(LĐ online) - Chiều 20/3, phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phần chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực kiểm sát và trách nhiệm trả lời chính là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí.
ĐBQH Nguyễn Tạo chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao liên quan đến trách nhiệm của ngành kiểm sát trong công tác kiểm sát thi hành án hành chính |
Tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng có Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, ĐBQH K’ Nhiễu, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh, lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ và các cơ quan tư pháp của tỉnh cùng dự.
Nội dung phiên chất vấn xoay quanh giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa; giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác cán bộ của ngành kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của kiểm sát viên và các công chức của Viện Kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành kiểm sát; giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng chất vấn: Thực tế cho thấy, việc xét xử các vụ án hành chính còn nhiều khó khăn, trở ngại, từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Cụ thể: Trong tống đạt các văn bản tố tụng; trong việc trả lời thông báo thụ lý vụ án của Tòa án và cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án cũng rất chậm; người bị kiện rất ít khi trực tiếp tham gia tố tụng và nhiều yếu tố khác… Tuy nhiên, sau quá trình xét xử thì là cả một quá trình nan giải của công tác thi hành án, trên thực tế tỉ lê thi hành án hành chính đạt tỉ lệ không cao, nhiều bản án thi hành kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.Với những tồn tại nêu trên, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao có suy nghĩ gì về trách nhiệm của ngành kiểm sát trong công tác kiểm sát thi hành án hành chính và giải pháp cụ thể nào trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ này.
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hơn 10 năm qua, khối lượng công việc của ngành kiểm sát phải thực hiện tăng lên gấp đôi như: Lĩnh vực hình sự tăng khoảng 10%/năm, lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại tăng khoảng 10% - 12%/năm, có năm tăng đến 15%..., yêu cầu pháp luật ngày càng cao, toàn ngành kiểm sát đã thực hiện nhiệm vụ khá toàn diện trên tất cả các mặt từ đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng công tác cán bộ cho đến việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp về hình sự, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính, việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cũng được chú trọng nâng cao về chất lượng…
Tuy nhiên, ngành kiểm sát vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số trường hợp tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; đình chỉ vụ án, đình chỉ quyết định khởi tố bị can do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; có trường hợp Viện Kiểm sát phải rút quyết định truy tố; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; trong hoạt động Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vẫn còn tình trạng tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố vụ án hình sự…
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Lê Minh Trí tiếp thu ý kiến đại biểu và giải trình làm rõ một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin