Đạ PLoa thực hiện thắng lợi nghị quyết chuyên đề

04:12, 29/12/2020

Trở lại Đạ Ploa (huyện Đạ Huoai) trong những ngày cuối năm 2020 chúng tôi cảm nhận được sự "thay da đổi thịt" của một xã vùng sâu, vùng xa vốn rất khó khăn của 5-7 năm về trước...

Trở lại Đạ Ploa (huyện Đạ Huoai) trong những ngày cuối năm 2020 chúng tôi cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của một xã vùng sâu, vùng xa vốn rất khó khăn của 5-7 năm về trước. Giờ đây, đường sá giao thông, cơ sở hạ tầng được Đảng, Nhà nước đầu tư và Nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng, điện, đường, trường, trạm… đã hiện đại, khang trang hơn rất nhiều. 
 
Đạ PLoa đã có nhiều đổi thay từ khi xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Đạ PLoa đã có nhiều đổi thay từ khi xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
 
Xa xa, màu xanh ngút ngàn của rẫy sầu riêng ghép năng suất cao, của điều ghép chất lượng cao, măng cụt, chôm chôm… phủ lên toàn xã một màu trù phú, ấm no…
 
Bí thư Đảng ủy xã Đạ Ploa K’Minh phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: 5 năm gần đây, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, đặc biệt là việc ban hành kịp thời Nghị quyết số 03 ngày 16/12/2015 của Huyện ủy về “Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích và thu nhập của người dân giai đoạn 2016 - 2020”, nên trong những năm qua, việc thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã đã thu được kết quả đáng khích lệ. Điều đó khẳng định việc triển khai Nghị quyết 03 là hoàn toàn đúng đắn. Qua đó, từng bước hình thành và phát triển loại cây trồng chủ lực của địa phương một cách bền vững. Thay thế dần các loại cây trồng kém hiệu quả, tạo thành vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành và đi vào hoạt động một số mô hình kinh tế sản xuất có hiệu quả như: sầu riêng ghép chất lượng cao ở Nam Trịa - Thôn 2; trồng cỏ nuôi bò ở Thôn 5; mô hình điều ghép phát triển đồng đều trải rộng trong 5 thôn của xã, hình thành tổ hợp tác VietGAP… Ước tính đến hết năm 2020, giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha diện tích đất canh tác nông nghiệp đạt 60 triệu đồng, tăng 36,2 triệu đồng/ha/năm so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 43,3 triệu đồng/người/năm, trong đó năm 2015 chỉ đạt 18,7 triệu đồng/người/năm. Điều đó cho thấy sự “đột phá” mạnh mẽ trong phát triển kinh tế nông nghiệp, mà cốt lõi là sự định hướng, chỉ đạo, ban hành nghị quyết phù hợp, sát thực tiễn ở địa phương. 
 
Sau 5 năm thực hiện nghị quyết, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, nhận thức của người dân được nâng lên và đồng thuận thực hiện chuyển đổi được 552 ha diện tích cây trồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi được 480 ha. Đồng thời, chuyển dịch theo hướng giảm diện tích cây công nghiệp dài ngày (cao su, ca cao…) tăng diện tích cây ăn trái, tăng mạnh nhất là sầu riêng. Đến nay diện tích sầu riêng đạt 366 ha, cho sản lượng bình quân 115 tạ/ha, ước năm 2020 sản lượng toàn xã đạt trên 2.500 tấn. Song song với việc chuyển đổi cây trồng tăng năng suất thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được huyện, xã rất quan tâm. Đến nay, đã tổ chức trên 50 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật mới với gần 2 ngàn lượt người tham gia. Ngoài ra, cây điều là cây chủ lực của địa phương vẫn được duy trì với diện tích trên 1.600 ha. Đặc biệt, đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) sầu riêng cùng sở thích với 27 thành viên, CLB sầu riêng kiến thiết cơ bản với trên 40 thành viên tham gia. Thành lập tổ hợp tác nông nghiệp và hỗ trợ vật tư nông nghiệp. Kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn cho bà con cách tạo tán, tỉa cành, bón phân hợp lý cho cây điều năng suất chất lượng cao, hạt điều ngon, to, đều và chất lượng hơn, được thị trường ưa chuộng… 
 
Việc ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã được nông dân chú trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến đã được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình thâm canh cây điều, trồng sầu riêng ghép, mô hình trồng xen cây chè dưới tán điều, mô hình tưới tiết kiệm… đã được xây dựng và đang phát huy hiệu quả về sử dụng tài nguyên, chống xói mòn, hiệu quả kinh tế nâng lên. Nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao từ 200 triệu đồng trở lên. Nhờ vậy, đời sống Nhân dân ngày một khá hơn, hộ nghèo chỉ còn 0,94%, nhiều hộ giàu và là điển hình sản xuất giỏi của huyện, tỉnh. 
 
Như vậy, có thể khẳng định, chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Đạ Ploa đã có những chuyển biến tích cực và theo đúng định hướng của nghị quyết đề ra. Việc ban hành và thực hiện nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, ứng dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đã tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần làm thay đổi đáng kể đời sống kinh tế - xã hội cho xã vùng sâu, vùng xa.
 
Giai đoạn 2020 - 2025, xã Đạ PLoa phấn đấu xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững theo cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ. Thực hiện thành công Đề án “Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho Nhân dân, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp”. Khuyến khích phát triển bền vững các mô hình trồng cây chủ lực của xã. Vận động Nhân dân thành lập CLB sản xuất sầu riêng chất lượng cao theo quy trình VietGAP, xây dựng và quản lý tốt thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai. “Phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với mục tiêu thu nhập bình quân đầu người của xã bằng mặt bằng chung của huyện (67 triệu đồng/người/năm). Đồng thời, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 11 - 12%, giá trị sản xuất bình quân đạt 125 triệu đồng/ha canh tác” - đồng chí K’Minh chia sẻ.
 
Tin rằng, với quyết tâm cao và nghị quyết sát, trúng thực tế, với hệ thống chính trị cơ sở mạnh mẽ, nguồn lao động dồi dào,cộng thêm điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao chính là điều kiện lý tưởng để Đạ PLoa phát triển ngành nông nghiệp bền vững trong tương lai.
 
NGUYỆT THU