Báo Nhân dân 28/11/1959, đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới bút danh Trần Lực với tiêu đề “Tết trồng cây”. Kể từ mùa Xuân năm Bính Tý 1960, Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp mỗi khi Tết đến, xuân về.
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/2/1969. Ảnh: Tư liệu |
Thực ra, vấn đề trồng cây để bảo vệ môi trường đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Ngày 30/5/1959, trên Báo Nhân dân số 1901 đăng bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” với bút danh Trần Lực. Sau bài viết “Tết trồng cây” ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết nhiều bài viết cùng chủ đề như: Ngày 19/1/1960, với bút danh T.L, Bác đã viết “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu” đăng trên Báo Nhân dân số 2133. Ngày 25/3/1969, Người viết bài “Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân số 2198. Ngày 28/1/1961, cũng với bút danh Trần Lực, Người viết tiếp bài có tiêu đề “Tết trồng cây”, đăng trên Báo Nhân dân số 2506…
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến việc trồng người, Người còn đặc biệt quan tâm đến việc trồng cây, bảo vệ môi trường. Chúng ta đã nghe biết đến rất nhiều cái Tết, nhưng có lẽ Tết trồng cây là cái tết độc đáo nhất của Việt Nam. Ngay khi Tết trồng cây do Bác Hồ phát động, đông đảo các tầng lớp Nhân dân đã đồng lòng hưởng ứng. Kể từ đó, Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp của văn hóa Việt Nam.
Là người khởi xướng và cũng là người đầu tiên nêu gương thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trồng cây đa đầu tiên tại công viên Thống nhất. Cây đa này hiện nay vẫn còn và đang tỏa bóng mát cho một góc công viên. Trước ngày mất không lâu, trên Báo Nhân dân ngày 5/2/1969, lại một lần nữa Bác viết bài "Tết trồng cây", nêu bật những thành tựu và ý nghĩa to lớn của loại "tết" đặc biệt này: "Ngày nay đồng bào ta ai cũng hiểu rõ trồng cây rừng có ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của Nhân dân ta”. Tết năm 1969 là cái Tết cuối cùng của Bác Hồ và cũng là Tết trồng cây cuối cùng của Bác. Cái cây cuối cùng Người trồng tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội).
Những năm trước đây, ở miền Bắc, Tết trồng cây trở thành một ngày hội lớn. Hàng năm, cứ đúng mùng 4 Tết, tất cả các trường học, hợp tác xã, công ty, xí nghiệp đều nô nức tổ chức Tết trồng cây. Những cây được chọn để trồng trong Tết trồng cây bao giờ cũng là những cây được lựa chọn đẹp nhất. Nhờ Tết trồng cây này mà ở khắp nơi từ ruộng đồng, gò bãi, nhà máy, xí nghiệp… đâu đâu cũng rợp bóng cây xanh mát.
Tiếp nối tinh thần và truyền thống đẹp từ Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều chương trình trồng rừng, trồng cây xanh thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái. Tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam đã từng bước được nâng lên. Nếu như giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ này là 40,84% thì đến cuối năm 2022 đã lên 42,02%. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg “Về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021”. Tiếp đó, ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025" với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Thực hiện đề án này, chỉ trong hai năm 2021 và 2022, cả nước đã trồng mới được 450 triệu cây xanh…
Lâm Đồng nói chung, Đà Lạt nói riêng là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt nhiều cây xanh, được mệnh danh là thành phố mộng mơ, thành phố của mộng, của thơ, của thiền, của văn chương, nhạc họa… Học giả Phạm Công Thiện đã viết những dòng đầy lãng mạn về Đà Lạt một thời hương xa: “Những buổi sáng sớm, tôi nằm ngó ra vườn đầy sương mù và thấy rằng mình đang sống thơ mộng, yêu đời, mênh mang, lòng tôi lúc ấy cất lên tiếng hát ngọt ngào như tiếng chim vừa mới thức dậy trong vườn…”. Những năm gần đây, do tốc độ đô thị hoá quá nhanh của Đà Lạt - một xu thế khó cưỡng lại, và cũng do cả cách quản lý quy hoạch nên thành phố đã mất dần những mảng xanh. Cũng đã có nhiều những hội thảo, những bài viết chỉ ra nguyên nhân và cũng có cả những chỉ trích mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu bình tâm suy xét, chúng ta thấy rằng một Đà Lạt quá đông đúc, một Đà Lạt phát triển quá nhanh đã góp phần làm cho không khí nóng hơn. Rất nhiều người từ các nơi trên cả nước đã chọn Đà Lạt làm nơi lập nghiệp và rồi họ sinh con, đẻ cháu, đưa những người thân yêu vào vùng đất này và góp phần tạo ra sự đông đúc và cả sầm uất nhưng cũng góp phần làm giảm diện tích xanh của rừng. Vấn đề chính không phải là ngồi đó để oán trách hay chỉ trích mà mỗi người cần có sự chung tay.
Để khắc phục những hạn chế trong quản lý, quy hoạch, những năm qua, Đà Lạt đã và đang tích cực triển khai các chiến lược để xây dựng Đà Lạt thành đô thị du lịch "xanh". Cũng trong thời gian qua, Đà Lạt đã được các tổ chức quốc tế công nhận là "Thành phố Du lịch sạch ASEAN" giai đoạn 2022 - 2024; Tạp chí Lifestyle Asia đề xuất Đà Lạt là một trong 12 điểm đến lãng mạn nhất châu Á năm 2022. Ngày 31/10/2023, Đà Lạt chính thức là thành viên mạng lưới các Thành phố Sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc… Những ghi nhận này sẽ là sự khích lệ tinh thần cho Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung trong quá trình phát triển hướng tới tăng trưởng xanh. Trong quá trình phát triển ấy, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trồng cây bảo vệ môi trường luôn là những chỉ dẫn cần thiết và quý báu.
65 năm trước, khi ô nhiễm môi trường chưa trở thành vấn đề bức xúc như hiện nay, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây với mục đích để bảo vệ môi trường sống. Một lần nữa chúng ta lại thấy được tầm tư duy vượt thời đại của Người. Có lẽ vì vậy mà năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, UNESCO đã vinh danh người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, một trong những tiêu chí để UNESCO lựa chọn Người, có những đóng góp của Người về lĩnh vực này. 65 năm đã trôi qua, tinh thần này của Người vẫn còn sống mãi, việc trồng cây, bảo vệ môi trường là nét đẹp rất cần được tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay và mãi mãi về sau.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin