Ðồng bằng Bắc Bộ (bao gồm phần lớn Liên khu 3 và Khu Tả ngạn), là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu trong thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn cuối của chiến cuộc Ðông-Xuân 1953-1954, quân và dân Ðồng bằng Bắc Bộ đã phối hợp hiệu quả với chiến trường chính, góp phần làm nên Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Máy bay Pháp bị phá hủy trong trận tập kích sân bay Cát Bi, Hải Phòng. (Ảnh tư liệu) |
Nhằm phối hợp hiệu quả với các chiến trường, đầu tháng 12/1953, Liên khu 3, Khu Tả ngạn họp phân tích tình hình, đề ra nhiệm vụ trước mắt của các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương là khẩn trương củng cố, chuẩn bị chiến trường, sẵn sàng đánh lớn khi thời cơ đến; phát triển mạnh lối đánh tập kích, phục kích, đánh giao thông, vây điểm diệt viện, đánh điểm diệt viện, mạnh dạn đánh sâu vào hậu phương nơi địch sơ hở tiêu diệt cơ quan đầu não, phá sân bay, bến cảng, kho tàng và phương tiện chiến tranh của chúng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy Tả ngạn, Trung đoàn 42, Trung đoàn 50 và bộ đội địa phương liên tục tiến công tiêu diệt nhiều vị trí, đánh địch trên các trục đường giao thông và tiến đánh thị xã Thái Bình. Trong hai tháng mở đầu của chiến cuộc Ðông-Xuân 1953-1954, quân và dân Khu Tả ngạn đã tiêu diệt nhiều tên địch, thu lượng lớn vũ khí đủ trang bị cho một trung đoàn chủ lực.
Cuối tháng 12/1953, thực dân Pháp tăng cường lực lượng, xây dựng Ðiện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh. Trước tình hình nêu trên, Khu ủy Tả ngạn, Khu ủy Liên khu 3 tổ chức Hội nghị xác định phương hướng tiếp tục tiến công địch. Khu ủy Liên khu 3 chủ trương: Phát triển thắng lợi và đẩy mạnh hoạt động chi viện phối hợp mặt trận Ðiện Biên Phủ, đồng thời phát động “Tháng hữu nghị Việt-Trung-Xô”.
Triển khai thực hiện chủ trương nêu trên, từ ngày 15/1/1954, phối hợp với đòn tiến công tuyến phòng thủ Sông Ðáy, bộ đội địa phương, dân quân du kích Liên khu 3 đẩy mạnh tiến công địch trên toàn địa bàn. Tại Hà Nam, Nam Ðịnh và Ninh Bình, Trung đoàn 46 cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích tiếp tục phục kích ca-nô, tàu chiến của địch trên sông Ðào, tổ chức đột kích thành phố Nam Ðịnh, chống càn tại các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Gia Khánh và Kim Sơn, gây cho địch nhiều thiệt hại. Cùng với đó, Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính các tỉnh: Nam Ðịnh, Ninh Bình và Hà Nam chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh đánh phá giao thông, góp phần căng kéo địch, đẩy chúng vào thế bị động đối phó.
Trên địa bàn Khu Tả ngạn, đêm ngày 31/1/1954, bộ đội địa phương tỉnh Kiến An tập kích sân bay Ðồ Sơn. Ngày 26/2/1954, Khu ủy Tả ngạn phát động đợt tiến công nhằm vào hệ thống vận chuyển chiến lược của địch, trọng điểm là trục đường số 5 và các tuyến đường sắt, sân bay, kho tàng của địch ở Ðồng bằng Bắc Bộ(1). Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi điện tuyên dương công trạng cán bộ, chiến sĩ tập kích sân bay Gia Lâm và sân bay Cát Bi(2).
Phía hữu ngạn, Ðại đoàn 320 và Trung đoàn 46 phối hợp bộ đội địa phương, dân quân du kích tỉnh Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình tiếp tục tiến công phần còn lại của phòng tuyến Sông Ðáy; làm cho những con đường giao thông từ thành phố Nam Ðịnh, thị xã Phủ Lý, Ninh Bình tỏa đi các hướng trở thành nỗi kinh hoàng đối với quân địch.
Trên các hướng ở Ðồng bằng châu thổ sông Hồng, phong trào đấu tranh chính trị và binh vận cũng phát triển rất mạnh. Trên địa bàn Khu Tả ngạn, trong ba tháng đầu năm 1954 đã có tới hơn 200 cuộc đấu tranh chống địch bắt lính…
Cùng với đó, quân và dân Ðồng bằng Bắc Bộ tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho mặt trận Tây Bắc-Ðiện Biên Phủ. Những tháng đầu năm 1954, gần một vạn thanh niên các tỉnh Ðồng bằng sông Hồng lên đường nhập ngũ bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội ở Ðiện Biên. Hàng vạn đồng bào các tỉnh đồng bằng Liên khu 3, Khu Tả ngạn tham gia dân công vận chuyển. Với tinh thần cả nước ra trận, Ðồng bằng Bắc Bộ đã cùng các chiến trường phối hợp kìm chân địch, tạo điều kiện cho Ðiện Biên Phủ giành thắng lợi. Ðiện Biên Phủ giành thắng lợi lớn tạo nên một cao trào tiến công mới trên khắp cả nước, trong đó có Ðồng bằng Bắc Bộ(3).
Những thành công trong phối hợp tác chiến với chiến dịch Ðiện Biên Phủ tiếp tục khẳng định vai trò trọng yếu của địa bàn Quân khu 3 (thuộc Ðồng bằng Bắc Bộ), là chiến trường ác liệt, đồng thời là hướng phối hợp, hậu phương lớn của các mặt trận. Qua nghiên cứu hoạt động phối hợp chiến đấu với chiến trường chính trong chiến cuộc Ðông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Quân khu 3 rút ra một số vấn đề chủ yếu như sau:
Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện sáng tạo đường lối quân sự của Ðảng, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với các hình thức đấu tranh khác: Trong phối hợp tác chiến với chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Liên khu 3, Khu Tả ngạn luôn quán triệt nghiêm đường lối quân sự của Ðảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của từng địa bàn, từng địa phương; phát động cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp, với nhiều hình thức chiến thuật.
Phát huy những thành công nêu trên, trong điều kiện hiện nay, lực lượng vũ trang Quân khu 3 tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về quân đội và chiến tranh cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, chủ trương, đường lối của Ðảng về quân sự, quốc phòng. Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu, vận dụng nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Hai là, xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, bảo đảm đủ khả năng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ: Trong phối hợp tác chiến với chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Liên khu 3, Khu Tả ngạn đã xây dựng được các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương mạnh, là nòng cốt trong chiến tranh nhân dân trên từng địa bàn; lực lượng dân quân du kích rộng rãi, không thoát ly sản xuất, thường xuyên tổ chức đánh địch tại chỗ gây cho chúng những tổn thất nặng nề.
Trong giai đoạn hiện nay, cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ. Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 3 tinh, gọn, mạnh, ưu tiên đơn vị sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ tuyến biên giới, biển, đảo.
Ba là, phát huy hiệu quả đặc điểm của địa bàn, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc và thế trận chiến tranh nhân dân đánh địch rộng khắp trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc: Ðồng bằng Bắc Bộ không chỉ là nơi cung cấp sức người, sức của mà còn là nơi diễn ra các trận chiến đấu ác liệt, trở thành mặt trận điển hình đánh vào vùng địch hậu, với nhiều hình thức chiến thuật sáng tạo. Trong chiến cuộc Ðông-Xuân 1953-1954, lực lượng vũ trang Liên khu 3, Khu Tả ngạn đã phối hợp hiệu quả với các lực lượng của Bộ đứng chân trên địa bàn tổ chức các trận đánh lớn; đồng thời phối hợp lực lượng vũ trang địa phương và dân quân du kích đánh địch rộng khắp, có trọng điểm, tiến hành giải phóng từng vùng, tiến lên giải phóng hoàn toàn.
Trong giai đoạn hiện nay, lực lượng vũ trang Quân khu 3 tích cực phối hợp các địa phương xây dựng khu vực phòng thủ như: Khảo sát lập quy hoạch xây dựng khu vực phòng thủ then chốt; xây dựng sở chỉ huy, các làng xã, điểm tựa, cụm điểm tựa liên hoàn vững chắc; gắn xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Chú trọng quy hoạch, xây dựng hệ thống kho, trạm, cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật; xây dựng đầy đủ quyết tâm, kế hoạch tác chiến phòng thủ phù hợp; tổ chức huấn luyện, luyện tập các phương án được xây dựng từ thời bình, không ngừng nâng cao trình độ cho các lực lượng trong khu vực phòng thủ… |
(1) Theo đó, đêm ngày 4/3/1954, lực lượng ta đột nhập sân bay Gia Lâm, đốt cháy 12 máy bay và 1 kho xăng. Ngày 7/3/1954, lực lượng vũ trang tỉnh Kiến An tập kích sân bay Cát Bi, sân bay quân sự quan trọng nhất của Pháp ở Bắc Ðông Dương, diệt 59 máy bay cùng nhiều kho tàng, phương tiện quân sự, cắt “cầu hàng không” lớn nhất của địch chi viện cho tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Chiến công này của quân và dân Ðường 5 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và tặng các danh hiệu cao quý. Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho đơn vị đánh sân bay Cát Bi. Ðây là 1 trong 2 đơn vị trong toàn lực lượng vũ trang được tặng danh hiệu này trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các chiến sĩ tham gia trận đánh được tặng danh hiệu “Dũng sĩ Cát Bi”.
(2) Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.985.
(3) Tiêu diệt hơn 40.000 tên địch; tiêu diệt, bức rút, bức hàng 250 vị trí; bắn rơi, phá hủy 82 máy bay; thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh. Xem thêm: Quân khu 3-Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1990, tr.476.
(Theo nhandan.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin