Phong trào thi đua yêu nước phải bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực

10:08, 27/08/2015

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước, từ đó phát triển thành cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta trong suốt 68 năm qua. Nhân dịp tỉnh Lâm Đồng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, soi lại "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" chúng ta lại càng thấm thía hơn những điều Bác dạy.

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước, từ đó phát triển thành cao trào cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta trong suốt 68 năm qua. Nhân dịp tỉnh Lâm Đồng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V, soi lại “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” chúng ta lại càng thấm thía hơn những điều Bác dạy.
 
Lời kêu gọi được Bác viết một cách cụ thể, ngắn gọn, xúc tích nhưng hàm chứa đầy đủ những vấn đề cốt yếu về mục đích, phương pháp tổ chức, phương châm và kết quả của phong trào thi đua yêu nước cần hướng tới. Đọc lại “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chúng ta càng nhận thức sâu sắc rằng, thi đua không được nói suông, hô hào khẩu hiệu chung chung; mà phải bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, lấy việc nêu gương, tôn vinh những con người, những tập thể tiêu biểu, điển hình tiên tiến, xuất sắc làm chính. Mỗi khi làm được như vậy, phong trào thi đua sẽ quy tụ, động viên được mọi đối tượng tham gia “…bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”, mỗi người “trở nên một chiến sĩ”, đúng như điều Bác mong muốn. 
 
Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, ngay từ đầu các phong trào thi đua yêu nước đã được cả nước tích cực hưởng ứng; phong trào phát triển rộng khắp, thu hút đồng bào và chiến sĩ hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm để chống giặc đói, học tập xóa nạn mù chữ để chống giặc dốt và anh dũng chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đáp  lời kêu gọi thiêng liêng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chủ tịch, cả dân tộc Việt Nam đã sôi sục chống Mỹ, cứu nước; các phong trào thi đua yêu nước diễn ra sôi nổi. Ở miền Bắc xuất hiện các phong trào tiêu biểu như: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”...; xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu như: “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Cờ Ba Nhất” trong quân đội, “Tiếng trống Bắc Lý” trong giáo dục... Cùng với miền Bắc, đồng bào miền Nam đã thi đua đánh giặc, giành nhiều thắng lợi trên các mặt trận chính trị, quân sự; xuất hiện nhiều tấm gương các anh hùng, dũng sĩ, qua đó, cùng với nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vẻ vang trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, giành trọn vẹn độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
 
Từ 1975 đến nay, nhất là trong gần 30 năm đổi mới, phong trào thi đua tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực; tiêu biểu như các phong trào chung: Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiên tai, hoạn nạn, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội… và phong trào tiêu biểu của các ngành, lĩnh vực… Qua đó, góp phần phát huy chủ nghĩa yêu nước trong thời kỳ mới, thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế của Việt Nam trên thế giới ngày càng được nâng lên. Các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân được tôn vinh và nhân rộng, tạo sức lan tỏa cái đẹp - hành động tích cực; đẩy lùi những xấu xa, tiêu cực trong cuộc sống, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt từ khi Quốc hội ban hành Luật Thi đua - khen thưởng năm 2003, sửa đổi bổ sung năm 2005, hệ thống văn bản hướng dẫn về công tác thi đua - khen thưởng ngày càng được hoàn chỉnh; công tác thi đua - khen thưởng ngày càng đi vào nề nếp, tạo điều kiện tích cực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. 
 
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, công tác thi đua, khen thưởng có nơi, có lúc vẫn còn nhiều bất cập cần phải sớm khắc phục. Nhiều phong trào thi đua chưa đi vào thực chất, hiệu quả thấp nên chưa động viên được mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lập thành tích cao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hình thức và nội dung thi đua, khen thưởng còn chậm đổi mới, thiếu sáng tạo, nhiều khi mang tính hình thức tượng trưng, áp đặt từ trên xuống, kiểu “đánh trống, bỏ dùi”, “có phát, mà không có động”; nhận thức về thi đua, khen thưởng còn chưa sâu sắc, đúng đắn; việc đánh giá, bình xét chưa công bằng, chính xác; khen thưởng chưa kịp thời, còn tràn lan, cào bằng; quan niệm về khen thưởng, khuyến khích tinh thần và vật chất chưa đúng đắn, còn tồn tại các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong việc suy tôn, bình xét khen thưởng; thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà… Chính những yếu kém, bất cập đã làm giảm ý nghĩa và vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội... 
 
Để khắc phục một số bất cập, yếu kém, nâng cao vị thế và vai trò của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới, bên cạnh việc quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Luật Thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn, chúng ta cần quán triệt và thấm nhuần tư tưởng của Bác về phong trào thi đua yêu nước: “Mục đích thi đua… là: Sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm... Phải làm cho mọi người đều hiểu rõ thi đua là ích nước lợi nhà, thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, tr525).
 
Thiết nghĩ, các phong trào thi đua yêu nước là rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt trong hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước và sự gắn kết của xã hội, đoàn kết dân tộc... Do đó, các cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân cần quan tâm đưa các phong trào thi đua đi vào thực chất, thiết thực góp phần xây dựng đất nước ta theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
 
BAN BIÊN TẬP