Đạ Tẻh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ môi trường

05:09, 26/09/2022
Quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng để huyện Đạ Tẻh hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu về cảnh quan môi trường nông thôn vào năm 2025.
 
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, cảnh quan, môi trường ở Đạ Tẻh ngày càng xanh - sạch - đẹp
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, cảnh quan, môi trường ở Đạ Tẻh ngày càng xanh - sạch - đẹp
 
Huyện Đạ Tẻh xác định mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về bảo vệ môi trường; chủ động giám sát, kiểm soát công tác quản lý môi trường, ngăn ngừa và hạn chế tối đa mức độ gia tăng ô nhiễm; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình, cá nhân.
 
Trên cơ sở mục tiêu chung đó, địa phương xác định các mục tiêu cụ thể, tập trung vào hai nội dung chính: Nâng cao công tác quản lý, ưu tiên biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Tiếp tục quan tâm nâng cấp hạ tầng kỹ thuật góp phần đảm bảo điều kiện vệ sinh, cảnh quan môi trường và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của huyện Đạ Tẻh.
 
Huyện Đạ Tẻh phấn đấu đến năm 2025, có 100% cán bộ, công chức, đảng viên được phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương về bảo vệ môi trường. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt chuẩn về môi trường đạt 95%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 63%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 100%; kiểm soát không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đúng quy định tại nông thôn đạt 60%, đô thị đạt trên 95%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định đạt 85%. Tỷ lệ hộ dân vùng đô thị sử dụng nước sạch đạt 80% trở lên; tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 95%.
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, hiện nay, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đều xác định việc đảm bảo, nâng cao chất lượng môi trường là nhiệm vụ cần tập trung trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện thường xuyên, lâu dài; đồng thời, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.
 
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và đưa công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng trở thành chỉ tiêu đánh giá thi đua của cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động hàng năm và là một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
 
Nhằm tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ môi trường, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Hàng tháng, trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ ở các tổ chức cơ sở đảng cần gắn với đánh giá, kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả tổ chức thực hiện. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tăng cường theo dõi, bám sát cơ sở, tập trung chỉ đạo việc chấp hành quy định về pháp luật bảo vệ môi trường và kiểm tra thực tế ít nhất mỗi quý một lần tại địa phương, đơn vị được phân công phụ trách; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý ít nhất mỗi quý một lần…
 
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trong Nhân dân cũng được đẩy mạnh. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện theo hướng tiếp cận đa diện, có ảnh hưởng sâu rộng. Kết hợp giữa tuyên truyền trực quan với tuyên truyền trên không gian mạng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận, tạo sự tác động mạnh mẽ tới ý thức của Nhân dân. 
 
Các tổ chức đoàn thể thực hiện vận động đoàn viên, hội viên tiến hành thu gom và phân loại chất thải rắn tại nguồn, giảm sử dụng nhựa một lần, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, bảo vệ hạ tầng kỹ thuật,... Các phong trào, các mô hình “Nói không với rác thải nhựa”, “Ngày Chủ nhật cùng Nhân dân”, “5 không, 3 sạch”, “Bảo vệ môi trường”,... được thực hiện ở các địa phương góp phần đảm bảo toàn bộ các tuyến đường, phố, vỉa hè, ngõ xóm, khu đất trống, đồng ruộng,... được đảm bảo vệ sinh môi trường.
 
Huyện Đạ Tẻh xác định phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường nên đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư, thu hút các dự án đầu tư nâng cao chất lượng và đảm bảo điều kiện vệ sinh về môi trường. Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tại huyện để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ về môi trường tại địa phương. Quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi phê duyệt, quyết định chủ trương, cấp phép hoạt động các dự án đầu tư,… Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng có lợi cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường; hạn chế phát triển các nhóm ngành, nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, suy thoái môi trường...
 
NGỌC NGÀ