Dấu ấn một nhiệm kỳ Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng

06:03, 26/03/2021

Đi qua một nhiệm kỳ nhiều thách thức, khó khăn nhưng nhìn lại trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng khóa XIV đã để lại dấu ấn đối với cử tri và Nhân dân trong tỉnh....

Đi qua một nhiệm kỳ nhiều thách thức, khó khăn nhưng nhìn lại trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng khóa XIV đã để lại dấu ấn đối với cử tri và Nhân dân trong tỉnh. Các ĐBQH của Đoàn tham gia những hoạt động của Quốc hội theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng với niềm tin của cử tri.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp tặng hoa ghi nhận, biểu dương những thành quả quan trọng của Đoàn ĐBQH khóa XIV góp phần chung vào phát triển KT-XH địa phương
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp tặng hoa ghi nhận, biểu dương những thành quả quan trọng của Đoàn ĐBQH khóa XIV góp phần chung vào phát triển KT-XH địa phương
 
Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Lâm Đồng có 6 đại biểu, trong đó có 3 đại biểu ở Trung ương: Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và chuyển sinh hoạt Đoàn ĐBQH đến tỉnh Hải Dương từ tháng 6/2020); ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) (trước đó là Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật); và 3 đại biểu địa phương gồm ông Đoàn Văn Việt, Trưởng Đoàn ĐBQH; ông Nguyễn Tạo, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; ông K’Nhiễu, Phó Chánh Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
 
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tổng cộng 142 cuộc hội thảo, hội nghị. Chú trọng tiếp xúc cử tri theo chuyên đề góp ý xây dựng luật và đã tổ chức hơn 30 buổi tiếp xúc chuyên đề với các nhóm cử tri như nông dân, công nhân, doanh nhân, nhà giáo, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các hiệp hội… để góp ý các dự án luật chuyên ngành đã mang lại hiệu quả, sát thực tiễn, phù hợp từng nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách.
 
Trong hoạt động xây dựng luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã hình thành Tổ tư vấn chính sách và pháp luật của Đoàn, tập hợp đội ngũ thành viên, các chuyên gia có năng lực và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về các lĩnh vực, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của các thành viên, chuyên gia, tổ chức hợp lý các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến và việc đề nghị viết bài góp ý đối với từng dự án luật. Nhiều ý kiến của các thành viên, các chuyên gia có chất lượng, mang tính thực tiễn cao, nhiều thông tin liên quan trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đã giúp cho Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH của Đoàn lựa chọn phát biểu tại các phiên thảo luận dự án luật ở tổ và tại hội trường. Nhiều ý kiến đã được UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban soạn thảo dự án luật tiếp thu, chỉnh lý, góp phần hoàn thiện các dự án luật.
 
Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Đoàn ĐBQH đã tổ chức các đoàn khảo sát để giải quyết những vấn đề mà cử tri, ĐBQH quan tâm như tình hình di cư tự do tại huyện Đam Rông; tình hình quản lý di sản văn hóa tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và Ga Đà Lạt; công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; khảo sát về việc xử lý chất thải công nghiệp của Tổ hợp bauxit-nhôm Lâm Đồng tại Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng; phối hợp với UBMTTQ tỉnh khảo sát xử lý chất thải rắn trong sản xuất nông nghiệp, y tế và sinh hoạt; khảo sát, học tập kinh nghiệm mô hình, cơ chế xử lý chất thải rắn tại đô thị góp phần vào việc bảo vệ môi trường bền vững… 
 
Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã có những đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giám sát, khảo sát. Phối hợp với ĐBQH các tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận tổ chức khảo sát tuyến Quốc lộ 28 và 28B. Qua khảo sát cho thấy thực trạng nhiều đoạn trên tuyến Quốc lộ 28 và 28B đi qua 3 tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắk Nông đã xuống cấp trầm trọng, cử tri các địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng các tuyến đường này vẫn chưa được xem xét đầu tư nâng cấp. Đây là cách thức phối hợp tổ chức giám sát, khảo sát mới tạo hiệu ứng tích cực, có tiếng nói mạnh mẽ. Kiến nghị của Đoàn ĐBQH 3 tỉnh đã được Bộ GTVT kịp thời xem xét, trả lời và Chính phủ dự kiến trình Quốc hội đưa vào các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
 
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV Nguyễn Tạo tâm đắc: Qua theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc làm việc chuyên đề với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết kiến nghị của cử tri Lâm Đồng về phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ và đầu tư hệ thống thủy lợi, các hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu và ứng phó với biến đổi khí hậu (các hồ chứa nước Đông Thanh, Ta Hoét, Ka Zam). Về các kiến nghị của bà con nông dân sản xuất dâu tằm tơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Phát triển chăn nuôi tằm bền vững để tháo gỡ những khó khăn cho nông dân, doanh nghiệp, tổ chức trồng dâu nuôi tằm (tháng 3/2020 tại Đà Lạt)... Về cơ bản, các kiến nghị sau giám sát được các cơ quan chịu giám sát và các cơ quan hữu quan đồng tình, đánh giá cao.
 
Từ thực tiễn hoạt động nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng gặp những khó khăn như trong nhiệm kỳ có 6 đại biểu (thiếu 1 đại biểu khi bầu cử), đến tháng 7/2020 chỉ còn 5 đại biểu do có đại biểu được điều động nhận nhiệm vụ mới và chuyển sinh hoạt đến tỉnh khác đã có ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức hoạt động của Đoàn như giám sát, tiếp xúc cử tri... 
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn cũng có đánh giá, ghi nhận vấn đề này: “Có thể khẳng định, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng và Văn phòng Đoàn ĐBQH đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và các Nghị quyết của Quốc hội để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, tổ chức các hội thảo góp ý luật với sự đóng góp chất lượng của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật, các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, mang tính thực tiễn cao, góp phần hoàn thiện các dự án luật. Đoàn cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giám sát, chọn những vấn đề bức xúc, có trọng tâm để thực hiện giám sát, từ đó có kiến nghị xác đáng, được Chính phủ, bộ, ngành trung ương và các cơ quan chức năng địa phương xem xét, giải quyết, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
 
Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tổng cộng hơn 227 buổi tiếp xúc cử tri tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh với hơn 20.000 lượt cử tri tham dự. Tổng cộng có gần 2.000 lượt cử tri tham gia phát biểu ý kiến, kiến nghị. Ngoài các ý kiến, kiến nghị được đại diện chính quyền các địa phương trực tiếp giải trình, trả lời cho cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp thành 526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và gần 100 chất vấn (trong đó có 342 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương; 184 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương). Các kiến nghị của cử tri, chất vấn từ các ĐBQH của Đoàn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc xem xét, giải quyết, trả lời. Có những nội dung được các bộ, ngành vào khảo sát trực tiếp để đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, góp phần giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn của địa phương như tháo gỡ vướng mắc đối với các công trình liên quan đến chính sách đóng cửa rừng; các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do; vốn đầu tư công trung hạn; giải quyết các kiến nghị về đường giao thông; các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam; chính sách đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dâu tằm tơ; nhập khẩu giống hoa; đầu tư các công trình thủy lợi;…
 
Nhiều nội dung thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội đảm bảo chất lượng. Nội dung ý kiến góp ý thể hiện với tinh thần trách nhiệm cao, gắn liền với thực tiễn cuộc sống của ĐBQH được UBTVQH, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, góp phần vào thành công của các kỳ họp.
 
Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt nhận định: Các ĐBQH đã phát huy vai trò, trách nhiệm người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia hoạt động của Đoàn ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội mà đại biểu là thành viên; giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, phát hiện các vấn đề bức xúc trong thực tiễn để đề xuất kiến nghị; thực hiện quyền chất vấn trên tinh thần đoàn kết, thẳng thắn, mang tính xây dựng. ĐBQH chuyên trách của Đoàn đã khẳng định rõ vai trò nòng cốt trong các hoạt động của Đoàn ĐBQH, thành viên tích cực và trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đánh giá có nhiều đóng góp cho hoạt động của Quốc hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
NGUYỆT THU