(LĐ online) - Thời gian gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên tục đưa ra hàng loạt vấn đề, hiện tượng vô căn cứ, thiếu khách quan để rồi quy chụp bản chất Nhà nước Việt Nam không tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do internet bằng việc đưa ra các vụ việc tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Sử dụng thuật ngụy biện, đánh tráo khái niệm về bản chất của số đối tượng chống đối, phản động trong và ngoài nước, các tổ chức phản động để cố tình đánh lạc hướng người đọc, người nghe khiến họ lầm tưởng về mức độ tin cậy của cái gọi là “báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới”. Đây là việc làm không mới, song lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, nỗ lực của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người trong nước và cộng đồng quốc tế.
Trong nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên tục và bền bỉ ra sức công bố báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới, đặc biệt cơ quan này đã đưa ra nhiều chỉ trích với mức độ gay gắt và nghiêm trọng rằng Việt Nam không tôn trọng quyền tự do ngôn luận của “những nhà hoạt động chính trị”. Gần đây nhất, ngày 23/4/2024, trong báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2023, cơ quan này một lần nữa cáo buộc rằng Việt Nam “vi phạm” nhân quyền vì hạn chế nghiêm trọng quyền tự do biểu đạt và tự do internet của những “cá nhân hoạt động chính trị” của nhiều địa phương, trong đó có đề cập đến một số trường hợp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như Dương Tuấn Ngọc (Lâm Hà): Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử về tội “Làm, tàng trữ phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” 7 năm tù giam và 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.
Đây là lần thứ 48 liên tiếp mà cơ quan này đưa Việt Nam vào danh sách các nước “vi phạm” nhân quyền trong đó có “vi phạm” quyền tự do ngôn luận, tự do internet dựa trên hiểu biết hạn hẹp của Bộ Ngoại giao Mỹ và coi lợi ích của Mỹ trong việc theo đuổi chủ nghĩa bá quyền toàn cầu như một thước đo.
Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới năm 2023, tại phiên họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã đưa ra quan điểm sắc bén rằng: “Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam”.
Thật vậy, sau 25 năm hiện hữu tại Việt Nam, internet và mạng xã hội đã trở thành những phương tiện hữu ích không thể thiếu trong mọi lĩnh vực đời sống từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội. Tại Lâm Đồng, internet và hệ thống hạ tầng băng rộng, viễn thông được phủ sóng khắp 100% các huyện, thành phố và thôn, buôn; 131/142 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh, tỷ lệ phủ sóng 75% khu dân cư. Địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương và 1 đặc san, 9 cơ quan thường trú, văn phòng đại diện báo chí. Đặc biệt, với đặc điểm địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm 24% dân số toàn tỉnh), hàng tuần, đài phát thanh truyền hình tỉnh Lâm Đồng thường xuyên phát hành chuyên mục tiếng K’Ho và tiếng Churu. Sự phát triển của cổng dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc mua hàng trực tuyến, học online và khám chữa bệnh từ xa đang dần phổ biến. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 4674/QĐ-TTg ngày 25/4/2019 về tích hợp các chính sách cụ thể hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trong những năm qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan quan tâm, đào tạo nguồn nhận lực, cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp cận thông tin của nhân dân, đặc biệt là tại vùng đông bào dân tộc thiểu số. Hệ thống thông tin liên lạc thông qua mạng điện thoại di động được phủ sóng băng rộng 4G phục vụ nhu cầu liên lạc và tiếp cận thông tin của người dân. Mọi người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều có thể tự do bày tỏ, chia sẻ thông tin, quan điểm cá nhân, lối sống, trao đổi làm việc hoặc sáng tạo nội dung số tạo ra thu nhập thông qua internet, mạng xã hội không kể thời gian, không gian.
Với mục đích không ai bị bỏ lại phía sau, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng để thông tin đến tận các thôn buôn về chủ trương, chính sách của chính quyền các cấp trong việc đề nghị cấp căn cước công dân cho các hộ đồng bào người H’Mông di cư tự do tại một số huyện trên địa bàn tỉnh cũng như thông tin đầy đủ về việc tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện dự án hồ chứa nước Ta Hoét, tại huyện Đức Trọng. Đây là những minh chứng sống động mà chính quyền Lâm Đồng luôn tôn trọng và bảo vệ quyền con người như quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin của người dân. Phải thừa nhận rằng, tự do là quyền của con người, nhưng đó không phải là sự tự do vô lối, tùy tiện, mà phải được đặt trong tổng hòa các mối quan hệ đạo đức, xã hội, phải tuân theo những quy tắc ứng xử chung.
Sự phát triển mạnh mẽ của internet tại Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng chính là sự khẳng định chắc nịch và bác bỏ thẳng thắn những nhận xét vô căn cứ của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng Việt Nam không có tự do ngôn luận, không có tự do internet. Việc Bộ Ngoại giao Mỹ lu loa đưa ra những phán xét, cáo buộc vô lý về tình hình nhân quyền tại Việt Nam với những gam màu xám xịt cho thấy sự thiếu thiện chí của một đất nước nhân danh “nhân quyền” - vì sự phát triển của con người.
Có thể khẳng định, quan tâm tạo điều kiện thực hiện đảm bảo quyền con người trong đó có tự do ngôn luận, tự do internet, tự do tiếp cận thông tin đến từng người dân là mục tiêu xuyên suốt trong các chủ trương, chính sách, các chương trình hành động của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp tỉnh Lâm đồng thời gian qua. Và dĩ nhiên cái gọi là “báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới” hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ chính là hình thức mượn cớ đứng lên bảo vệ nhân quyền để lan truyền những thông tin sai lệch làm nhiễu loạn thông tin, kích động tư tưởng, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin