Ngày càng có nhiều các đoàn khách quốc tế đến Lâm Đồng để tìm kiếm cơ hội hợp tác cũng như Lâm Đồng đang mở rộng quan hệ, xúc tiến đầu tư, thu hút các đối tác và nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Bà Christianne Van der Wal - Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Vương quốc Hà Lan (đứng giữa hàng đầu) cùng đoàn doanh nghiệp Hà Lan trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng |
• TÌM KIẾM CƠ HỘI
Trong cuối tháng 3/2024 vừa qua, Ngài Meynardo L. B. Montealegre - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Philippines tại Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Lâm Đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, các hoạt động hợp tác, xuất nhập khẩu giữa tỉnh Lâm Đồng và Cộng hòa Philippines đến nay còn chưa nhiều. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Lâm Đồng sang thị trường Philippines chỉ đạt 2,94 triệu USD. Hiện chưa ghi nhận số liệu nhập khẩu từ thị trường này. Trên địa bàn Lâm Đồng chưa có dự án nào của nhà đầu tư Philippines.
Tuy nhiên, lượng du khách Cộng hòa Philippines đến Lâm Đồng đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây, dù số lượng vẫn còn khiêm tốn. Trong năm 2023 vừa qua có khoảng 1.600 du khách Philippines đến Đà Lạt (chiếm tỷ lệ khoảng 0,4% trong số khách quốc tế đến Lâm Đồng). Hiện vẫn chưa có các chuyến bay thẳng từ Philippines đến sân bay Liên Khương. Trong tổng số 306 lao động người nước ngoài được cấp phép làm việc tại Lâm Đồng hiện nay, có 46 người mang quốc tịch Philippines, chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục.
Tại buổi làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Philippines, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S đã đề nghị Cộng hòa Philippines hợp tác với Lâm Đồng trong các lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu; sản xuất - chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch và xúc tiến đầu tư. Ngài Meynardo LB. Montealegre cho biết, sẽ nghiên cứu các đề xuất của Lâm Đồng để đẩy mạnh các lĩnh vực có thể hợp tác, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao và du lịch, cùng hợp tác để thúc đẩy lượng du khách Philippines đến với Lâm Đồng và cũng mong du khách Lâm Đồng chọn điểm đến là Philippines. Sắp đến, Cộng hòa Philippines sẽ có một đoàn nghị sỹ và doanh nhân sang làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư với Việt Nam trong mục tiêu nâng tầm quan hệ Việt Nam - Philippines thành đối tác chiến lược và đoàn sẽ đến thăm Lâm Đồng.
Cũng trong tháng 3/2024, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Vương quốc Hà Lan do bà Christianne Van der Wal - Bộ trưởng Thiên nhiên và Chính sách Nitơ, Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Vương quốc Hà Lan đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lâm Đồng. Cùng đi trong đoàn còn có nhiều quan chức Hà Lan, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cùng 14 doanh nghiệp Hà Lan chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; thiết bị và công nghệ làm vườn. Trọng tâm của đoàn là tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Lâm Đồng.
Trong năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Lâm Đồng sang thị trường Hà Lan đạt 9,86 triệu USD; gồm hoa tươi, lá trang trí, cà phê, nhựa và sản phẩm từ nhựa, rau, củ, quả. Tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Hà Lan vào tỉnh Lâm Đồng đạt 34,96 triệu USD; gồm cây, củ, hạt giống, hoa tươi; thiết bị nồi hơi; máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp, hóa chất, vải dệt nhuộm. Hà Lan là một đối tác quan trọng của Lâm Đồng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Hằng năm, rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu giống hoa, rau từ Hà Lan.
Lâm Đồng - Đà Lạt là địa phương được du khách Hà Lan rất ưa chuộng, thị trường Hà Lan là 1 trong 10 thị trường khách quốc tế đến tỉnh Lâm Đồng nhiều nhất trong thời gian gần đây. Trong năm 2023, có 7.040 lượt du khách Hà Lan đến tỉnh Lâm Đồng, chiếm 1,76% tổng lượng khách du lịch quốc tế.
Trong buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc đã đề nghị Vương quốc Hà Lan tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng nhập khẩu cây giống, hạt giống rau hoa các loại; sản xuất giống rau hoa tại Việt Nam; hợp tác hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị tưới tiên tiến cho doanh nghiệp Lâm Đồng; hợp tác đào tạo nông dân làm nông nghiệp tiên tiến và sắp tới tỉnh Lâm Đồng sẽ ký kết chương trình hợp tác với thành phố Westland của Hà Lan.
• MỞ RỘNG HỢP TÁC - XÚC TIẾN ĐẦU TƯ
Trong năm 2023, Lâm Đồng đã cử 5 đoàn công tác đến 6 nước trên thế giới nhằm giao lưu quốc tế, ký kết hợp tác, xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch, xúc tiến việc mở và đưa vào khai thác các đường bay, các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến và đi tại Cảng hàng không Liên Khương. Đồng thời, cử 105 cán bộ, công chức, viên chức đi công tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài.
Cùng đó, tỉnh đã chấp thuận để các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, chủ yếu là các trường đại học, cao đẳng, các viện, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn tỉnh, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; TP Đà Lạt đón tiếp và làm việc với 303 đoàn/2.085 lượt người nước ngoài trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học. Tỉnh cũng đón tiếp 31 đoàn/153 lượt người nước ngoài đến chào xã giao, làm việc với lãnh đạo tỉnh nhằm củng cố quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Lâm Đồng với các đối tác nước ngoài, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; trao đổi, tìm kiếm và thúc đẩy tiềm năng, cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nông lâm nghiệp, du lịch, thương mại. Các đoàn nước ngoài đến Lâm Đồng từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng chủ yếu là đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Hà Lan, Pháp, Đức…
Trong năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký kết 3 thỏa thuận quốc tế (gồm văn bản thiết lập quan hệ hữu nghị với tỉnh Matanzas, Cuba; hợp tác giữa Lâm Đồng với P&T Global và K-VINA Kovecalm Hàn Quốc; biên bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận nguồn nhân lực giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Kochi, Nhật Bản) và cho phép TP Đà Lạt ký kết 2 thỏa thuận quốc tế với đối tác Hàn Quốc (gồm bản ghi nhớ về hợp tác hữu nghị giữa Đà Lạt và huyện Jangheung, tỉnh Jeollanam và với Bệnh viện Đông y - Đại học Y dược Wonkwang, Hàn Quốc). Đồng thời, thống nhất cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức 34 hội nghị, hội thảo quốc tế trực tiếp hoặc thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là tập huấn về nông nghiệp, y tế.
Ngành chức năng tỉnh cũng thường xuyên cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp, sở, ngành, địa phương, hội, hiệp hội trong tỉnh; mời gọi các doanh nghiệp tham gia các chương trình hội chợ, hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; tham gia các đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến ở nước ngoài.
• ĐỂ THU HÚT NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Như đánh giá của ngành chức năng, Lâm Đồng ít có lợi thế cạnh tranh trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) so với nhiều tỉnh, thành khác trong nước, vì nhiều nguyên nhân trong đó hệ thống hạ tầng giao thông còn yếu, đặc biệt là giao thông kết nối với các khu vực kinh tế năng động, có cảng biển, sân bay; chi phí hậu cần cao, chưa tạo được lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, chế biến nên khó khăn trong việc tìm kiếm và thiết lập các quan hệ hợp tác với các đối tác mới.
Trong năm 2024, Lâm Đồng sẽ tập trung triển khai có chiều sâu, hiệu quả các chương trình, bản ghi nhớ hợp tác, hữu nghị với các đối tác truyền thống, tiềm năng, chiến lược lâu nay; tăng cường công tác quảng bá địa phương đối với các đoàn khách quốc tế đến thăm, thúc đẩy quan hệ hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của nhà nước liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc tổ chức quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn; tăng cường ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động của các Hội hữu nghị, Ban Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương, các tổ chức quốc tế, các đối tác. Thường xuyên giữ mối liên hệ và đề nghị các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại các nước hỗ trợ Lâm Đồng quảng bá thông tin tiềm năng thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư, danh mục chi tiết dự án đầu tư, các sản phẩm chính về thương mại và du lịch đến các đối tác và thị trường các nước.
Trong thu hút đầu tư FDI, Lâm Đồng sẽ chọn lọc, ưu tiên đối với các dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, dự án có trình độ công nghệ hiện đại, có tiềm năng tài chính mạnh để đảm bảo phát triển bền vững, xanh, sạch và theo chiều sâu; thu hút đầu tư đảm bảo hợp lý và hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và trong nội bộ từng ngành từng lĩnh vực để chuyển dịch cơ cấu đầu tư và lao động. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương như các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến, công nghiệp hỗ trợ, áp dụng công nghệ mới; chế biến nông, lâm khoáng sản, rau, hoa, chè, cà phê, đặc biệt là lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm nông sản xuất khẩu; nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu kinh tế của địa phương; duy trì và khai thác có hiệu quả đường bay các tuyến bay quốc tế hiện đang khai thác tại Cảng hàng không Liên Khương và mở thêm các đường bay quốc tế mới. Tỉnh tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống và có lợi thế như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, tham quan, hội nghị, hội thảo, du lịch sự kiện - lễ hội, du lịch văn hóa, du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm để thu hút khách du lịch quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin