(LĐ online) - Văn học, nghệ thuật (VHNT) được xác định là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội, là một trong những lĩnh vực mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Vì vậy, việc nhận diện và đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực nhạy cảm này là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay.
Thời gian qua, các thế lực thù địch đưa ra những quan điểm phê phán, xuyên tạc lý luận VHNT mácxít; đề cao cổ xúy khuynh hướng nghiên cứu và sáng tác VHNT theo hướng tuyệt đối hóa hình thức, xem nhẹ nội dung tư tưởng của VHNT. Phê phán Đảng và Nhà nước ta áp đặt tư tưởng trong sáng tác VHNT, trói buộc văn nghệ sĩ, làm thui chột sự sáng tạo VHNT, từ đó đòi “VHNT phải độc lập với chính trị”, cổ vũ tư tưởng văn nghệ sĩ tự thân là một bá quyền trong vương quốc của cái đẹp và không cần sự lãnh đạo. Hiện nay, trong quá trình mở cửa, giao lưu kinh tế, văn hóa, nhiều sản phẩm độc hại đã và đang xâm nhập vào nước ta, gây băng hoại đạo đức xã hội, đặc biệt tác động rất xấu đối với thế hệ trẻ.
Cùng với chiến dịch tiến công phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, bôi nhọ lãnh tụ Hồ Chí Minh thông qua những bài viết, những tác phẩm dưới dạng văn học, nghệ thuật của những phần tử phản động người Việt lưu vong, còn là các hồi ký, thơ ca, hò vè, truyện tranh, truyện cười... với nội dung thiếu xây dựng, vẽ nên bức tranh của đất nước ta với toàn màu xám, công kích, nói xấu Đảng và chế độ ta, đang được tung lên mạng Internet, gây tác động rất xấu tới tâm trạng cư dân mạng, từ đó loang rộng ra xã hội.
Chính những sản phẩm đó đã và đang thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm suy giảm niềm tin của cán bộ và các tầng lớp Nhân dân vào lý tưởng cách mạng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, gây giao động, nghi ngờ về con đường đi lên của đất nước ta.
Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong VHNT là một bộ phận nhạy cảm nhất của việc chống “diễn biến hòa bình”, góp phần củng cố trận địa chính trị, tư tưởng hiện nay. Lý luận VHNT mácxít có giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc, là định hướng quan trọng cho sự phát triển của VHNT chân chính, phục vụ đông đảo Nhân dân lao động, vì sự tiến bộ của nhân loại. Lý luận VHNT mácxít không những đã khám phá, nhận diện đúng đắn bản chất, làm rõ quy luật phát triển, chức năng, vai trò của VHNT trong đời sống xã hội mà còn chỉ ra những nguyên tắc, phương pháp luận trong sáng tác để VHNT thật sự có giá trị đối với cuộc sống con người. Chức năng cơ bản của VHNT là chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục, giúp nâng cao tình cảm thẩm mỹ trong tâm hồn con người, hướng con người tới các giá trị Chân-Thiện-Mỹ để hình thành phẩm chất, nhân cách con người và cải tạo thế giới.
Đảng lãnh đạo VHNT không những không áp đặt mà còn tạo điều kiện để VHNT phát triển mạnh mẽ và thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình trong đời sống xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn đề cao vai trò của VHNT: “Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”. Sự lãnh đạo của Đảng đối với VHNT không phải là sự áp đặt mà đó là nhu cầu khách quan để thực hiện mục tiêu, lý tưởng của dân tộc và đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển toàn diện của VHNT để đáp ứng khát vọng tốt đẹp, phong phú và lành mạnh của Nhân dân cũng như trở thành “một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện con người Việt Nam”.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng luôn tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, không can thiệp sâu vào cá tính sáng tạo, cảm hứng sáng tạo, phương pháp sáng tác, các tác nghiệp, kỹ năng thực hành VHNT... Bởi vậy, Đảng thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo đối với VHNT theo hướng vừa bảo đảm để VHNT phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa đảm bảo quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Từ đó có thể thấy, quan điểm “VHNT phải độc lập với chính trị” không những có tính chất sai lầm học thuật mà còn là luận điệu xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng đối với VHNT.
Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền VHNT cách mạng đã hình thành, phát triển nhanh chóng và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Được soi sáng bằng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối văn nghệ đúng đắn của Đảng, VHNT cách mạng đã phản ánh chân thực, sinh động hiện thực cách mạng; nhiều tác phẩm đạt tới tầm cao về tư tưởng và giá trị nhân văn sâu sắc, giá trị nghệ thuật đặc sắc, tạo ra những hình tượng đậm chất lý tưởng và mang tầm văn hóa lớn trong đấu tranh cách mạng, hướng con người đến những cái cao thượng, anh hùng...
Nền VHNT cách mạng đã thể hiện được tiếng lòng và khát vọng của Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam và đã góp phần cổ vũ đồng bào cả nước đồng sức, đồng lòng thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, VHNT cách mạng vẫn tiếp nối mạch nguồn truyền thống dân tộc và cách mạng, khắc phục những hạn chế, tiếp thu tinh hoa nhân loại để làm giàu cho mình và đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước.
Hơn bao giờ hết, lúc này đòi hỏi văn nghệ sĩ càng phải có lương tri, có tài năng, có trách nhiệm và bản lĩnh vững vàng “có mắt sáng, lòng trong, bút sắc” (Hữu Thọ) trước thời cuộc, không ngừng học tập, rèn luyện bản thân, để mãi mãi xứng đáng là người nghệ sĩ-chiến sĩ vẻ vang trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin