Sau gần ba năm chuyển nhanh theo quy trình công nghệ số, vườn dâu tây Nam Anh, Tổ 4, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt trên diện tích 2 ha không chỉ giảm hơn một nửa số lượng nhân công chăm sóc, mà còn tăng thêm giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất lên đến hơn 30%.
Các chuyên gia trồng dâu Hàn Quốc tham quan, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác công nghệ số tại vườn dâu tây Nam Anh Đà Lạt |
ĐỒNG BỘ CÔNG NGHỆ SỐ CHĂM SÓC 20.000 M2 DÂU TÂY NHẬT
Một sáng nắng trong cuối năm 2022, chủ nhân vườn dâu tây Nam Anh Trần Đức Nam làm “hướng dẫn viên” cho phóng viên “mục sở thị” toàn bộ hệ thống công nghệ số đang vận hành ở đây. Kiểm tra toàn bộ môi trường sinh trưởng của từng khu vườn dâu tây trên tổng diện tích 2 ha nhà kính trong lúc này, chủ nhân Trần Đức Nam mở một chương trình phần mềm trên smartphone hiển thị thông báo chi tiết về nhiệt độ, tốc độ hướng gió, lượng mưa, độ ẩm đất, cường độ ánh sáng. Tiếp tục lướt ngón tay cảm ứng màn hình smartphone lên trên, hiện ra các hoạt động điều khiển trên từng khu vực vườn dâu như lượng nước tưới nhỏ giọt, thời gian tưới, lượng phân bón hòa tan, độ dẫn điện trong đất, độ pH trong đất. Phần dưới là thông báo kết luận “đạt yêu cầu”. Lướt lên phía trên cùng, smartphone hiển thị “phần cảnh báo: chưa có dữ liệu, kết quả an toàn”.
Chủ nhân Trần Đức Nam cho biết thêm, vườn dâu tây Nam Anh cũng đã có thời điểm smartphone phát sáng tín hiệu cảnh báo về độ pH trong đất và nhiệt độ trong nhà kính tăng lên quá cao hoặc xuống quá thấp, hệ thống nước tưới nhỏ giọt kết hợp với châm phân bị tắc nghẽn một số vị trí, tình trạng sương muối ngoài trời có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng cây dâu trong nhà kính... “Nhận được tín hiệu cảnh báo từ smartphone, bộ phận kỹ thuật vườn dâu tây Nam Anh chúng tôi lập tức xử lý bằng 3 chế độ điều khiển trên phần mềm smartphone; biện pháp cơ học khơi thông một số vị trí đường ống tưới nhỏ giọt kết hợp với châm phân bị tắc nghẽn; xử lý bằng máy đối với độ pH trong đất, độ dẫn điện EC, hệ thống tưới nước phun mưa để giảm nhiệt độ trong nhà kính…”, chủ nhân Trần Đức Nam chia sẻ.
Cảm biến hiển thị nhật ký canh tác trong vườn dâu trên smartphone |
Theo chân của “hướng dẫn viên” Trần Đức Nam, phóng viên được “soi” cận cảnh hệ thống máy chủ lắp đặt ở vị trí đầu tiên hoặc cuối cùng của từng khu vườn dâu tây nhà kính diện tích từ 4.000 m2 đến 7.000 m2. Thiết kế của hệ thống máy chủ khá “gọn gàng” với chiều cao khoảng 1,2 m, chiều rộng khoảng 0,8 m, bên trong gắn các bảng vi mạch kết nối với thiết bị cảm biến tự động đo toàn bộ thông số kỹ thuật chăm sóc cây dâu trong nhà kính hàng ngày, có kích thước mỗi cạnh chỉ bằng một gang tay đặt tại khu vực trung tâm vườn dâu; đồng thời, kết nối và điều khiển trực tiếp hệ thống nước sạch bơm lên từ giếng khoan sâu dưới lòng đất, hòa tan với phân hữu cơ vi sinh trước khi phân phối tưới tự động nhỏ giọt theo đường ống đến mỗi gốc cây dâu hoặc tưới tự động bên trên phun mưa xuống tán lá cây theo các chế độ lập trình phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng.
Cụ thể, vườn dâu tây Nam Anh trồng cây giống chất lượng cao nhập khẩu từ Nhật Bản, trồng trên giá thể xơ dừa phối trộn với nguyên liệu đá núi lửa trải đều trên từng luống dài khoảng 6 m, rộng 40 cm, cách ly mặt đất 1,2 m, hàng cách hàng 1 m, cây cách cây 1 m. Kết cấu nhà kính khung sắt cao 6 m, mái lợp ni lông trắng, không cần thiết lắp đặt thêm lớp lưới đen vì đã có hệ thống tưới phun mưa để điều hòa ánh sáng những ngày nhiệt độ lên cao. Tổng kinh phí xây dựng nhà kính cùng trang bị, vận hành khép kín hệ thống công nghệ số ở vườn dâu tây Nam Anh khoảng 100 triệu đồng/1.000 m2. Kết quả vận hành hệ thống công nghệ số đồng bộ chăm sóc trên diện tích 20.000 m2 ở vườn dâu tây Nam Anh sau 90 ngày bước vào thu hoạch đến 5 năm sau mới thay đồng loạt giống mới.
Dâu tây Nam Anh Đà Lạt phần lớn đóng gói tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và cửa hàng phân phối từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và duyên hải miền Trung |
CHUYỂN GIAO RỘNG RÃI CHO NÔNG DÂN
Đặc biệt vườn dâu tây Nam Anh trồng dặm bổ sung trong quá trình canh tác đều sử dụng cây giống gốc nhập từ Nhật Bản, hoàn toàn không sử dụng cây “ngó” (cây con mọc lên từ rễ cây mẹ), nên năng suất thu hoạch lên đến 1.000 kg/1.000 m2/năm. Giá bán dâu tây trong 3 năm qua đạt trung bình 350 - 400.000 đồng/kg, nhân thành tổng doanh thu 350 - 400 triệu đồng/1.000 m2/năm. Thị trường dâu tây thương hiệu Nam Anh Đà Lạt khá ổn định với lượng khách du lịch tham quan trải nghiệm và mua về sử dụng; hệ thống phân phối từ các cửa hàng ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung; hệ thống siêu thị TP Hồ Chí Minh. So sánh trên diện tích này trồng khoai tây, carrot, bắp sú… luân canh trước đó thì trồng cây dâu tây theo công nghệ số của Nam Anh Farm đã tăng thêm doanh thu và lợi nhuận từ 30% trở lên. Đồng thời số nhân công lao động trực tiếp cũng giảm và chuyển sang công việc khác từ 10 người xuống còn 5 người.
Hiện tại, vườn dâu tây Nam Anh với diện tích 20.000 m2 tại thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt tiếp tục tuân thủ sản xuất, chăm sóc theo quy trình công nghệ số, đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, nâng cấp để đạt các tiêu chí xếp hạng 4 sao OCOP vào năm 2023, qua đó nâng cao uy tín và giá trị nhãn hiệu chứng nhận “Dâu tây Đà Lạt” do UBND TP Đà Lạt cấp.
“Trong tương lai gần, vườn dâu tây Nam Anh chúng tôi xây dựng và phát triển chuỗi liên kết, chuyển giao công nghệ số kết nối vạn vật cho nông dân trong TP Đà Lạt sản xuất dâu tây gắn với tiêu thụ ổn định trên thị trường. Trước mắt vườn dâu tây Nam Anh mong muốn trở thành điểm đến cần thiết cho nông dân Đà Lạt tiếp cận công nghệ số hoàn chỉnh vận hành chăm sóc vườn dâu đạt hiệu quả kinh tế và môi trường, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân Đà Lạt về mục đích, yêu cầu chuyển đổi giải pháp canh tác truyền thống thủ công sang giải pháp canh tác thông minh hiện nay… ”, chủ nhân vườn dâu tây Nam Anh Trần Đức Nam nhấn mạnh định hướng của mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin