(LĐ online) - Ngày 6/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Các ĐBQH, bộ ngành trung ương tham dự phiên chất vấn ngày 6/11 |
Quốc hội dành cả ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Phạm vi nội dung chất vấn rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cử tri hết sức quan tâm. Nội dung chất vấn thành 4 nhóm lĩnh vực, cụ thể là: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng. Nhóm lĩnh vực kinh tế ngành gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường. Nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán. Nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
ĐBQH Nguyễn Tạo chất vấn về lãng phí tài sản công |
Tham gia chất vấn về giải pháp thu hút nguồn lực các dự án PPP, đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với phương châm tập trung phát triển hạ tầng, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước, liên kết vùng và địa phương.
Trong thời gian qua, công trình, dự án lớn với phương thức đầu tư công tư PPP của ngành giao thông vận tải đã được phê duyệt theo quy hoạch còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn và bất cập. Ngoài hạn chế về công tác thu hút qua xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế; trong đó, có việc hạn chế rủi ro đã xảy ra đối với các tổ chức tín dụng chỉ dừng lại ở thời hạn bảo lãnh tín dụng, cho vay tín dụng từ 10 - 15 năm. Trong khi đó, khả năng thuần vốn hợp lý của các nhà đầu tư là 10, 20 đến 30 năm đối với với từng dự án PPP.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ giải pháp nhằm tháo gỡ thực trạng những vướng mắc nêu trên nhằm thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP đã được phê duyệt?
Liên quan đến vấn đề lãng phí tài sản công, đại biểu Nguyễn Tạo - Phó trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng nhấn mạnh: Cử tri rất lo lắng về tình trạng lãng phí và tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công. Nhiều vụ tiêu cực liên quan đến quản lý nhà đất, công sản ở đô thị xảy ra thời gian qua khiến người dân cho rằng quản lý tài sản công rất có vấn đề. "Bộ trưởng nói sẽ điều chỉnh cơ chế chính sách, nhưng tôi băn khoăn làm chậm quá, mà chậm thì sẽ còn nhiều tiêu cực, lãng phí phát sinh. Tôi đề nghị qua kiểm toán, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gây chậm trễ"…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của ĐBQH |
Trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc quản lý tài sản công là của nhiều ngành, nhiều cấp. Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng tài sản công nhưng trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý nên cần nâng cao trách nhiệm quản lý. "Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Nguyễn Tạo để kiểm tra, đôn đốc việc này".
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thêm trách nhiệm các đơn vị quản lý tài sản công được phân định theo từng cấp, ngành. Tài sản công thuộc bộ ngành quản lý thì trách nhiệm thuộc Chính phủ và cơ quan tham mưu là Bộ Tài chính. Khi sắp xếp huyện xã, tài sản công là các trụ sở thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin