Khát vọng xanh

NGUYỄN NGHĨA 08:28, 20/01/2023

Lâm Đồng hiện là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn của cả nước với độ che phủ trên 55% diện tích tự nhiên. Không dừng lại ở đó, với quyết tâm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng hơn nữa, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn theo hướng bền vững, qua đó hứa hẹn hình thành những giá trị cao từ rừng theo nhiều nghĩa cho hôm nay và cả mai sau.

Rừng Lâm Đồng được bảo vệ, phát triển theo hướng bền vững
Rừng Lâm Đồng được bảo vệ, phát triển theo hướng bền vững

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Hiện thực hoá các chủ trương, quy định, nghị định, đề án do Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành phê duyệt về khôi phục, phát triển rừng bền vững; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; trồng rừng thay thế… tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết về phát triển lâm nghiệp, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, năm 2021, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU (gọi tắt Nghị quyết 10) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đây là một trong những nghị quyết quan trọng và mang tính toàn diện, thể hiện quyết tâm nâng cao công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tạo ra bước ngoặt trong công tác lãnh chỉ đạo và triển khai quản lý, bảo vệ rừng, hồi sinh những cánh rừng, phủ xanh những khoảng trống, gìn giữ “lá phổi xanh” trên vùng đất Nam Tây Nguyên.
Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, cụ thể đến từng địa phương, từng vụ việc, định kỳ, UBND tỉnh tổ chức sơ kết quá trình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao để đánh giá những mặt làm được, những hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục… Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh từ đó cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Rừng được bảo vệ tốt; diện tích rừng trồng mới có tăng cả về diện tích và chất lượng; đời sống của người dân sống gần rừng và các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng ngày càng được nâng lên, ý thức trách nhiệm của người dân và các cán bộ quản lý các cấp, các ngành cũng tăng lên rõ rệt.
Trong những chuyến công tác đến những huyện, xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh thời gian gần đây, chúng tôi có thể dễ dàng bắt gặp cảnh bà con chủ động đi tuần rừng, kiểm tra rừng. Người dân giờ coi những cánh rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ như là đất, là cây của chính gia đình mình cần phải bảo vệ, chăm sóc thường xuyên. Không chỉ vậy, những hoạt động tổ chức liên kết giữa các hộ nhận khoán với các đơn vị chủ rừng và kiểm lâm cũng khoa học và chặt chẽ hơn. Các hoạt động như dọn thực bì, trồng cây, tuần tra ở những điểm nóng, khu vực giáp ranh được tổ chức thường xuyên và thành nếp với sự hỗ trợ, phối hợp qua lại của các lực lượng. Ở nhiều nơi, cán bộ kiểm lâm, chủ rừng, người nhận khoán đã thoát ra khỏi tư duy tuần rừng, kiểm tra rừng cho có lệ, cho xong việc mà trách nhiệm đã được nâng lên rõ rệt. Ý thức về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng từ các hộ dân đến lực lượng kiểm lâm, cán bộ xã, phường chuyển biến tích cực.
Các cấp chính quyền, các đơn vị cũng cho thấy ngày càng kiên quyết xử lý nghiêm việc chặt phá rừng trái pháp luật; điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật.Chính vì thế, tín hiệu đáng mừng là trong thời gian gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật và diện tích bị thiệt hại do hành vi phá rừng trái pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm đáng kể. Công tác bảo vệ, phát triển rừng đã đạt được những kết quả nhất định trên các lĩnh vực như: Xã hội hóa công tác phát triển rừng ngày càng phát huy hiệu quả; diện tích, chất lượng, tỷ lệ che phủ rừng tăng qua từng năm; số vụ vi phạm, diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại giảm dần; công tác trồng, chăm sóc rừng đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng cho người dân... 
Số liệu thống kê 2 năm gần đây cho thấy, số vụ vi phạm lâm nghiệp liên tục giảm cả về số vụ lẫn số lượng lâm sản bị thiệt hại. 
HỒI SINH NHỮNG “LÁ PHỔI XANH”
Tại Lễ phát động triển khai thực hiện Kế hoạch số 2209 của UBND tỉnh về trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tại TP Đà Lạt, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu rằng, tỉnh luôn xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện, không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau. “Chương trình Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 là hành động thiết thực để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt. Tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; trong đó, sẽ tiến hành trồng 9,77 triệu cây xanh cảnh quan đô thị, 6,95 triệu cây lâm nghiệp, 33,28 triệu cây che bóng”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. 
Ngay sau sự kiện phát động đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng, các đơn vị, tổ chức tài trợ tiền và chung tay góp cây, góp sức trồng rừng. Đây cũng chính là “chìa khoá” quan trọng để tỉnh có thêm nguồn lực lớn, sớm nhân lên những cánh rừng ngày càng xanh tươi. Và điểm đáng mừng nữa là trong năm 2021, toàn tỉnh đã trồng được hơn 6 triệu cây xanh các loại, vượt kế hoạch đề ra. Các địa phương cũng quyết liệt thực hiện trồng rừng theo kế hoạch được phân bổ. Một số địa phương như Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương… đã thực hiện vượt chỉ tiêu trồng rừng theo kế hoạch đăng ký. Điều này cho thấy, công tác trồng rừng ở Lâm Đồng đang có sức lan tỏa mạnh mẽ với sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, cộng đồng. Quan trọng hơn là đã thể hiện trách nhiệm của mọi tầng lớp Nhân dân trong quản lý, bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng nhằm bảo vệ “lá phổi xanh” cho quê hương.
Rừng nhân tạo ở Lâm Đồng đã và đang ngày càng xanh và nhiều, không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng tỷ lệ che phủ rừng mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. 
Trong hành trình gìn giữ “lá phổi xanh”, nhân thêm những cánh rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng ở Lâm Đồng cũng gặp phải không ít khó khăn. Thế nhưng, những trở ngại đã và đang được dần tháo gỡ với sự vào cuộc quyết liệt và tích cực bằng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân. Những cánh rừng loang lổ hy vọng sẽ tiếp tục dần được hồi sinh trở lại trong thời gian tới với sự quyết liệt của các cấp, ngành và sự giám sát của Nhân dân, bởi mục tiêu từ nay đến 2025, Lâm Đồng phải duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 55%.

Lâm Đồng có khoảng 600.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 60% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, đất có rừng là 540.104 ha bao gồm 455.867 ha rừng tự nhiên và 84.237 ha rừng trồng; hiện còn 50.538 ha đất chưa có rừng.