Tư tưởng đại đoàn kết trong thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (tiếp theo và hết)

08:04, 19/04/2016

Tấm lòng của Bác đã truyền thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin cho đồng bào Tây Nguyên và đồng bào Tây Nguyên đã đáp lại ân tình của Bác bằng niềm tin yêu son sắt, lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc.

[links()] II. Những tiếng nói tâm huyết
 
Tham dự Hội thảo khoa học đã có 14 báo cáo khoa học và một số ý kiến thảo luận xung quanh các vấn đề trọng tâm: Làm rõ bối cảnh ra đời bức thư, mục đích tổ chức Đại hội; vị trí chiến lược của Tây Nguyên, Pleiku thời điểm 1946 và ý nghĩa của việc Trung ương Đảng chỉ đạo tổ chức Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku. Sức lan tỏa của nội dung bức thư. Tư tưởng đoàn kết các dân tộc qua nội dung bức thư. Ý nghĩa, giá trị trường tồn về tư tưởng đại đoàn kết trong nội dung thư qua 70 năm và vận dụng vào giai đoạn phát triển hiện nay.
 
Công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được khánh thành vào ngày 9/2/2012, đặt tại Quảng trường mang tên Đại đoàn kết, TP. Pleiku, Gia Lai
Công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được khánh thành vào ngày 9/2/2012,
đặt tại Quảng trường mang tên Đại đoàn kết, TP. Pleiku, Gia Lai

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Vân (GĐ. Bảo tàng Gia Lai): Thư Bác mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ chấm dứt chiến tranh giữa các buôn làng, các tộc người khác nhau, sát cánh cùng nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên những thắng lợi vĩ đại... Ông Ksor Phước - Nguyên UVTW Đảng, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc của Quốc hội cũng nhất trí: Bác Hồ đánh giá rất cao vai trò của các thủ lĩnh người DTTS trên Tây Nguyên. Đại hội là sự kiện tập hợp các thủ lĩnh đoàn kết lại. Thư Bác Hồ gửi Đại hội là việc làm hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Học tập tư tưởng của Bác, ngày nay cần tiếp tục phát huy nội dung bình đẳng về chính trị, luật pháp và bình đẳng trong tham chính...
 
Theo ông Ngô Thành - Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai: Sau khi học thư Bác, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã nhận thức thư Bác Hồ là bản “Cương lĩnh” của cách mạng, của Đảng và Chính phủ đối với DTTS. Nhân dân Tây Nguyên kính phục Bác Hồ là người tài giỏi, sánh Bác với các siêu nhân trong trường ca, trong truyện thần thoại của các dân tộc Tây Nguyên. Người Jrai gọi Bác là “Ama Yang” (người Thánh); ca ngợi tài năng của Bác “Khinh htai rơgơi đut klah” (dũng cảm, tài giỏi, phi thường). Nhân dân luôn cầu mong cho Bác: “Vah Kyang, ban gơi adai, brơi ơi hdip nao nao” (Khấn Yang, cầu trời, Bác Hồ được sống mãi). 
 
Theo Phó Trưởng Ban Thường trực - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng: “Bác Hồ đã có 1.707 tài liệu sử dụng cụm từ “đoàn kết”, “đại đoàn kết” (trong đó, “đoàn kết”: 1.654 tài liệu, “đại đoàn kết”: 53 tài liệu... Người từng viết: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng muốn cho toàn dân quay về một hướng nhằm mục đích đánh đổ đế quốc phong kiến, làm cho nước nhà độc lập thống nhất thì phải đoàn kết lực lượng tất cả các dân tộc”... Trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển của Tây Nguyên, ông Trần Việt Hùng kiến nghị: cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên chủ động, tích cực thực hiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo ở từng địa phương; chỉ đạo giải quyết mang tính “đột phá” những vấn đề bức xúc về KT-XH vùng đồng bào DTTS (nhất là đất đai, nhà ở, việc làm, xóa đói nghèo, nhận thức về tôn giáo...). Quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở những địa bàn trọng điểm, khó khăn; chăm lo xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy sức mạnh và nội lực của quần chúng nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo vệ an ninh Tổ quốc. 
 
Đặc biệt, báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã nhấn mạnh: Sau các sự kiện bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên năm 2001 và năm 2004 do bọn phản động Fulro gây ra, Đảng bộ tỉnh càng thấm thía bài học bám đất, bám dân, bám cơ sở và đã có chủ trương, biện pháp đúng đắn. Đổi mới công tác tư tưởng, công tác dân vận, Đảng bộ chủ trương tăng cường cán bộ về cơ sở theo phương châm ba bám “tỉnh bám xã, huyện bám thôn, làng và xã bám hộ dân”, cùng đồng bào tăng gia sản xuất, chống mọi âm mưu, hành động phá hoại của địch, giữ vững tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc”... Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp hiện tập trung hướng mạnh về cơ sở, chống tư tưởng chủ quan mất cảnh giác, quan liêu xa rời quần chúng...
 
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - UVTW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam xác định: Sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước nói chung, của vùng Tây Nguyên và từng tộc người ở đây nói riêng đều chịu sự tác động của vấn đề quan hệ dân tộc và khối đại đoàn kết dân tộc. Điều đó được thể hiện: Mối quan hệ tộc người tốt đẹp và khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc luôn tạo ra sự ổn định, hợp tác, bình đẳng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện để các dân tộc đoàn kết chặt chẽ trong cộng đồng quốc gia thống nhất, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
 
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang đánh giá: Hội thảo đã làm sáng tỏ bối cảnh ra đời của thư Bác Hồ gửi Đại hội với nội dung đoàn kết dân tộc trên cơ sở lý luận và thực tiễn; khái quát kết quả thực hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc từ 1975 đến nay và những vấn đề đặt ra trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; góp phần nâng cao nhận thức, sáng tỏ nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn. Hội thảo rất có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Tỉnh ủy Gia Lai trong việc đánh giá, tham mưu cho Trung ương đưa ra các quyết sách đầu tư phát triển Tây Nguyên hợp lý, có hiệu quả... Để phát huy tư tưởng đại đoàn kết trong thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (năm 1946), các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng sẽ tiếp tục làm tốt, làm đầy đủ theo nội dung đại đoàn kết trong thư của Bác. Giai đoạn hiện nay, vấn đề đặt ra là phải giải quyết tốt vấn đề dân tộc và tôn giáo, vấn đề tham chính, đất đai, giảm nghèo; đồng thời chú trọng xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, phát huy bản sắc văn hóa các tộc người trên Tây Nguyên.
 
ĐAN THANH (lược ghi)