Sau 5 năm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới” (gọi tắt Chỉ thị 21), chất lượng công tác phụ nữ trên địa bàn huyện Di Linh được nâng lên rõ rệt và đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 21, Hội LHPN huyện Di Linh đặc biệt chú trọng phát triển nhóm phụ nữ người đồng bào DTTS |
Di Linh hiện có 19 tổ chức cơ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, thị trấn và 1 đơn vị trực thuộc (Hội Phụ nữ cơ sở Công an huyện); có 183 chi hội với hơn 19.000 hội viên phụ nữ. Trong đó, hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có 7.693 người, chiếm 36,72%. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, trên địa bàn huyện không còn địa bàn trắng chưa có tổ chức Hội, hội viên.
Bà Hà Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Di Linh, cho biết: Sau khi có Chỉ thị số 21, Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện đối với các hoạt động của phụ nữ. Vì thế, công tác Hội và phong trào phụ nữ ngày càng được thực hiện có hiệu quả; vai trò của phụ nữ ngày càng được nâng lên.
Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” để phối hợp với Hội Phụ nữ huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các đoàn thể và các ngành chức năng cùng tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước liên quan đến phụ nữ như: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Lao động, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh dân số… đến đông đảo hội viên phụ nữ trong huyện. Từ đó, việc thực hiện các chế độ, chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ được các cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện đúng theo quy định.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Di Linh, thông tin thêm: Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ đã thực hiện tốt các phong trào thi đua do Trung ương và tỉnh phát động. Trong đó, chú trọng thực hiện việc giúp nhau phát triển kinh tế thông qua các Mô hình: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Giúp phụ nữ nghèo là chủ hộ”, “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”... Nhờ vậy, nhiều phụ nữ đã có được việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ cũng đã phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện tổ chức tập huấn “Sử dụng facebook để thúc đẩy kinh doanh” cho các hội viên, trong đó có nhiều hội viên là người đồng bào DTTS. Đồng thời, thành lập các tổ hợp tác của phụ nữ tại các xã: Đinh Trang Hòa, Tân Thượng, Hòa Ninh và thị trấn Di Linh để giúp chị em có thêm nhiều cơ hội trong kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Để góp phần cùng địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, Hội LHPN huyện cũng đã thực hiện có hiệu quả việc ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Các cấp Hội đã duy trì và nhân rộng Mô hình Tổ hùn vốn, tiết kiệm. “Tính đến hiện tại có 406 tổ hùn vốn, tiết kiệm có 11.156 hội viên phụ nữ tham gia với số tiền hơn 11 tỷ đồng giúp gần 2.000 hội viên vay. Đây là nguồn lực quan trọng giúp hội viên trong phát triển kinh tế” - Chủ tịch Hội LHPN huyện Di Linh khẳng định.
Song song với phát triển kinh tế, việc nâng cao trình độ cho phụ nữ nói chung, phụ nữ người đồng bào DTTS nói riêng cũng được Hội LHPN huyện Di Linh chú trọng. Theo đó, các cấp Hội đã động viên 47 hội viên phụ nữ là người đồng bào DTTS học lớp xóa mù chữ do Đoàn Kinh tế quốc phòng đóng quân tại xã Đinh Trang Thượng mở lớp. Hội LHPN huyện cũng đã hỗ trợ xây dựng 5 nhà Đại đoàn kết (tại xã Sơn Điền, Tân Lâm, Đinh Trang Hòa) và xây 4 nhà vệ sinh cho hội viên phụ nữ nghèo tại xã Sơn Điền từ nguồn Quỹ “Vì phụ nữ nghèo” nhằm từng bước nâng cao chất lượng đời sống hội viên.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Di Linh cũng đẩy mạnh tuyên truyền hội viên góp sức cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Và từ đây, nhiều mô hình của phụ nữ như: “Phân loại rác tại hộ gia đình, thu gom phế liệu tiết kiệm”, “Hỗ trợ gia đình hội viên khó khăn mua thẻ Bảo hiểm y tế”; “Phụ nữ sống xanh”, “Phụ nữ Kơ Ho vun đắp, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống”… được hình thành và phát huy hiệu quả. Lực lượng phụ nữ đã trở thành nhân tố tích cực trong việc tham gia bảo vệ môi trường ở các địa phương. Điển hình là toàn huyện hiện có trên 70 km đường hoa cổng rào xanh - sạch - đẹp được thường xuyên chăm sóc bởi chị em phụ nữ.
Ngoài ra, phụ nữ Di Linh còn duy trì vận động và sử dụng hiệu quả Quỹ học bổng Lê Thị Pha, đã tặng 396 suất học bổng trị giá trên 70 triệu đồng, tặng hơn 4.000 phần quà trị giá 508,433 triệu đồng, thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” để giúp đỡ 21 trẻ khó khăn. Những việc làm đó đã góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nói riêng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung tại các địa phương.
Bà Hà Thị Thùy Linh cho biết thêm: Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, các cấp Hội luôn quan tâm công tác trợ giúp pháp lý và giải quyết đơn thư, tuyên truyền các kiến thức pháp luật về: Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới... trong hội viên. Đồng thời duy trì hoạt động 7 câu lạc bộ phụ nữ với kiến thức pháp luật, 321 mô hình tổ nhóm phụ nữ cùng sở thích với hơn 12.505 thành viên. Qua đó giúp nâng cao nhận thức cho phụ nữ, nhất là phụ nữ người đồng bào DTTS, phụ nữ đơn thân, phụ nữ khuyết tật.
Trao đổi thêm về vấn đề này, đồng chí KBroi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Di Linh, cho rằng: Việc phát triển nguồn nhân lực nữ là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Vì thế, Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh đã chỉ đạo và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ. Từ đó, chất lượng cán bộ Hội dần được nâng lên. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã chỉ đạo cấp ủy đảng các cấp, các ban, ngành đã quan tâm đến việc quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ nữ. Vì vậy, tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch được nâng lên so với nhiệm kỳ trước.
Công tác phát triển đảng viên nữ cũng luôn được các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm. Qua 5 năm, toàn huyện đã kết nạp được 677 đảng viên nữ/1.627 đảng viên được kết nạp (chiếm 41,6%), nâng tổng số đảng viên nữ trong huyện lên 1.559/4.398 (chiếm 35,4%).
Có thể nói, sau 5 năm, Chỉ thị 21 được triển khai sát với đặc điểm, tình hình địa phương, các tầng lớp phụ nữ ở Di Linh từng bước được trưởng thành về mọi mặt, vị thế của người phụ nữ luôn được phát huy. Hội Phụ nữ các cấp trong huyện ngày càng được củng cố, phát triển không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng với yêu cầu hoạt động Hội, phong trào phụ nữ trong thời kỳ mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin