(LĐ online) - Trong nhiều năm nay, các thế lực thù địch và các phần tử chống đối, cơ hội đã tung nhiều thông tin sai lệch, ra sức công kích, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta.
Các thế lực thù địch tung nhiều ngón đòn và các chiêu trò và những giọng điệu khác nhau, khi thì đứng hẳn về phía đối lập ra sức xuyên tạc chống phá, khi thì như “người trong cuộc” thể hiện “thiện chí”, “tâm huyết” đối với sự nghiệp cách mạng và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Song, những luận điệu và sự “tâm huyết” này đều thể hiện một thái độ và cái nhìn thiếu thiện chí, méo mó, sai lệch và thù địch đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và tình hình thực tiễn của Việt Nam. Sự chống phá đó đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ với các nước trên thế giới, hội nhập ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng vào đời sống chính trị quốc tế.
Dù chưa thể làm chệch hướng, vô hiệu hóa đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam, chưa thể hạ thấp vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, nhưng những luận điệu này cũng có thể khiến một bộ phận đảng viên, cán bộ và nhân dân hoang mang, dao động, từ đó suy giảm niềm tin vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, gây khó khăn cho Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại và xử lý các mối quan hệ quốc tế.
Gần đây nhất, nhân sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến thăm Việt Nam (từ ngày 10 - 11/9/2023), các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội trắng trợn xuyên tạc rằng, Việt Nam đang điều chỉnh quan hệ đối ngoại nhằm “tìm kiếm đối tác chiến lược”, “thiết lập liên minh mới” để đối phó với nước đang gây áp lực bất lợi cho mình. Họ “kiến nghị” Đảng và Nhà nước Việt Nam phải từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ; rằng muốn bảo vệ được độc lập, chủ quyền thì phải dựa vào một cường quốc, “chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền đất nước, chủ quyền biển, đảo”.
Những luận điệu xuyên tạc trên không thể phủ nhận thực tế rất rõ ràng, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong công tác đối ngoại được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 nước trên thế giới, có quan hệ, hợp tác với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có quan hệ kinh tế với hơn 220 thị trường nước ngoài. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia. Việt Nam là thành viên của các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế, như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Những năm gần đây, nhiều sự kiện quốc tế cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam và mức độ tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, đó là việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng (năm 2017), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) tại Hà Nội, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội (tháng 2/2019); Việt Nam (lần thứ hai) trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021...
Điều đó đã chứng thực một cách sinh động đất nước Việt Nam đang vững bước phát triển đi lên với một vị thế mới, vị thế của một đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định đang trên đà phát triển và chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu.
Về vấn đề “chọn bên” hay “đi theo bên này để chống phá bên kia”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói đến trường phái “Ngoại giao cây tre”, kết hợp hài hòa giữa gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”, chúng ta sẽ có đủ trí tuệ và bản lĩnh để xử lý đúng đắn và hiệu quả mọi thử thách, khó khăn, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, mà không nhất thiết phải liên kết với nước này để chống nước kia. Chúng ta có thể chọn bạn, nhưng dứt khoát “không chọn bên” một cách cực đoan.
Năm 2022, phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”.
Mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được bình thường hóa cách đây 28 năm (1995). Hai nước đã thiết lập và triển khai mối quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 với nhiều nỗ lực vun đắp và xây dựng lòng tin, cùng hướng về phía trước, đến nay đã nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đặc biệt, 10 năm qua, lòng tin ngày càng củng cố và tăng cường góp phần đưa quan hệ hai nước tiếp đà phát triển hiệu quả, trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế, phù hợp nguyện vọng của nhân dân hai nước. Nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD. Việt Nam đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Hoa Kỳ ngày càng lớn mạnh.
Đối với Trung Quốc, trải qua 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam với kim ngạch mậu dịch giữa hai nước tăng lên không ngừng; chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỉ USD với 233 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (hiện Trung Quốc có 3.791 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD tại Việt Nam).
Như vậy, thực tế sự phát triển mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Việt Nam-Trung Quốc là tất yếu khách quan, xu thế chung của thời đại; đồng thời, đã chứng minh đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn, cân bằng, độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, vì lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc; đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới, hoàn toàn không có chuyện “ngoại giao đu dây”, “theo bên này, chống bên kia” như luận điệu những kẻ xấu, cố tình xuyên tạc, bịa đặt.
Thế giới hiện nay đang trong tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế… Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII). Đó là đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ không phải là biệt lập, cô lập với thế giới bên ngoài, đứng ngoài lề tiến trình hội nhập quốc tế, càng không phải là “tự mình cô lập mình” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, mà đó chính là chúng ta thể hiện chủ quyền, quyền tự quyết định con đường, mô hình phát triển của quốc gia - dân tộc. Độc lập, tự chủ là cơ sở, điều kiện, tiền đề để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và hội nhập quốc tế chỉ có thể đạt hiệu quả nếu giữ vững được độc lập, tự chủ và thực hiện tốt chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ.
Và một lần nữa cần khẳng định: Việt Nam nhất quyết “không chọn bên” trong chính sách đối ngoại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin