90 năm qua, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực, nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
90 năm qua, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực, nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng xác định công - nông - trí là động lực cách mạng, đồng thời ra sức mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt thành phần giai cấp, miễn là có tinh thần yêu nước chống đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc. Khi chuyển sang thời kỳ xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, cùng với liên minh công - nông - trí đã nảy sinh mối quan hệ hợp tác giữa công nhân, nông dân, trí thức với doanh nhân. Mô hình “bốn nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) ngày càng được thực hiện một cách hài hòa, có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường. Lực lượng doanh nhân đã và đang đóng vai trò tích cực vào phát triển đất nước, kinh tế tư nhân trở thành một lực lượng nòng cốt (cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể) để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của Nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XII xác định: “lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc”. Đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân”. Do đó, các chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp xã hội phải được quan tâm toàn diện từ giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức đến đội ngũ doanh nhân.
Cùng với chăm lo lợi ích giai cấp công - nông, đối với đội ngũ trí thức, Đại hội XII đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo”. Theo đó, phải trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Đặc biệt, xuất phát từ nhận thức: Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế, Đại hội XII đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao”. Thực tế chứng minh, những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhờ đó, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Thời gian tới, cần tiếp tục phát huy tiềm năng và vai trò tích cực, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân. Có cơ chế, chính sách bảo đảm quyền lợi của đội ngũ doanh nhân. Tôn vinh những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước...
Nhằm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của các tầng lớp nhân dân; một vấn đề cấp thiết đặt ra là “Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc” đối với các giai tầng, tầng lớp xã hội; trong đó chú trọng phát huy vai trò, vị thế, khả năng đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức và doanh nhân.
LAN HỒ