(LĐ online) - Tôn giáo du nhập, hình thành ở Việt Nam từ rất sớm, được người dân đón nhận bởi những giá trị nhân bản mà tôn giáo mang lại phù hợp với đạo lý, văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Trải qua chiều dài lịch sử dân tộc, tôn giáo luôn gắn kết chặt chẽ, đồng hành cùng dân tộc, mà biểu hiện rõ nét nhất là các giá trị đạo đức, văn hóa. Trong cuộc đời hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc những giá trị của nguồn lực tôn giáo, Người thể hiện rất rõ hệ thống quan điểm về nguồn lực tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo.
Tôn giáo là bộ phận quan trọng hình thành nền văn hóa. Khi nói đến văn hóa của một dân tộc hay khu vực, không thể không nhắc đến bộ phận cấu thành là tôn giáo. Giá trị văn hóa của tôn giáo thể hiện ở niềm tin, thực hành, các nguyên tắc đạo đức, các giá trị, những di sản hữu hình và vô hình. Quá trình hình thành, phát triển giáo lý, triết lý, các nguyên tắc, giáo luật của các tôn giáo dần ảnh hưởng, thẩm thấu đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý và lối sống không chỉ của tín đồ, mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt của xã hội. Giá trị văn hóa của tôn giáo có một sức sống lâu bền và mãnh liệt, thậm chí ngay cả trong các xã hội đã đạt được tính hiện đại cao.
Việt Nam là đất nước đa dạng tôn giáo. Tính đến tháng 12/2021, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với số tín đồ chiếm 27% dân số cả nước, trên 58 nghìn chức sắc, khoảng 148 nghìn chức việc và trên 29 nghìn cơ sở thờ tự trên cả nước. Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng ta xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh sâu sắc luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Do đó, việc khơi dậy và phát huy giá trị tốt đẹp của các tôn giáo - thành tố cấu thành văn hóa nhằm tạo nguồn lực để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hết sức cần thiết.
* * *
Trong cuộc đời lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ ràng quan điểm về nguồn lực tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo. Tại tập thơ “Nhật ký trong tù”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện ở trang cuối như sau: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Người đã tiếp cận tôn giáo như là một thành tố của văn hóa.
Một là, có thể thấy rằng, người đặt viên gạch nền móng đầu tiên về việc nhận thức tôn giáo như một nguồn lực và phát huy nguồn lực tôn giáo, mở đường cho chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta sau năm 1945 trước tiên chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối cách mạng đúng đắn với vai trò là người đứng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ quần chúng tôn giáo cũng là một lực lượng của cách mạng và không bị xem là “đối tượng cách mạng”. So với các nhà cách mạng trước đó như trường hợp nhà yêu nước Phan Bội Châu là người sớm lý giải cho người Công giáo thấy được kính Chúa phải gắn với yêu nước, nhưng Phan Bội Châu mới chỉ xếp người Công giáo vào diện “mười hạng đồng tâm”. Còn nhà Nguyễn, nhất là thời vua Minh Mạng trị vì, hầu như Công giáo bị xem như là một “đối tượng” quan tâm đặc biệt của nhà cầm quyền phong kiến lúc đó. Trong 21 năm trị vì (1820-1840), Minh Mạng đã ra 6 chỉ dụ cấm đạo, vào các năm 1825, 1826, 1833, 1836, 1838, 1839. Từ những yếu tố trên, có thể thấy rằng, nhận thức này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bước ngoặt quan trọng trong việc nhận thức vai trò của tôn giáo cũng như đồng bào có đạo trong việc giải phóng dân tộc. Người đã nhìn nhận quần chúng tôn giáo như một nguồn lực của việc đại đoàn kết cho phong trào cách mạng Việt Nam.
Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tín đồ tôn giáo là một nguồn lực của cách mạng kháng chiến.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về tôn giáo so với các bậc tiền nhân đi trước trong việc xác định tôn giáo, mà ở đây cụ thể là tín đồ các tôn giáo là “nguồn lực của cách mạng và kháng chiến”. Để rõ hơn, chúng ta có thể trở về một số văn bản gốc của Hồ Chí Minh viết trong giai đoạn này để thấy rõ sự vượt lên trong việc nhận thức về nguồn lực con người cho cách mạng. Trong thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh viết: “…Trong Việt Minh, đồng bào ta bắt tay nhau chặt không phân biệt trai gái, già trẻ, lương, giáo, giàu nghèo”. Hay trong lời kêu gọi đoàn kết toàn dân chống lại sự tái chiếm của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Chính trong cách nhận thức mới này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương không tách những người có tôn giáo ra khỏi phong trào cách mạng, điều này cũng làm cho các tín đồ tôn giáo trước kia vốn có những thành kiến và mặc cảm với cách mạng đã nhanh chóng trở thành một lực lượng năng động, đồng lòng, dốc sức ủng hộ kháng chiến, đoàn kết một lòng giải phóng dân tộc. Kế thừa quan điểm này trong quá trình xây dựng nền tảng của một nhà nước pháp quyền, các bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều xác định rất rõ các vấn đề về tự do tôn giáo và tính thế tục của nhà nước. Hiến pháp năm 1946 đã xác định “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” Chính quan điểm đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách phù hợp của Nhà nước mà Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này mà chúng ta đã phát huy được “nguồn lực tôn giáo” đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, tiến hành cách mạng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ chủ nghĩa xã hội.
Ba là, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy được nguồn lực của tôn giáo trong việc đoàn kết giữa các tôn giáo, đoàn kết toàn dân tộc
Một trong những tư tưởng đặc sắc và đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh vào sự phát triển lý luận Mác-Lênin về tôn giáo là đã xác định: Một trong những nguồn lực của tôn giáo đó là khả năng cố kết cộng đồng, từ đó có thể để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc và tôn giáo khác nhau, làm cho “nước vinh, đạo sáng”, “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần ngày càng to lớn vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Cho nên, ngay cả những lúc vận mệnh của cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn xác định một trong sáu nhiệm vụ cấp bách đầu tiên mà Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa phải thực hiện là: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, Người đã chỉ ra sự đồng thuận giữa mục tiêu của cách mạng với mục đích của những người sáng lập tôn giáo. “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải, xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ” và với trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước, Người khẳng định rõ: “…những việc Chính phủ và Nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân làm hết sức mình, kể cả hy sinh xương máu để giữ gìn sự đoàn kết đó, đồng thời phê phán sâu sắc cách nhìn thiển cận trong xây dựng khối đoàn kết lương giáo. Người cho rằng: “Tư tưởng hẹp hòi thì hành động cũng hẹp hòi. Tư tưởng hẹp hòi thì nhiều thù mà ít bạn (như vấn đề tôn giáo). Người mà hẹp hòi thì ít kẻ giúp. Đoàn thể mà hẹp hòi thì không phát triển”.
Trong thời kỳ này, việc phát huy nguồn lực tôn giáo được đặt trong một nhiệm vụ cao cả của dân tộc đó là đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước. Nguồn lực tôn giáo được nhấn mạnh tới việc đoàn kết các lực lượng tôn giáo kháng chiến, kiến quốc. Việc phát huy nguồn lực dựa trên vai trò cá nhân người đứng đầu Nhà nước với các chức sắc tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo. Có thể thấy rõ điều này qua ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với một số chức sắc tôn giáo, như: Ông Nguyễn Mạnh Hà, Linh mục Phạm Bá Trực, Giám mục Lê Hữu Từ (Công giáo), ông Cao Triều Phát (Cao Đài), Mục sư Lê Văn Thái (Tin lành)…
* * *
Thời gian gần đây, khái niệm nguồn lực tôn giáo trở nên rất quen thuộc. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Dương (nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), “Nguồn lực tôn giáo suy cho cùng có có hai nội dung: nguồn lực tinh thần, nguồn lực vật chất”. Nguồn lực tinh thần có: tư tưởng "dân là gốc", "khoan thư sức dân", "quốc thái dân an", "chăm lo người nghèo khó", "lượng hình”, “xá tội” của Nho giáo, Phật giáo được Đảng ta vận dụng vào trong đường lối, chính sách; có lối sống thiện căn, tu tâm, dưỡng tính khuyên con người làm lành, lánh dữ, tích đức hành thiện, biết sợ phạm tội; lối sống vì tha nhân của tôn giáo; có nguồn lực của sức mạnh đoàn kết, một nguồn lực mang giá trị cao. Về nguồn lực vật chất, các tôn giáo lớn ở Việt Nam đều gắn đạo với đời, với tư tưởng nhập thế, được thể hiện qua những việc làm cụ thể mà các tôn giáo có thế mạnh như hoạt động từ thiện, văn hóa - xã hội, tham gia vào dịch vụ công để chia sẻ gánh nặng cho xã hội. Đạo Tin Lành đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội: “Chúng tôi chỉ muốn làm sáng tỏ cái phần của các động lực tôn giáo trong vô số những động lực cá biệt trong lịch sử đã góp phần vào sự phát triển của nền văn minh hiện đại của chúng ta”… Trong phát triển bền vững, tôn giáo đặc biệt có vai trò bảo vệ môi trường, đề cao việc sống hòa đồng gần gũi với thiên nhiên,... Dưới góc độ là một nhà quản lý, TS Bùi Thanh Hà (Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ), thống nhất với quan điểm trên và nhấn mạnh hơn: “Trong phát triển bền vững, tôn giáo có vai trò bảo vệ môi trường, đề cao việc sống hòa đồng, gần gũi với thiên nhiên”. Hay nói như GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguồn lực tôn giáo còn là “nguồn lực trí tuệ”.
Có thể thấy rằng cách nhận thức về nguồn lực tôn giáo qua từng thời kỳ lịch sử là khác nhau phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể của nước ta nên việc nhận thức về nguồn lực tôn giáo cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh của thế giới hiện đại, tôn giáo ngày càng thể hiện là một nguồn lực tích cực trên nhiều phương diện. Từ thực tiễn đó, đã đặt ra yêu cầu thiết yếu cần phải nhận diện rõ hơn các giá trị và nguồn lực tôn giáo, để từ đó tiếp tục đổi mới tư duy, chính sách, phát huy nguồn lực đặc biệt này cho công cuộc phát triển đất nước.
Nguồn lực có thể được hiểu là “tổng thể các lực lượng vật chất và tinh thần được sử dụng hoặc có khả năng sử dụng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia”. Nếu theo cách hiểu ấy, nguồn lực tôn giáo sẽ là tổng thể các lực lượng vật chất, tinh thần của tôn giáo có khả năng sử dụng để phục vụ cho sự phát triển trước hết là của chính bản thân tôn giáo, sau đó là đến phát triển cộng đồng xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin