Giải pháp sống chung an toàn với dịch Covid-19

06:11, 17/11/2021

(LĐ online) - Chiều 17/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 toàn tỉnh. 

(LĐ online) - Chiều 17/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 toàn tỉnh. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kết luận tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp kết luận tại hội nghị
 
CÁC ĐỊA PHƯƠNG TẬP TRUNG CHỐNG DỊCH
 
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định tình hình dịch phức tạp, tiên lượng sẽ phức tạp trong thời gian tới, vì vậy, ý thức người dân và công tác điều hành chỉ đạo của tỉnh là yếu tố tiên quyết. 
 
Cụ thể, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 2/7 tại huyện Đạ Tẻh, đến ngày 15/10, toàn tỉnh ghi nhận 403 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (trung bình mỗi tháng ghi nhận khoảng 115 trường hợp); tỉnh Lâm Đồng thuộc Khu vực nguy cơ trung bình (vùng vàng) với Covid-19; trong đó, có 1 huyện và 1 thành phố thuộc vùng vàng.
 
Từ khi triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đến ngày 17/11, chỉ hơn 1 tháng, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.447 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tăng thêm 1.044 trường hợp; tỉnh Lâm Đồng thuộc Khu vực nguy cơ trung bình (vùng vàng) với Covid-19 và có huyện Đạ Tẻh thuộc khu vực nguy cơ cao (vùng cam); 10 huyện, thành phố thuộc khu vực nguy trung bình (vùng vàng) và huyện Cát Tiên thuộc khu vực bình thường mới (vùng xanh).
 
Nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, lan rộng trên địa bàn tỉnh chủ yếu do người dân từ các tỉnh, thành phố vùng dịch đến Lâm Đồng làm phát tán mầm bệnh.
 
Vì vậy, hội nghị này nhằm lắng nghe ý kiến từ các địa phương, sở, ngành đề xuất và Chủ tịch UBND tỉnh sẽ kết luận xong thực hiện ngay không chờ văn bản tỉnh.
 
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận phân tích: Tính sau ngày 15/10 đến 17/11 (33 ngày) đã có 1.044 trường hợp mắc Covid-19, trong đó, có 420 trường hợp mắc Covid-19 đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 chiếm 40,2%; còn lại là 350 đã tiêm 1 mũi, 274 chưa tiêm vắc xin. Phân tích nguồn lây bệnh trong tổng số mắc trên địa bàn tỉnh, có 269 trường hợp mắc Covid-19 là người đi về từ các tỉnh, thành phố phía Nam trong số 42.163 trường hợp đi về Lâm Đồng. Qua truy vết, tới nay Lâm Đồng có 298 chùm ca bệnh mới, với 5.840 trường hợp F1 và 13.890 trường hợp F2. Số ca F0 mắc mới tăng 762 %, truy vết các trường hợp F1 tăng 401% và F2 tăng 293,5%, chùm ca mới tăng 562,2%.
 
Về tiêm vắc xin, phấn đấu trong tháng 11 năm 2021 đảm bảo tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19. Ngành y tế đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh; công tác điều trị, ô xy và phân tầng điều trị. 
 
 Sở Y tế đề xuất biện pháp triển khai trong thời gian tới tiếp tục thực hiện Nghị Quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các văn bản của tỉnh. Đề nghị UBND các huyện, thành phố xem xét và phê duyệt kế hoạch triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động trên địa bàn; triển khai hướng dẫn của Sở Y tế về việc hướng dẫn cách ly y tế tại nhà đối với trường hợp tiếp xúc gần F1 và việc thành lập Trạm Y tế lưu động.
 
Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Đạ Tẻh cho biết tình hình dịch cơ bản đã được kiểm soát. 
 
Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng báo cáo tình hình dịch diễn biến phức tạp, với khó khăn hiện nay là số F0 tương đối nhiều đề nghị kích hoạt Bệnh viện dã chiến đóng trên địa bàn. Về cách ly F1 tại nhà khó khăn do thực tế các gia đình nông thôn phần lớn chỉ có 1 nhà vệ sinh, không đảm bảo theo theo yêu cầu hướng dẫn của Sở Y tế, đề nghị Sở Y tế nghiên cứu cho tiêu chí này. Huyện tiếp tục tập trung chống dịch theo tinh thần giảm tối thiểu việc lây lan trong cộng đồng.
 
Ông Dương Đức Đại - Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Tình hình diễn biến dịch tại địa bàn huyện căng thẳng, số ca bệnh mỗi ngày 2 con số. Khó khăn là việc thu dung F0, lực lượng y tế mỏng không đáp ứng được trước tình hình diễn biến dịch quá nhanh. Song song với phòng chống dịch bệnh là phòng chống thiên tai rất vất vả. Nguy cơ dịch rình rập, không chủ động được, không như trước đây. 
 
Ông Tôn Thiện San - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết: TP Đà Lạt có hơn 26.000 người cách ly y tế và 16.000 du khách đến nên nguy cơ lớn cho Đà Lạt hiện nay. Mặc dù số lượng F0 tăng nhưng cơ bản Đà Lạt quản lý được do sự vào cuộc của chính quyền, y tế, tổ Covid-19 cộng đồng. Đà Lạt triển khai bước chuẩn bị cách ly F1 tại nhà. Qua phân tích, Đà Lạt có 382 F0; trong đó, số F1 chuyển thành F0 là 159 ca (chiếm 41,6%). Như vậy, F1 có nguy cơ lây nhiễm rất cao, chính vì vậy, việc cách ly F1 tại nhà nếu quản lý không chặt thì nguy cơ lây nhiễm cao. TP Đà Lạt quán triệt các phường, xã quản lý chặt chẽ việc cách ly F1 tại nhà; đối với trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì có 2 phương án cách ly tập trung (thu phí và không thu phí); sử dụng 1.000 camera công cộng của thành phố giám sát, theo dõi và vấn đề rất quan trọng là ý thức F1 chấp hành nghiêm các quy định về cách ly tại nhà. TP Đà Lạt cũng chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung cho các tài xế khi có nhu cầu ở lại. UBND TP Đà Lạt kiến nghị: Hiện, các cơ sở lưu trú đã đảm bảo đón khách theo quy định, kiến nghị tỉnh cho phép những khách sạn có điều kiện sẽ tổ chức tập huấn cho nhân viên khách sạn tự lấy mẫu test nhanh SARS-CoV-2.
 
Lãnh đạo huyện Đạ Huoai có kiến nghị, đề xuất về chế độ cho lực lượng làm việc tại khu điều trị F0 không triệu chứng và trạm y tế lưu động, đề nghị ngành y tế chủ động trang bị vật tư y tế cho địa phương…
 
Giám đốc Sở Y tế tỉnh trả lời một số vấn đề theo đề xuất, kiến nghị của các địa phương: Nếu không đảm bảo cách ly F1 tại nhà thì không cho F1 cách ly tại nhà vì sự lây lan dịch nên vẫn phải cách ly tập trung. Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh cho phép ngành y tế mua tất cả hóa chất, vật tư làm xét nghiệm RT-PCR tại chỗ cho các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh. Thực hiện theo văn bản Bộ Y tế khi có kết quả test nhanh dương tính là truy vết ngay; bệnh nhân test nhanh dương tính đưa vào khu điều trị F0 có phòng cách ly riêng. Cho phép từng cá nhân có thể tự làm xét nghiệm, y tế kiểm tra lại và y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật ban đầu và phân loại rác. Trạm Y tế lưu động sẽ hình thành khi Trạm Y tế đang thực hiện vượt khả năng, khi F0 nhiều thì kích hoạt ngay, còn vị trí đặt Trạm Y tế lưu động không thể đòi hỏi như Trạm Y tế thông thường nhưng cần có nơi để sử dụng về thuốc, vật tư, nhân lực… 
 
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận báo cáo tình hình ca bệnh tăng cao và một số giải pháp mới
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận báo cáo tình hình ca bệnh tăng cao và một số giải pháp mới
 
KHÔNG ĐỂ BỆNH NHÂN CHUYỂN NẶNG, TỬ VONG DO COVID-19 VÀ KHÔNG KỲ THỊ DU KHÁCH
 
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp nhấn mạnh: Tỉnh quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sức đề kháng đối với Covid-19 nhất là trong tình hình hiện nay đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
 
Một số nội dung tập trung thực hiện trong thời gian tới: Tiếp tục tạm dừng một số hoạt động như vũ trường, quán Bar, chợ đêm, karaoke, massage, rạp chiếu phim, internet, trò chơi điện tử.
 
Xem xét, quy định thời gian hạn chế ra đường từ 22 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau cho tới khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định.
 
Tổ chức cách ly y tế tại nhà các đối tượng F1 đủ điều kiện theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19. Tăng cường giám sát và các trường hợp không đảm bảo thì vẫn cách ly tập trung.
 
Các sở, ngành, địa phương yêu cầu các tổ chức cá nhân đến liên hệ công tác phải tiêm đủ số mũi vắc xin và xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn quy định. Hạn chế tối đa tiếp xúc; mỗi người tự tập test nhanh, ai cũng tự làm được và cho phép bán kinh doanh bộ kit, test này theo quy định, dần dần hình thành thói quen người dân tự test nhanh Covid-19. 
 
Tiếp tục thực hiện rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Trước hết, chúng ta khẳng định không kỳ thị nhưng phải xét nghiệm SARS-CoV-2, thống nhất các cơ sở lưu trú tự làm test dưới sự giám sát của y tế địa phương. Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh nhất là những người về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4… để tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp, xử lý kịp thời; phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi cách ly y tế.
 
Tăng cường thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động người dân từ khu vực có dịch hạn chế đến, về tỉnh Lâm Đồng khi không cần thiết; khi đến, về tỉnh Lâm Đồng từ các khu vực Cấp 2, Cấp 3 tự nguyện làm xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ; người dân đến, về tỉnh Lâm Đồng từ các khu vực Cấp 4 phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực khi đi qua chốt kiểm dịch; chủ động khai báo với chính quyền, y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
 
Sở Y tế tăng cường hướng dẫn cụ thể, chi tiết về phòng chống dịch cho các địa phương. Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, có yếu tố mang tính dự phòng, chuẩn bị khoa học, chủ động để khi xảy ra có dịch thì kích hoạt, không đột ngột, đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng ô xy, trang thiết bị… giao Sở Y tế chủ động điều hành cho kịp thời. 
 
Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng (đảm bảo thuốc uống, thuốc tiêm) hạn chế chuyển biến nặng và hạn chế tử vong mức thấp nhất, trường hợp chuyển biến nặng tổ chức hội chẩn bất kể nửa đêm. Chuẩn bị từng bước áp dụng điều trị F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại nhà; đồng thời, có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn để đáp ứng khi dịch xảy ra trên diện rộng.
 
Kích hoạt Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đóng tại huyện Đức Trọng để tiến hành thu dung, điều trị bệnh nhân các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông.
 
Các thành viên Ban Chỉ đạo aphòng chống dịch Covid-19 tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Trung tâm Hành chính tỉnh
Các thành viên Ban Chỉ đạo aphòng chống dịch Covid-19 tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Trung tâm Hành chính tỉnh
 
Tại TP Đà Lạt tổ chức Trung tâm Điều dưỡng người có công thành nơi thu dung điều trị F0 nhẹ.
 
In tờ rơi, hướng dẫn người dân, giáo viên cách tự làm xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên; đồng thời, chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc cung cấp test nhanh kháng nguyên để người dân có nhu cầu mua và tự tiến hành xét nghiệm tại nhà.
 
Công an tỉnh là lực lượng chủ đạo cùng các địa phương bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an ninh mạng, nhất là tại cơ sở và tại các địa bàn, khu vực cách ly y tế; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tình trạng chống lại lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch Covid-19; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách phòng, chống dịch, các trường hợp không chấp hành cách ly tại nhà làm lây lan dịch bệnh cho người khác.
 
Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý xây dựng các phương án phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả; chú ý, bố trí các phòng, các khu riêng biệt để kịp thời cách ly F0 (nếu có); phối hợp với Sở Y tế, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh tự thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên; kịp thời phát hiện F0 để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
 
Tăng cường tuyên truyền tạo đồng thuận, niềm tin xã hội; thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chống dịch; hướng dẫn các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nâng cao nhận thức của người dân trong tình hình mới; tuyên truyền để người dân tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà theo hướng dẫn của ngành Y tế. Tuyên truyền để mỗi người dân biết cách tự chăm sóc bản thân và gia đình khi trong nhà có trường hợp F1 đang cách ly tại nhà theo quyết định của UBND các huyện, thành phố và hướng dẫn của ngành y tế. Xử phạt nghiêm các trường hợp đưa thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 không đúng sự thật gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
 
UBND các huyện, thành phố: Rà soát kế hoạch điều trị Covid-19 tại địa phương theo nguyên tắc 4 tại chỗ; chủ động cân đối kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; đảm bảo giường bệnh điều trị tầng 1 từ 100 - 200 giường bệnh mỗi huyện, thành phố và các điều kiện cần thiết để đảm bảo hoạt động của các Cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được giao quản lý đáp ứng các tình huống dịch trong tình hình mới.
 
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, hàng ngày, đánh giá và cập nhật cấp độ dịch tại địa bàn quản lý; chủ động thực hiện điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng, chống dịch theo cấp độ dịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Kiểm tra, giám sát, quản lý việc thực việc cách ly tại nhà theo đúng quy định; tuyệt đối không để F1 cách ly tại nhà đi ra ngoài, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
 
Sở Giáo dục Đào tạo nghiên cứu cho học sinh đến trường, đề nghị phải có kế hoạch. Sở Tài chính tham mưu cho tỉnh về chế độ cho cán bộ tham gia trong phòng chống dịch, chế độ cho trạm y tế lưu động, tổ Covid-19 cộng đồng, phải văn bản hóa cụ thể. 
 
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện nghiêm văn bản của tỉnh, tuyên truyền trong ngành không được kỳ thị khách du lịch, phải tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về thực hiện 5K và đảm bảo phát triển du lịch. 
 
AN NHIÊN