Sinh thời, cứ mỗi mùa xuân đến, Bác Hồ kính yêu lại có thơ chúc Tết quân và dân cả nước. Mỗi áng thơ xuân đều có tính dự báo với tầm nhìn chiến lược sâu sắc mang một ý nghĩa lớn lao. Cách đây 60 năm (năm Quý Mão 1963) lúc cả nước ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, lời thơ chúc Tết của Bác ngắn gọn nhưng toát lên một khí thế mới: “Mừng năm mới - Cố gắng mới - Tiến bộ mới - Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi…”. Ba chữ “mới” liên tục như một điệp khúc reo vang niềm lạc quan với thế chủ động và tự tin biết bao. Năm nay, 2023, tinh thần ấy, dự cảm ấy của Bác Hồ kính yêu dù người đã đi xa vẫn còn vẹn nguyên. Mùa xuân biểu tượng cho một vẻ đẹp thanh tân tươi trẻ, dạt dào sức sống mới không chỉ thiên nhiên rạo rực mà cả lòng người hân hoan, cây cối đâm chồi nảy lộc, lòng người phấn khởi, dựng xây đất nước, bảo vệ Tổ quốc vững chắc, đưa lại những giá trị mới khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.
Sắc xuân. Ảnh: Hiệp Nguyễn |
Điểm lại các hoạt động chính trị xã hội trong năm 2022 có thể nhận thấy cụm từ “Khơi dậy khát vọng phát triển” được nhắc đến rất nhiều trong các văn kiện, nghị quyết. Chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Phải khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện nay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” thì đây là khát vọng chính đáng của cả dân tộc ta khi hai tiếng Việt Nam vang lên trên các diễn đàn quốc tế với bao niềm tin và có đủ cơ sở tin cậy hợp tác phát triển. Khát vọng có nghĩa là mong muốn làm được, đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp cho bản thân, cho cộng đồng, rộng hơn là cho cả quê hương, đất nước. Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, Hồ Chí Minh luôn khát vọng đất nước phồn vinh, dân tộc hạnh phúc. Từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ luôn mang một khát vọng lớn lao: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Cho đến trước lúc đi xa, Di chúc của Người cũng để lại một khát vọng tột bậc đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào cách mạng thế giới”.
Năm 2022 là một năm quan trọng, năm thứ 2 thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm khẳng định những nỗ lực vươn lên của đất nước và dân tộc ta sau những khó khăn, thách thức vừa đi qua đại dịch COVID-19; năm thể hiện sức mạnh nội sinh to lớn của đất nước của từng người dân đất Việt, năm mà có sức mạnh tiềm tàng “mãnh hổ” (năm Nhâm Dần), sức mạnh đó là sự tổng hợp nhiều yếu tố trong đó có mạch nguồn văn hóa của dân tộc. Văn hóa gắn liền với hưởng thụ và hạnh phúc của Nhân dân. Văn hóa góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hóa dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển xây dựng con người Việt Nam từng bước trở thành trung tâm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Con người Việt Nam trong suốt một nghìn năm Bắc thuộc, các thế lực phong kiến Trung Hoa luôn tìm cách Hán hóa dân tộc Việt Nam. Song với sức mạnh của niềm tin và nòi giống “Con Rồng, cháu Tiên” cộng đồng cư dân Việt đã kiên trì, bền vững đấu tranh để giữ lấy “hồn quốc”. Đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam - Triệu Thị Trinh với câu nói đầy hào khí: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ…” như là một minh chứng cho tinh thần bất khuất và khát vọng độc lập dân tộc. Dưới thời Lê, Lê Lợi và Nguyễn Trãi được quân dân một lòng tin tưởng đồng lòng đi theo bởi tinh thần “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và ý chí kiên định “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) phất cờ khởi nghĩa với khí thế quyết tâm: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng” giữ lấy mạch nguồn hồn cốt khí phách ngàn đời truyền thống, tập quán, tập tục dân tộc. Và sau này, đến thời đại Hồ Chí Minh, Bác Hồ kính yêu đã kế thừa và đúc kết, phát huy cao độ ý chí tự lực: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta” và: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tinh thần khát vọng ấy càng được bồi đắp, càng được phát triển, càng được tôn vinh, càng được khơi dậy không chỉ trong mạch nguồn văn hóa truyền thống mà kể cả trong cả lĩnh vực xây dựng kinh tế, xã hội bảo vệ trọn vẹn chủ quyền Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Khát vọng dân tộc có một vai trò rất quan trọng, nó là động lực trọng tâm tạo nên sức mạnh vô song. Khát vọng dân tộc nếu được định hướng và hình thành dựa trên những đường lối và chủ trương đúng đắn sẽ trở thành nguồn năng lượng nội sinh tiềm tàng và sống động cho toàn bộ quá trình phát triển. Khát vọng dân tộc thể hiện nhu cầu ước vọng của Nhân dân trong suốt chiều dài và tiến trình lịch sử của đất nước.
Khát vọng mùa xuân chính là sự khơi dậy sức xuân, sức trẻ, sức mới. Tiềm năng của mùa xuân là trữ lượng tiềm ẩn, qua một mùa đông giá buốt, bao sức sống, sự sống âm thầm tích nhụy, hút nhựa của phù sa đất đai làng mạc, phù sa của khí trời mát mẻ, thiên thời, địa lợi, nhân hòa… Những trữ lượng ấy đã đâm chồi nảy lộc thiết tha, đã bừng sáng nhạy bén rạng rỡ, đã vươn thẳng, vươn cao, lan tỏa một sức sống kỳ diệu, cộng hưởng với lòng người phơi phới. Đó là mối giao cảm, đồng cảm, mối liên kết của tình bao dung nhân ái. Có thể nói, trong những lúc khó khăn nhất, đứng trước bao thử thách cam go nhất thì tình nghĩa đồng bào càng thắm thiết biết bao. Nhất là khi trải qua đại dịch COVID-19, trải qua bao cơn bão lũ lụt tràn vào dãi đất thân yêu đất nước thì “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Có lẽ, cái chữ “thương” tụ hội, sẻ chia, cảm thông, từ bầu sữa ca dao ngọt ngào: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” nuôi lớn dậy những tâm hồn cao cả để rèn những ý chí kiên cường. Cội nguồn truyền thống sâu xa ấy chính là điểm tựa, là bệ phóng cho khối đoàn kết dân tộc có một hệ giá trị mới, một năng lượng mới, một tinh thần mới đó là: Khát vọng phát triển!
Khát vọng phát triển bắt đầu từ một “Nông thôn mới”. Cũng lũy tre, ngõ xóm ấy, cũng lối chợ họp sớm hôm, cũng láng giềng khi “tối lửa tắt đèn” nhưng gương mặt nông thôn đã bừng lên, đã sáng lên, đã chan hoà, đã kích hoạt bao cảm hứng về một nội lực mới trong lòng mỗi người, trong mỗi xóm thôn với “điện, đường, trường, trạm” không chỉ là mô hình đồng nhất phát triển mà còn là nguyện vọng khát khao hiện thực đổi mới trong cách thức kiến trúc lại một đời sống mới, chất lượng sống mới cao hơn, toàn diện hơn. Con đường sáng mùa xuân đã được mở ra những đại lộ không chỉ là đường cao tốc giao thông mà còn có những đại lộ mới, cao tốc mới, sức phát triển mới trong tầm nhìn định hướng của mỗi người của mỗi nhà, mỗi xóm thôn, làng bản nâng lên một tầm cao mới. Khát vọng phát triển lan rộng và tỏa sáng đến với những vùng cao, miền núi xa xôi hẻo lánh. Những ngày hội truyền thống mang bản sắc dân tộc, ngày hội “Tết Độc lập” với bao sắc màu sắc áo thổ cẩm đan cài ríu rít tưng bừng trong những điệu múa sạp, và gần đây điệu múa xòe Thái đã được Tổ chức Văn hóa thế giới UNESCO vinh danh. Có một biên giới vững chắc, có một biên cương vững chãi không chỉ ở cương vực đất đai, sông núi Tổ quốc mà ở ngay trong thành trì của lòng người, tình người. Đó chính là những cột mốc bền bỉ và bền vững.
Sáng xuân này khi trên biên giới hoa mơ, hoa mận nở trắng xóa tinh khiết và trong trẻo thì ở ngoài đảo khơi xa sóng gió biển khơi, những trái bàng vuông đã bắt đầu lặng lẽ tụ quả bên chiến hào của các chiến sỹ canh phòng giữ đảo. Thiên nhiên luôn là người bạn đồng hành, thiên nhiên là hình bóng đất mẹ thân thương, thiên nhiên là một phần hình hài đất nước thật gần gũi biết bao. Thiên nhiên đã khơi dậy mối đồng cảm gắn bó với đất đai, con người khi cây cối ra hoa, kết trái phát triển theo quy luật tự nhiên. Đó cũng chính là động lực để thôi thúc phát huy cao độ sức mạnh tiềm ẩn của con người bằng ý chí nghị lực, bằng tri thức khoa học sáng tạo, bằng tình cảm chan chứa thiết tha với tình làng nghĩa nước. Các công trường, xưởng máy reo vang nhịp điệu hăng say lao động với ánh lửa hàn chấp chới như sao sa, như chùm pháo hoa ngày hội. Các đường băng mở rộng cho những cánh bay đến với mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế. Đó chính là nhịp điệu của mùa xuân, sức xuân, sức sống mới. Và trong những giây phút thiêng liêng chuẩn bị đón mừng năm mới, ta như được nghe vọng lại lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu bởi tiếng Người là tiếng vọng của non sông: “Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin