Từ năm 2002 đến nay, Học viện Lục quân Đà Lạt được Bộ Quốc phòng đầu tư một số dự án về cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả rất tích cực trong việc phục vụ công tác chỉ huy, quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học...
Từ năm 2002 đến nay, Học viện Lục quân Đà Lạt được Bộ Quốc phòng đầu tư một số dự án về cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả rất tích cực trong việc phục vụ công tác chỉ huy, quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, để xây dựng Học viện hiện nay thành Học viện thông minh trong tương lai với điều kiện hiện có là chưa đủ, mà cần phải tiếp tục được đầu tư xây dựng trên cơ sở vận dụng, ứng dụng các thành tựu tiên tiến của CMCN 4.0 và sự tham gia tích cực, đầy đủ các thành phần như chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng; các hoạt động kết nối nhà trường đa chiều và đa cấp, linh hoạt; có cơ chế liên kết phối hợp cụ thể từ quản trị, đầu tư đến vận hành và thụ hưởng. Xây dựng Học viện Lục quân thành một Nhà trường thông minh (NTTM) có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống nhà trường Quân đội nói chung, cũng như sự phát triển các nhà trường, trường đại học thông minh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Dưới đây là một số giải pháp chủ yếu trong việc định hướng và thiết lập những bước đi cụ thể cho lộ trình trở thành NTTM của Học viện Lục quân.
|
Khai trương Trang Thông tin điện tử Học viện Lục quân tháng 12/2018 |
Một là, xác định đúng đắn mục tiêu xây dựng Học viện thông minh
Mục tiêu dài hạn là mục tiêu tổng thể phải đạt được của cả lộ trình triển khai nghiên cứu, xây dựng đến khi hoàn thành đưa vào vận hành sử dụng “Nhà trường thông minh” của Học viện. Đó là, xây dựng đầy đủ các thành tố của một NTTM, bao gồm: Quản trị thông minh (Smart Manage); Sư phạm thông minh (Smart Pedagogy); Giảng dạy thông minh (Smart Teaching); Phân tích học tập dựa trên dữ liệu lớn (Big Education Data); Môi trường học tập thông minh (Smart Learning Environment); E-Learning thông minh (Smart E-Learning); Thư viện thông minh (Smart Library).
Để thực hiện được mục tiêu dài hạn nêu trên, Học viện đã xác định các mục tiêu cụ thể theo các giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2025 khi được đầu tư, đó là:
Giai đoạn 2019 - 2020, gồm hai mục tiêu:
Xây dựng hệ thống quản trị thông minh phục vụ công tác chỉ huy - quản lý, nhằm tiếp nhận, khai thác và xử lý các thông tin của các cấp.
Xây dựng môi trường học tập thông minh: Cơ sở hạ tầng thông minh, khuôn viên thông minh (Smart Campus); Lớp học thông minh (Smart Class); Phòng học thông minh (Smart Classroom); Nguồn tài nguyên, học liệu phong phú và trực tuyến...
Giai đoạn từ 2021 - 2025, xây dựng, hoàn thiện đầy đủ các thành tố còn lại, bao gồm:
Xây dựng sư phạm thông minh, giảng dạy thông minh: Giảng viên trong NTTM không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần (Teacher) mà còn đảm nhận nhiều vai trò mới như: huấn luyện viên (Coach), người hướng dẫn (Mentor)… có thể cố vấn, thiết kế, khơi gợi sự sáng tạo của người học, tạo môi trường học tập thông minh; người dạy phải trau dồi kiến thức chuyên môn, nhiều kỹ năng mới như: kỹ năng tích hợp công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) trong giảng dạy, xây dựng bài giảng, kho dữ liệu học tập…
Xây dựng thư viện thông minh: Nguồn tài nguyên thông tin, học liệu; cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, không gian kích thích sáng tạo... Trong đó, tài nguyên thông tin, học liệu là cốt lõi của thư viện thông minh.
Hai là, thống nhất và nâng cao nhận thức của các thành phần tham gia xây dựng Học viện thông minh
Trên cơ sở xác định các mục tiêu trên cần thống nhất và nâng cao nhận thức của các thành phần tham gia xây dựng Học viện thông minh. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi vì mục tiêu đúng đắn nhưng nhận thức của các thành phần tham gia không nhận thức đầy đủ thì rất khó có thể thực hiện được. Vì vậy, thống nhất, nâng cao nhận thức của các thành phần tham gia xây dựng Học viện thông minh là rất quan trọng và cần thiết, đó là:
Thống nhất và nhận thức đầy đủ về xu hướng phát triển NTTM: Công nghệ thông tin và truyền thông đã có những bước phát triển vượt bậc về năng lực thu thập dữ liệu, lưu trữ, truyền dẫn, tính toán... với chi phí giảm nhanh, đặc biệt là xu hướng phổ biến của thiết bị di động cá nhân thông minh (smartphone, wearables), điện toán đám mây, Internet vạn vật (Internet of things), xử lý dữ liệu lớn và các mạng xã hội. Công nghệ thông tin (CNTT) càng ngày càng đóng một vai trò quan trọng như là một giải pháp giải quyết các áp lực ngày càng lớn trong quản lý và cung cấp dịch vụ cho nhà trường, giảm thiểu tác động xấu của các ngành công nghiệp lên môi trường đào tạo qua các giải pháp quản trị thông minh... Đã có nhiều nhà trường trên thế giới đã và đang xây dựng NTTM. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển của xã hội loài người.
Cùng với đó, thống nhất nhận thức về tình hình phát triển giáo dục - đào tạo của đất nước ta gắn với cuộc CMCN 4.0. Hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo đang triển khai xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035. Với tầm nhìn đến năm 2035, hệ thống GDĐH của Việt Nam phải có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia. Năm trụ cột chính của chiến lược dự kiến là: (1) Tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị đại học; (2) Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH; (3) Tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và nghiên cứu khoa học; (4) Bảo đảm tài chính bền vững cho GDĐH; (5) Tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.
Trên cơ sở nhận thức trên, để thống nhất và nhận thức rõ về ý nghĩa tầm quan trọng xây dụng Học viện Lục quân trở thành một NTTM. Học viện Lục quân là một trung tâm đào tạo cán bộ quân sự cấp trung, sư đoàn; quân binh chủng, ngành và chỉ huy quân sự huyện, tỉnh; đào tạo sau đại học của Quân đội ta. Việc xây dựng, triển khai “Dự án đầu tư xây dựng NTTM tại Học viện Lục quân” là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Quân đội hiện nay. Xây dựng Học viện thông minh sẽ thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển CNTT trên mọi phương diện trong một tổng thể thống nhất, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo, góp phần hiện đại hóa, xây dựng Quân đội ta ngày càng vững mạnh đáp ứng tốt mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quá trình xây dựng Học viện trở thành NTTM phải đồng bộ, trong đó lựa chọn hướng tiếp cận ứng dụng CNTT để xây dựng thành công “hệ thống chỉ huy điều hành điện tử” làm nội dung trọng tâm cùng với ứng dụng CNTT vào một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến dạy - học, nghiên cứu khoa học,... nhằm tạo ra những thay đổi tích cực phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm của Học viện.
|
Duyệt đội hình trong Lễ khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: L.H.Túc |
Ba là, xây dựng Học viện thông minh phải kế thừa cơ sở hạ tầng đã có, đầu tư có trọng điểm, bảo đảm sự phát triển lâu dài; gắn sát và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ, chức năng của Học viện Lục quân
Xét cho cùng xây dựng Học viện Lục quân thông minh phải góp phần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của Học viện, làm cho các khâu, các bước trong quá trình quản lý, chỉ huy, điều hành, tham mưu, giảng dạy, học tập của cán bộ, chỉ huy, giảng viên, học viên, nhân viên của Học viện trở nên thông minh, hiệu quả. Đồng thời, xây dựng NTTM của Bộ Quốc phòng nói chung, Học viện Lục quân nói riêng phải kế thừa cơ sở hạ tầng đã có, đầu tư có trọng điểm, bảo đảm sự phát triển lâu dài, nhằm phát huy cao, tiết kiệm, hiệu quả nhất nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Với hạ tầng cơ sở hiện có, bao gồm: hệ thống CNTT, hệ thống giảng đường phòng học, ứng dụng CNTT, hệ thống đào tạo trực tuyến, trung tâm học liệu (thư viện); cần rà soát, đánh giá toàn diện về chất lượng, số lượng để so sánh, đối chiếu với các tiêu chí, tiêu chuẩn trong từng thành tố của NTTM, từ đó có kế hoạch đầu tư xây dựng hợp lý.
Tựu trung lại, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ tư, việc triển khai dự án “Xây dựng nhà trường thông minh đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là hết sức cần thiết, phù hợp quy luật phát triển khách quan trong thời đại hiện nay.
TRUNG TƯỚNG, PGS.TS HOÀNG VĂN MINH (Giám đốc Học viện Lục quân)