” - Christier cười. Chị bảo cũng có nhiều điểm chọn lựa để học Yoga trên thế giới nhưng phong cảnh thanh bình nơi đây đã thu hút chị ngay từ đầu. Trước khi vào Đà Lạt, Christier đã có một khoảng thời gian học thiền với một nhà sư tại Huế. “Rất hữu ích, sau khóa học này nhất định tôi sẽ quay lại đây khi có dịp” - chị bảo.
|
Bà Bùi Thị Ngọc Mỹ (áo vàng) với học viên Christier Collignon, người Đức |
Có duyên với Đà Lạt
Người thành lập Trung tâm Yoga Sivananda Đà Lạt, bà Bùi Thị Ngọc Mỹ, 66 tuổi, người TP Hồ Chí Minh đã kể cho tôi nghe về cái “duyên” của mình khi tìm ra địa điểm này để đặt Trung tâm.
Bà kể, gia đình bà vận hành một doanh nghiệp xây dựng lớn tại TP Hồ Chí Minh và có thêm một cửa hàng trà đạo rất nổi tiếng trong khu trung tâm Sài Gòn. Một ngày nọ có một danh sư về Yoga Sivananda (Yoga cổ điển) ghé quán bà. Danh sư này vốn là một Việt kiều và cũng là một ni sư, đang vận hành một Trung tâm Yoga lớn tại Mỹ về thăm quê. Trong câu chuyện về trà đạo với bà, vị danh sư này đã bất chợt hỏi bà có thích Yoga không?
Không biết gì nhiều về Yoga nhưng bà Mỹ bị thuyết phục bởi phong cách điềm tĩnh, an bình của vị danh sư này. Thế là bà đồng ý. Một Trung tâm Yoga Sivananda ra đời sau đó tại TP Hồ Chí Minh như là thành quả của sự hợp tác này. Theo bà Mỹ, cơ sở này là một ngôi nhà được thuê lại, hơi nhỏ nhưng đến nay vẫn đang hoạt động tốt.
Hai năm sau, vị ni sư này về lại Việt Nam thăm cơ sở và mời bà Mỹ lên Đà Lạt để cùng thăm quê cũ của mình. Trong những ngày lưu lại Đà Lạt, bà Mỹ đã cùng vị danh sư Yoga thành lập thêm một cơ sở Yoga Sivananda mới trên con phố vắng tại thành phố hoa.
Nhưng cơ sở trong phố này cũng khá nhỏ, chỉ để các học viên thường nhật đến tập Yoga thôi, muốn đào tạo huấn luyện viên với những khóa học dài ngày hơn phải cần một nơi rộng rãi. Tại TP Hồ Chí Minh, bà Mỹ đã thuê lại một cơ sở du lịch lớn tại Củ Chi để tổ chức trong vòng 3 năm, sau đó đã chuyển lên Đà Lạt. Còn tại Đà Lạt, bà Mỹ thuê lại một số cơ sở của một khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm để tổ chức các lớp như vậy hằng năm. Tuy nhiên, khi bà Mỹ cùng vị ni sư lang thang trong hồ Tuyền Lâm, cả 2 đã phát hiện ra vị trí tuyệt đẹp hiện có này, lúc đó khu du lịch này xây cất vẫn chưa xong nhưng bà cùng vị ni sư đã thử ngỏ ý với người chủ khu du lịch để thuê hẳn toàn bộ. Chủ nhân khu du lịch sau đó đồng ý, thế là Trung tâm Yoga Sivananda Đà Lạt lớn nhất cả nước ra đời.
Nơi đây cho đến nay đã thu hút rất đông các học viên đủ các lứa tuổi từ khắp mọi tỉnh, thành trong nước, đông nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và từ nước ngoài như châu Âu, Mỹ, Canada… Tất cả đều đăng ký qua trang mạng toàn cầu của Trung tâm. Bên cạnh các học viên đến nghỉ dưỡng cùng tập Yoga hằng ngày, Trung tâm mỗi năm tổ chức 3 khóa đào tạo huấn luyện viên Yoga trường phái cổ điển Sivananda, mỗi khóa như vậy khoảng 30-35 học viên, 1/3 trong số này là người nước ngoài, tuy nhiên trong hè có những khóa học từ 70-80 học viên.
|
Các học viên của Trung tâm Yoga Sivananda Đà Lạt |
Thực tế, Trung tâm Yoga Sivananda tại Tuyền Lâm - Đà Lạt theo bà Mỹ như là một chi nhánh lớn của Yoga Sivananda quốc tế với trung tâm chính ở Mỹ nhưng vận hành hoàn toàn độc lập, và đến nay, sau 3 năm vẫn đang vận hành rất tốt.
Các thầy giáo giảng dạy nơi đây đến từ nhiều nước, học viên đến đây có thể tham gia các lớp tập hằng ngày với rất nhiều chương trình như Yoga chống căng thẳng, Yoga cho người mất ngủ, Yoga chống trầm cảm… hoặc có thể đăng ký tham dự 1 khóa đào tạo kéo dài 1 tháng dành cho huấn luyện viên.
Cũng cần biết rằng, để đến với ốc đảo thanh bình này, học phí không hề rẻ chút nào, nhưng cái được trả lại cho học viên rất lớn và rất giá trị, được ở trong những căn biệt thự trong rừng, hằng ngày có người nấu ăn (ăn chay hoàn toàn), chương trình học rất phong phú và thú vị. Không chỉ là Yoga mà các học viên dù bất cứ vị trí nào trong xã hội, là chủ doanh nghiệp, là kỹ sư, bác sỹ… khi đến đây cũng phải học cách chia sẻ công việc với nhau, từ nấu nướng, giặt giũ, tất cả tự mình làm.
Với bà Mỹ, cuộc đời bà như bà nói, đầy thú vị khi rẽ sang một hướng khác với Yoga, cả hai con bà học hành từ nước ngoài về cũng thành huấn luyện viên Yoga, một cách tự nguyện và vui vẻ. Trong Trung tâm buổi sáng đó tôi bắt gặp những nụ cười tươi an vui của các học viên. Phải chăng chút duyên của bà Mỹ với Yoga, với Đà Lạt đã đưa thành phố này trở thành một điểm đến về Yoga và an dưỡng cho rất nhiều người và họ đang tìm thấy sự bình an trong thành phố hoa này.
GIA KHÁNH