10 năm qua, cả nước thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp đã đạt những kết quả tích cực, tạo sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp.
10 năm qua, cả nước thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp đã đạt những kết quả tích cực, tạo sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp.
Trước hết, nhận thức của các cấp, các ngành về xây dựng QHLĐ nâng lên, pháp luật về lao động và QHLĐ trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện và cụ thể hóa các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn lao động và QHLĐ. Tiếp theo, công tác quản lý nhà nước về lao động được củng cố và phát triển. Hoạt động của tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện người sử dụng lao động có sự đổi mới, từng bước đi vào thực chất, tích cực phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên trong QHLĐ; số lượng tranh chấp lao động tập thể, đình công trong doanh nghiệp giảm rõ rệt. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình QHLĐ trong các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần sớm giải quyết. Đó là: Nhiều nơi, chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, nhất là về bảo hiểm, tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Tranh chấp lao động tập thể, đình công, khiếu kiện không theo trình tự thủ tục pháp lý còn phát sinh và diễn biến phức tạp. Đối thoại, thương lượng giữa đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động vẫn còn hình thức, chưa thực chất. Một bộ phận công đoàn tại doanh nghiệp năng lực đối thoại, thương lượng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động còn hạn chế. Quản lý nhà nước về lao động, vai trò hỗ trợ phát triển về QHLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc thể chế hóa, triển khai thực hiện một số nội dung QHLĐ theo các cam kết quốc tế chưa đầy đủ. Đời sống một bộ phận người lao động còn khó khăn, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động.
Để tiếp tục xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị 37-CT/TW, ngày 3/9/2019 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu. Đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về QHLĐ, chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật về QHLĐ và tăng cường quản lý nhà nước về QHLĐ, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng QHLĐ; Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong QHLĐ; Thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể.
Đối với nhiệm vụ giải quyết tốt tranh chấp lao động và đình công, cần tăng cường rà soát, kiện toàn, nâng cao hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, bảo đảm các tranh chấp lao động phải được giải quyết kịp thời, đúng trình tự quy định của pháp luật; phát huy vai trò của thiết chế hòa giải, trọng tài lao động trong hỗ trợ phát triển QHLĐ, ngăn ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động. Nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo pháp luật, giải quyết hài hòa lợi ích các bên. Thí điểm mô hình giải quyết tranh chấp lao động với việc bố trí một số hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động chuyên trách... Việc giải quyết tranh chấp lao động, đình công phải bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự xã hội, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng, lôi kéo, kích động, ép buộc người lao động gây rối an ninh, trật tự.
LAN HỒ