Thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều chính sách, chương trình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được các bộ, ngành, địa phương ban hành, triển khai đồng bộ, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội trong thực hiện quyền trẻ em. Qua đó, nâng cao nhận thức của toàn xã hội nhằm thực hiện tốt các mục tiêu hành động vì trẻ em. Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến trẻ em.
Cùng với cả nước, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các sở, ngành, địa phương đã phối hợp triển khai thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật dành cho trẻ em theo quy định. Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống phúc lợi xã hội, việc đầu tư các thiết chế văn hóa, vui chơi, giải trí vẫn chưa bao phủ rộng khắp, chưa đảm bảo cho trẻ em ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận một cách đầy đủ, thuận lợi. Bên cạnh đó, tình trạng xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em vẫn còn khá nhức nhối. Riêng đuối nước, trong vòng 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ liên quan đến trẻ em, trong đó có vụ làm 4 trẻ tử vong tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.
Điều đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục quan tâm và dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tháng hành động vì trẻ em năm nay chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” đang diễn ra rộng khắp với nhiều hoạt động thiết thực, đa dạng… cũng là thời gian cao điểm nhất để toàn xã hội thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm đối với trẻ em...
Phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2024 vừa diễn ra tại TP Bảo Lộc, thừa ủy quyền của lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Thị Thêu kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng hãy dành sự quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong đó, tăng cường quản lý nhà nước về công tác trẻ em; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em; tuân thủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, quan tâm bố trí, vận động các nguồn lực chăm sóc, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; quan tâm đầu tư, xây dựng, bố trí thêm các không gian vui chơi giải trí, thể dục, thể thao dành cho trẻ em...
Đồng thời, tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em bằng những hoạt động thiết thực, phù hợp với tình hình của từng địa phương, đơn vị. Thực hiện một “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền, đoàn thể trong quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh. Tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện; ưu tiên các hoạt động hướng dẫn, trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn cá nhân, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại và phòng, chống đuối nước nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin