(LĐ online) - Chiều 23/5, các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc xoay quanh việc góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng...
(LĐ online) - Chiều 23/5, các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc xoay quanh việc góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Chương trình dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
|
ĐBQH Nguyễn Tạo góp ý cho Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng |
Tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng có ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Khóa XIV đơn vị Lâm Đồng, ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, ĐBQH K’Nhiễu, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Các đại biểu đã tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Đa số ý kiến ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như Dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị xem xét, điều chỉnh lại tên gọi của Dự thảo Luật cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị sửa đổi phạm vi điều chỉnh là hoạt động xây dựng để bao quát hơn; cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, sửa đổi toàn diện Luật bao gồm cả những vấn đề như thanh tra xây dựng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH)...; làm rõ trách nhiệm pháp lý của từng chủ thể trong từng công đoạn của hoạt động đầu tư xây dựng.
Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch… và các dự án luật đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Có ý kiến ĐBQH đề nghị rà soát, loại bỏ các quy định về sửa đổi Điều 25 vì nội dung này đã được quy định trong Luật Quy hoạch đô thị và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch. Một số ý kiến ĐBQH đề nghị cần có giải pháp hạn chế quy hoạch “treo”; cần cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trong các khu đất có quy hoạch chậm triển khai để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Một số ý kiến ĐBQH cho rằng thủ tục thẩm định còn phức tạp, kéo dài, đề nghị liên thông, đồng bộ hóa các luật có liên quan về cùng một nội dung thẩm định, cấp giấy phép; quy định rõ nội dung, trách nhiệm các chủ thể trong hoạt động thẩm định.
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị cần cải cách thủ tục hành chính đối với quy trình thẩm định cấp giấy phép xây dựng, đặc biệt là các công trình nhà ở riêng lẻ. Cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương trong việc cấp giấy phép xây dựng. Đề nghị làm rõ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Cũng theo báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã được sửa đổi việc tích hợp một số nội dung thẩm định thiết kế xây dựng được xem xét đồng thời trong bước cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng phải thực hiện cả hai thủ tục này. Đồng thời, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thuận tiện, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, tất cả các công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng thì không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng (Điểm g, Khoản 2, Điều 89). Các trường hợp không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng, điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn đã được quy định rõ hơn tại Điều 89 và Điều 94 của Dự thảo Luật. Hiện nay, việc cấp giấy phép xây dựng tất cả các công trình xây dựng đều đã được phân cấp cho địa phương.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) nêu kiến góp ý: “Về cơ bản, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung nhiều ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng góp ý đối với Dự thảo Luật. Tuy nhiên, còn một số ý kiến góp ý đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm xem xét: Về tên gọi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng theo báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì luật này sửa đổi bổ sung hơn 60 điều và cấu trúc của các điều khoản trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều so với cấu trúc của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã ban hành thì rất khó nhận diện, tiếp thu, chỉnh sửa, áp dụng khi thực hiện. Do đó, đề nghị đổi tên thành Luật Xây dựng (sửa đổi) thay bố cục cấu trúc mới để dễ nhận diện, áp dụng và thực hiện. Về thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng, Ban soan thảo đã sử dụng khái niệm mang tính định tính như “có quy mô lớn hoặc có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng” là khó xác định như thế nào là quy mô lớn và như thế nào là có ảnh hưởng lớn. Do đó đề nghị cần lượng hóa thành quy định cụ thể trong luật để có cơ sở thực hiện”.
ĐBQH Nguyễn Tạo cho rằng: Trong luật có quy định về việc “cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến, thẩm duyệt công trình xây dựng và thành hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng” Tuy nhiên, chưa quy định “trách nhiệm, quyền lợi của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý, thẩm duyệt và hội đồng thẩm định". Đề nghị bổ sung quy định điều trên trong luật này nhằm nâng trách nhiệm, quyền lợi của cơ quan, tổ chức cá nhân để tăng hiệu quả và chất lượng công việc. Hiện nay, một số mô hình công trình trong đô thị trên thế giới đang hình thành phát triển và kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đề xuất một số mô hình như là “mô hình đô thị sinh thái; mô hình làng đô thị xanh; mô hình công trình sinh thái; mô hình công trình kinh doanh sản xuất - dịch vụ - du lịch và mô hình nhà ở gắn liền với đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong đô thị”. Các mô hình này hiện đang được áp dụng tạo ra nhiều không gian xanh trong đô thị, môi trường thân thiện gần gủi thiên nhiên hơn, tác động trực tiếp hàng ngày đến không gian sống của con người trong đô thị tốt hơn như là ảnh hưởng đến môi trường không khí, sức khỏe, tâm sinh lý, môi trường làm việc, an ninh… Tuy nhiên, hiện nay các mô hình trên chưa có quy định trong các luật hiện hành. Do đó, qua đợt điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung của luật này, tôi đề nghị Quốc hội quan tâm, xem xét, nghiên cứu bổ sung các quy định về các mô hình nêu trên để nâng cao chất lượng môi trường sống của cộng đồng tốt hơn; đồng thời, bắt kịp với xu hướng phát triển mô hình sinh thái của thế giới và góp phần cải thiện biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu và chỉnh lý, bổ sung, hoàn chỉnh Dự thảo trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới.
NGUYỆT THU