Với phương châm "Vượt qua thách thức, tạo động lực, đột phá, phấn đấu hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X",...
Với phương châm “Vượt qua thách thức, tạo động lực, đột phá, phấn đấu hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X”, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 23 vừa qua đánh giá: Trong năm 2019, kinh tế Lâm Đồng tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,5%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, 16/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (trong đó, 5 chỉ tiêu vượt là: GRDP bình quân đầu người, tổng thu ngân sách trên địa bàn, khách du lịch, tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế và số bác sĩ/vạn dân, số huyện đạt chuẩn nông thôn mới)... Góp phần vào sự chuyển dịch kinh tế trong tỉnh có vai trò quan trọng của lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, hoạt động doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Năm qua, Lâm Đồng tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác giữa người sản xuất và doanh nghiệp; giữa các hộ nông dân nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, ổn định giá cả nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Tỉnh chú trọng triển khai hỗ trợ, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất và thực hiện các dịch vụ cho hộ nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 3 liên hiệp hợp tác xã, 324 hợp tác xã, 300 tổ hợp tác, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; có 952 trang trại (sản xuất trồng trọt 373, chăn nuôi 534, thủy sản, sản xuất tổng hợp 42 trang trại), trong đó 225 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Đối với hoạt động doanh nghiệp, tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Do đó, có tác động tích cực, nhiều doanh nghiệp và người dân mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Tình hình sản xuất kinh doanh khởi sắc, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng so với cùng kỳ. Vừa qua, có 1.130 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn tăng 12% so cùng kỳ. Dự kiến đến cuối tháng 12/2019, Lâm Đồng có 8.980 doanh nghiệp, tăng 951 doanh nghiệp so với năm 2018... Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư được chú trọng. Trong năm có 29 dự án được cấp mới, với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 4.276 tỷ đồng, quy mô diện tích gần 328 ha; tuy giảm 15 dự án nhưng số vốn đầu tư tăng 1.054,6 tỷ đồng (tăng 32,7%), quy mô diện tích 111 ha...
Đáp ứng cho các hoạt động kinh tế phát triển, các ngành tài chính, thuế và các địa phương có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác quản lý. Các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Số dư nguồn vốn huy động ước đạt 55.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay khách hàng ước 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm...
Tuy đạt một số kết quả cơ bản, quan trọng, song nhìn chung việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đáp ứng yêu cầu; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ không đạt kế hoạch...
Nhằm tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong phát triển kinh tế nói chung và trong lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, hoạt động doanh nghiệp và thu hút đầu tư nói riêng, năm 2020, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu tổng quát: Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2019; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh thực hiện các công trình trọng điểm... Theo đó, Lâm Đồng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới; tăng cường công khai, minh bạch và cung cấp đầy đủ kịp thời thông tin về chính sách, pháp luật và môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tìm hiểu, đầu tư vào địa phương. Thúc đẩy mạnh mẽ sáng tạo, khởi nghiệp. Chú trọng thu hút nhà đầu tư chiến lược; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa. Phấn đấu đến hết năm 2020, có 10.000 doanh nghiệp. Khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trong các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã.
LAN HỒ