Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân, đất nước ta, Người còn là một nhà thơ lớn của dân tộc. Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Bác đã làm rất nhiều thơ. Bên cạnh tập thơ “Nhật ký trong tù" nổi tiếng, Bác còn để lại cho chúng ta những bài thơ chúc Tết với bao tình cảm ấm áp, yêu thương.
Thơ chúc Tết của Bác tại Thư viện Lâm Đồng |
Đã từ rất lâu và đã trở thành như một tục lệ, cả dân tộc ta đều lặng đi trong thời khắc giao thừa để lắng nghe thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và tất cả mọi người đều cảm thấy lòng mình như lắng dịu khi được nghe giọng nói ấm áp, đầy truyền cảm của Bác khi Người trực tiếp đọc thơ chúc Tết. Ngay cả những khi Bác không còn nữa thì mỗi khi “Tết đến giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần...”.
Trên cương vị là lãnh đạo cao nhất của đất nước, Bác đã làm 22 bài thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước, với nội dung giản dị, dễ hiểu, nhưng có sức lay động lòng người. Sinh thời, Bác thuộc khá nhiều câu Kiều, như nhà thơ Chế Lan Viên đã khẳng định: "Xa nước 30 năm, một câu Kiều, Người vẫn nhớ”. Bác còn rất tinh thông thơ lục bát, một thể loại thơ gắn bó mật thiết với các làn điệu dân ca của dân tộc, nên các bài thơ chúc Tết của Bác rất dễ hiểu, bố cục chặt chẽ, chuẩn về vần điệu. Từng lời thơ chúc Tết của Bác đều rõ ràng, khúc triết, không chỉ là: "Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là chúc Tết, vừa là mừng xuân" như Bác đã từng tự nhận, nhưng đó còn là những tiên đoán thần kỳ, những chỉ đạo mang tầm chiến lược trong đường lối cách mạng của Đảng ta được Bác truyền tải ngắn gọn, súc tích bằng mấy câu thơ đến với đồng bào và chiếu sĩ cả nước.
Đà Lạt vào xuân. Ảnh: Hiệp Nguyễn |
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, mùa Xuân Nhâm Ngọ 1942, Bác về nước và làm bài thơ chúc Tết in trên báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 1/1/1942. Đây là bài thơ Chúc năm mới đầu tiên đến với đồng bào:
“Tháng ngày thấm thoắt chóng như thoi
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt - Minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Năm nay là năm rất vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới”
Với 10 câu thơ 7 chữ, Bác đã tổng kết tình hình đất nước ta và thế giới một cách khá đầy đủ, gói ghém xiết bao tình cảm yêu nước, yêu dân, lòng hữu ái giai cấp, tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Tình cảm ấy thấm sâu vào lòng người một cách thiết tha, đầm ấm mà cũng rất xao xuyến, rạo rực.
Đến Xuân Giáp Thân 1944, Bác viết bài Chào xuân in trên báo Đồng Minh, ký tên Hồ Chí Minh. Chính trong bài thơ chúc Tết này, Người đã dự cảm thời cơ cách mạng thành công đang đến rất gần. Đúng như vậy, chưa đầy một năm sau, cách mạng tháng 8/1945, đã thành công rực rỡ, mở ra một trang sử hào hùng mới cho dân tộc và đất nước ta.
Xuân Bính Tuất 1946, trên cương vì là người đứng đầu Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc Tết phụ nữ in trên báo Tiếng gọi Phụ nữ và báo Quốc gia với giọng thơ thể hiện niềm hân hoan, vui mừng khi đất nước được độc lập, tự do.
Từ đó, những mùa xuân tiếp theo, Bác đều làm thơ chúc Tết đăng trên các báo Độc lập, Sự thật (tiền thân của báo Nhân dân bây giờ). Nội dung các bài thơ chúc Tết này, ngoài phần chúc Tết như thông lệ đều ẩn chứa những nhiệm vụ quan trọng cụ thể của mỗi năm. Riêng trong bài thơ Mừng Xuân 1954, Bác đã khẳng định “Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công”. Quả vậy, chỉ chưa đầy bốn tháng sau, ngày 7/5/1954 với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Bác đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp. Các năm tiếp theo, năm nào Bác cũng làm thơ chúc Tết. Riêng những năm 60, Bác đều đặn làm thơ và in trang trọng vào tấm thiệp hồng chúc mừng năm mới vào đầu năm dương lịch. Ngoài nghi thức chúc Tết truyền thống, thơ chúc Tết của Bác bao giờ cũng truyền tải một cách cô đọng những nhiệm vụ chiến lược theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể, đồng thời tiên cảm trước những thắng lợi, thành công của cách mạng nước ta. Đặc biệt, bài thơ chúc Tết năm Mậu Thân - 1968 của Bác như một hồi còi xung trận và là hiệu lệnh đặc biệt cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy của cách mạng miền Nam, làm đổi tương quan lực lượng, buộc Mỹ ngụy phải ngồi vào bàn đàm phán bốn bên ở Paris. Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1969, mặc dù đã linh cảm "sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin" vào bất cứ lúc nào, nhưng Bác vẫn làm thơ chúc Tết với âm hưởng hào hùng mà trong đó, ẩn chứa rõ nét sự chỉ đạo chiến lược cho cách mạng miền Nam. Đó là: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" làm rung động triệu triệu trái tim đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Chúng ta cùng xem lại toàn văn Thư chúc mừng năm mới của Bác, đây cũng chính là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác được đăng trên báo Nhân dân, số 5376, ngày 1/1/1969:
... Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập - Vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút - đánh cho nguỵ nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
Và đúng như dự cảm của Bác trước lúc đi xa, Mùa Xuân 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, non sông, đất nước ta đã liền một dải, Bắc - Nam đã sum họp một nhà, trong niềm hân hoan tột bậc của dân tộc.
Năm nay, Giáp Thìn 2024, vừa tròn 55 năm ngày Bác kính yêu đã đi xa, nhưng trong lòng mỗi người dân đất Việt, chúng ta vẫn như nghe vọng giọng ấm áp của Bác đọc thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước. Từ đó, thơ chúc Tết của Bác Hồ đã trở thành một trong những di sản văn hóa thiêng liêng, quý giá của dân tộc ta.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin