(LĐ online) - Chiều 24/1, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Bà Phạm Phước An - Phó Vụ trưởng Vụ địa phương 2, Ủy ban Dân tộc và đại diện lãnh đạo các sở ngành, địa phương đã tham dự hội nghị.
|
Các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác dân tộc năm 2021 nhận quà tết của Ủy ban Dân tộc và giấy khen của Ban Dân tộc tỉnh. |
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, năm 2021 Lâm Đồng tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Ngành dân tộc nói riêng và các ngành, địa phương nói chung phối hợp thực hiện linh hoạt, có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòngchống đại dịch Covid-19, vừa thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đã có 22.350 hộ nghèo, cận nghèo, hộ người DTTS bị ảnh hưởng dịch bệnh được hỗ trợ với số tiền trên 33 tỷ đồng. Tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS được giữ vững. Hiện, toàn tỉnh có 139/142 thiết chế văn hóa xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 97,88%; trong đó, có 100% xã đồng bào DTTS có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 100%. Có 1.321/1.376 thôn, buôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 96%.
Năm 2021, các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án liên quan đến vùng đồng bào DTTS đã được triển khai đầy đủ. Đơn cử như bố trí kinh phí trên 2,7 tỷ đồng thực hiện các chính sách người có uy tín trong đồng bào DTTS, các địa phương được phân bổ kinh phí trên 14,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 6.298 học sinh, sinh viên…
Việc đầu tư các dự án bố trí dân cư giúp ổn định dân cư, đầu tư, nâng cao các cơ cơ sở thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, hồ chứa nước, giếng khoan cấp nước sinh hoạt… được thực hiện, góp phần giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, truyền thông; đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS chưa thật sự bền vững, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19; trình độ canh tác còn thấp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết từ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa phát triển. Tiêu chí, định mức phân bổ đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc chưa được ban hành, nguồn vốn thực hiện chương trình chưa được phân bổ. Nguồn vốn phân bổ cho các dự án ổn định dân di cư tư do chưa đủ, còn chậm so với kế hoạch đã được phê duyệt, ảnh hưởng đến tiến độ và tính hiệu quả; mặt khác, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa phát huy hết hiệu quả (tập trung là các hộ vùng đồng bào DTTS). Nhu cầu nguồn vốn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS của địa phương lớn, tuy vậy tỉnh chưa cân đối được nguồn kinh phí để bố trí cho các dự án, do đó, việc triển khai các nội dung, chính sách dân tộc còn khó khăn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những khó khăn đặt ra trong thực tiễn triển khai công tác dân tộc tại địa phương. Bà Phạm Thị Phước An cũng đã giải đáp những kiến nghị của các địa phương về công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc xác định các nhiệm vụ cụ thể năm 2022: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận trong phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025 sát thực tế, phù hợp với điều kiện của địa phương. Phối hợp tốt với các ngành, địa phương để làm tốt công tác dân tộc trên địa bàn. Giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy các hoạt động về lĩnh vực văn hoá - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc… và phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS.
Dịp này, Ban Dân tộc tỉnh đã tặng 149 giấy khen cho người uy tín trong vùng đồng bào DTTS vì đã có thành tích tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự năm 2021 tại địa phương.
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin