(LĐ online) - Từ nửa sau thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản phương tây đẩy mạnh việc khai thác và xâm chiếm thuộc địa tìm kiếm thị trường, nguyên liệu và nhân công ở các nước Châu á, Phi, khu vực Mĩ la tinh nhằm đáp ứng cho sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước tư bản trong giai đoạn chuyển sang độc quyền sản xuất...
(LĐ online) - Từ nửa sau thế kỉ XIX, chủ nghĩa tư bản phương tây đẩy mạnh việc khai thác và xâm chiếm thuộc địa tìm kiếm thị trường, nguyên liệu và nhân công ở các nước Châu á, Phi, khu vực Mĩ la tinh nhằm đáp ứng cho sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước tư bản trong giai đoạn chuyển sang độc quyền sản xuất. Ở Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, tăng cường khai thác bóc lột triệt để nền kinh tế nước ta. Cuộc khai thác thuộc địa này đã làm cho cơ cấu kinh tế, xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa du nhập vào Việt Nam đan xen với quan hệ sản xuất phong kiến vốn đã tồn tại nhiều thế kỉ. Cùng với đó, xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi đó là sự ra đời của lực lượng xã hội mới như công nhân, tư sản, tiểu tư sản với những hệ tư tưởng mới, tư tưởng dân chủ tư sản.Chính vì thế, ở Việt Nam lúc này xuất hiện khuynh hướng cứu nước mới theo tư tưởng dân chủ tư sản mà đại diện là hai chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Với chủ trương vận động quần chúng tranh thủ sự giúp đỡ của nước ngoài (Nhật bản), tổ chức bạo động đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, xây dựng chế độ chính trị Quân chủ lập hiến bằng hình thức bạo động vũ trang Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ. Nhà Chí sĩ Phan Châu Trinh chủ trương: Giương cao ngọn cờ dân chủ, cải cách xã hội, chủ trương cứu nước bằng phương pháp nâng cao dân trí, dân quyền. Vạch trần chế độ vua quan phong kiến thối nát, đòi Pháp sửa đổi chính sách cai trị thuộc địa, mở mang công thương nghiệp và tự cường “cứu dân để cứu nước” bằng hình thức cải cách dân chủ. Con đường cứu nước của hai nho sĩ yêu nước tuy có khác nhau về hình thức đấu tranh nhưng đều gặp nhau ở điểm chung nhất là cứu dân cứu nước khỏi ách nô dịch của thực dân Pháp và hướng đến độc lập tự do cho dân tộc. Mặc dù được đông đảo quần chúng nhân dân ủng hộ mạnh mẽ, nhưng các phong trào đấu tranh của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh và của các nhà nho yêu nước cùng thời khác đều đi đến thất bại. Sự thất bại của các phong trào đấu tranh trên chứng tỏ con đường cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với xu thế lịch sử, con đường tìm kiếm độc lập tự do cho dân tộc đòi hỏi phải có một bước đi mới, một con đường mới và biện pháp đấu tranh mới, tất cả những nhiệm vụ này như một sứ mệnh lịch sử đặt lên vai người con vĩ đại của dân tộc và lịch sử đã chọn Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Lớn lên giữa lúc nước mất nhà tan, đau xót trước cảnh lầm than của đồng bào. Nguyễn Tất Thành sớm có ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Rất khâm phục tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh nhưng Người không tán đồng con đường cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản, Người đã nhìn thấy sự hạn chế của con đường này và đi tìm con đường cứu nước mới. Con đường đó là gì, ở thời điểm đó (trước năm 1911) người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chưa hình dung một cách rõ nét nhưng nó phải khác với những con đường mà dân tộc đã trải qua, mong muốn tìm được độc lập tự do thật sự cho đất nước.
Ngày 5/6/1911. Nguyễn Tất Thành rời đất nước ra đi tìm đường cứu nước. Người chọn châu Âu, nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, và là nôi của các cuộc cách mạng tư sản. Chính từ nơi bắt đầu của dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái đấy đã thôi thúc Người tìm đến để xem các nước làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Người từng nói: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Hành trang mang theo con người yêu nước ấy không gì ngoài hơn một tấm lòng yêu nước vô bờ bến và khát khao về một con đường mang lại độclập tự do cho dân tộc, khát khao ấy là tư tưởng xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người sau này. Cuộc hành trình gần một thập kỉ đã đưa người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến nhiều vùng đất thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ... Những chuyến đi đã giúp Người có cơ hội được quan sát, nhận biết sâu sắc diện mạo của thế giới tư bản chủ nghĩa, đặc biệt khi cuộc cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ và dành thắng lợi đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của người về một cuộc cách mạng vô sản, Người bắt đầu hiểu rằng chỉ có một cuộc cách mạng vô sản mới đem lại độc lập tự do cho đất nước, chính vì vậy, khi đọc được “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lênin, Người hồi tưởng: “Khi ấy ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang đứng trước đông đảo quần chúng: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”. Việc tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc là bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, từ nhiệt huyết của lòng yêu nước đi tìm con đường dẫn đến độc lập tự do cho đất nước Người đã trở thành một chiến sĩ cộng sản suất sắc cống hiến trọn đời cho nền độc lập tự do của dân tộc.
Bằng việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh của dân tộc bằng chân lý Độc lập tự do. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng mang tầm chân lý, một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là quyền dân tộc, quyền con người, là ngọn nguồn của mọi dân tộc trên con đường đi tới phồn vinh và hạnh phúc. Mục đích của tất cả các dân tộc trên thế giới đều hướng đến sự phát triển, đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh, nhân dân ấm no, hạnh phúc nhưng để có được tất cả điều đó phải có độc lập, tự do. Có độc lập, tự do thì có tất cả. Độc lập, tự do của dân tộc; quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc trong một đất nước độc lập, tự do là vô cùng quý giá và thiêng liêng, không thể xâm phạm.
Lịch sử Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh để dành độc lập tự do. Chân lý ấy là khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam và cũng chính là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Đồng thời, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì cuộc sống và hạnh phúc của mình. Với tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do” chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho chân lý về độc lập tự do mang tầm giá trị sâu sắc, nó là động lực là sức mạnh để nhân dân ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, chiến đấu hết mình vì một nền độc lập tự do, vì sự tồn tại và phát triển của đất nước.
Trong thời đại ngày nay, độc lập tự do không chỉ là độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là hạnh phúc của nhân dân; nó không chỉ được thể hiện trong đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược, mà còn thể hiện sâu đậm trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc chính là hiểu về chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”, chúng ta hiểu rằng, dù độc lập tự do và bình đẳng là những quyền chính đáng của mỗi dân tộc nhưng nhất thiết những quyền ấy phải được bảo vệ, giữ gìn bằng sức mạnh tổng hợp của chính dân tộc đó. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập tự do, cho dù lịch sử có biến thiên đến đâu thì độc lập tự do vẫn mãi mãi là mục tiêu “bất biến” của dân tộc Việt Nam. Không có gì quý hơn độc lập tự do - chân lý mang tên Hồ Chí Minh và mang tên thời đại.
HÀ NGÂN