Góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh nhà, có sự chung tay trách nhiệm và tâm huyết của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Các ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, chủ động tham gia vào các hoạt động của Quốc hội và địa phương, tích cực nghiên cứu tài liệu, phát biểu thảo luận, kiến nghị về tình hình KT-XH của địa phương.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo trao đổi bên lề kỳ họp Quốc hội cùng các lãnh đạo Trung ương |
Trước và sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là về góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi có đóng góp của toàn dân. Đây là nội dung được cử tri tỉnh nhà rất quan tâm.
Liên quan các chính sách đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Đoàn có nhiều góp ý có tác động đến 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Cùng đó, qua khảo sát, tiếp xúc cử tri, Đoàn đã tập trung góp ý về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2023-2025 cho các chương trình mục tiêu quốc gia với số vốn đã được phân bổ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Đoàn đã có kiến nghị cụ thể với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ, Quốc hội để thúc đẩy vốn đầu tư công, nhất là đầu tư phát triển KT-XH cho vùng DTTS theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội, cùng chính quyền địa phương tiếp tục kiến nghị, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài ra còn các nội dung như kiến nghị về chế độ chính sách của cán bộ không chuyên trách nay đã được ghi nhận và thực hiện...
Đồng chí K’Nhiễu (bên trái) và đồng chí Trịnh Thị Tú Anh Đoàn ĐBQH Lâm Đồng phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV |
Liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường, đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH nhấn mạnh: Năm nay, với diễn biến bất thường về biến đổi khí hậu tại nước ta, đặc biệt là tại Lâm Đồng, trải dài diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, từ sạt lở Đà Lạt đến đèo Bảo Lộc làm thiệt hại đáng tiếc về người và của. Vừa qua, Đoàn đã giám sát, khảo sát sau đợt mưa lũ kéo dài, cụ thể tại đoạn tránh Quốc lộ 20, đoạn Quốc lộ 27, tuy được sự quan tâm từ nguồn duy tu bảo dưỡng của Bộ Giao thông Vận tải nhưng qua 2 đợt mưa kéo dài cho thấy tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại Đèo Chuối, đèo Phú Sơn. Một số đoạn bị sạt lở, có nhiều ổ gà, ổ voi cần khắc phục sửa chữa ngay. Tuy nhiên, Đoàn giám sát nhận thấy Bộ Giao thông Vận tải chưa có nguồn bổ sung duy tu sửa chữa đoạn này vào để đầu tư sửa chữa. Sắp tới, Đoàn sẽ tiếp tục kiến nghị Tổng cục Đường bộ - Bộ Giao thông Vận tải tiến hành duy tu, bảo dưỡng trên diện rộng một số đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng trên các tuyến quốc lộ nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân khi tham gia lưu thông.
Tiếp đó, Đoàn ĐBQH đã đến trực tiếp khảo sát thực tế tại khu vực hồ chứa nước Đông Thanh, nghe báo cáo của đơn vị, ngành liên quan về sự cố sạt trượt đất tại xã Đông Thanh để có báo cáo Quốc hội nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân.
Từ nay đến cuối năm, dự báo mùa mưa lũ còn kéo dài, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ tập trung, theo dõi, lắng nghe, thu thập các kiến nghị của cử tri liên quan đến những vấn đề mà cử tri và Nhân dân bức xúc, lo ngại như về giải pháp khắc phục sạt lở đất, sạt trượt đất, nhất là các cung đèo, dốc cao trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Đoàn cũng đã và sẽ tiếp tục kiến nghị làm sao để có chính sách cụ thể về phát triển về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, cho cán bộ lực lượng vũ trang, cho viên chức, lao động. Theo đó, cần xác định tiêu chí để thụ hưởng chính sách này đảm bảo tính khả thi, công khai, công bằng khi triển khai dự án. Thúc đẩy quỹ phát triển nhà thông qua nguồn vốn, quỹ đất. Về nội dung chuyển đổi đất rừng, ĐBQH tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nhằm đảm bảo các quỹ đất đã được quy hoạch mang tính bền vững hơn. Làm sao để sử dụng đất vừa đảm bảo môi trường sinh thái, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ quỹ rừng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo cho biết: “Chúng tôi sẽ thực hiện các chuyên đề góp ý về Luật Đường bộ, Luật An ninh cơ sở, quản lý công trình quốc phòng tới nhóm đối tượng chịu tác động cụ thể. Góp ý nội dung liên quan đến nhóm xây dựng pháp luật về đất đai, nhà ở, bất động sản... Từ nay đến cuối năm, Đoàn ĐBQH sẽ thực hiện giám sát chuyên đề về triển khai thực thi pháp luật trong quản lý vận hành các đơn vị sự nghiệp công lập, về năng lượng tái tạo. Đoàn sẽ giám sát chuyên đề về tổ chức hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp như hoạt động của luật sư, hoạt động công chứng, đấu giá, thừa phát lại... nhằm chuẩn bị có những tổng hợp kiến nghị xác đáng, sát thực tiễn để trình Quốc hội và các cơ quan chức năng nhằm sớm khắc phục những tồn tại, bất cập như hiện nay”.
Bên cạnh đó, Đoàn còn tham gia đóng góp ý kiến trách nhiệm, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như đã giám sát chương trình phục hồi kinh tế, quan tâm đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển KT-XH, tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực y tế , hướng đến để ngành Y tế có đủ điều kiện ứng phó với những dịch bệnh khác có thể xảy ra, nhằm bảo đảm tính mạng và sức khỏe Nhân dân.
Về đầu tư công trung hạn gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của địa phương, đầu tư thủy lợi như Dự án Hồ Ta Hoét, Đông Thanh..., các chương trình theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, tập trung cho những công trình lớn như: Quan tâm đến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương để khởi công sớm nhất. Tiếp tục xin chủ trương từ Trung ương về Dự án Nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Liên Khương theo hình thức PPP. Đoàn sẽ cùng địa phương tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm xúc tiến tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, kêu gọi nhà đầu tư có năng lực để dự án triển khai sớm, phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH địa phương. Đoàn cũng sẽ cùng địa phương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong phát triển nông nghiệp, liên quan đến các bộ, ngành Trung ương, Đoàn sẽ cùng kiến nghị có tiếng nói kịp thời nhằm giúp Lâm Đồng tiếp tục bứt phá, tăng trưởng, đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đề ra.
“Với trách nhiệm của mình, tôi mong muốn thời gian tới rất cần sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt hơn nữa của Thường trực Tỉnh ủy, cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa của từng ngành, từng cấp, từng địa phương nhằm đảm bảo tính đồng thuận cao, tạo sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị để thực hiện cho được các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra, nhất là những công trình, dự án lớn mang tầm quốc tế, quốc gia, có ý nghĩa chính trị sâu rộng”, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo cho biết.
Có thể nói, bằng trí tuệ và tinh thần trách nhiệm, các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cùng với Quốc hội, Chính phủ có nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển KT-XH của đất nước, của địa phương, ngày càng đáp ứng tốt hơn mong đợi của cử tri tỉnh nhà.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin