Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác xây dựng đội ngũ trí thức ở Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức được nâng cao và không ngừng củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
|
Đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp cho sự phát triển khoa học - công nghệ của tỉnh |
Thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 66-CTr/TU, ngày 24/10/2008 và Kế hoạch số 98-KH/TU, ngày 15/8/2019 thực hiện Kết luận số 52-KL/TW, Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 18/4/2017 về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 25/7/2022 về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cấp ủy các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; đồng thời triển khai thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ trí thức trẻ, trí thức nữ, trí thức người dân tộc tại chỗ, trí thức là cán bộ chủ chốt. Trong đó, chú trọng phát triển đội ngũ trí thức trong các lĩnh vực địa phương đang có nhu cầu như: nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục… UBND tỉnh, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội liên quan đến đội ngũ trí thức.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, đội ngũ trí thức của tỉnh gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.482 cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoạt động trong các lĩnh vực y, dược, nông nghiệp, môi trường, xã hội và lĩnh vực khác. Đội ngũ trí thức không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức cách mạng, học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Qua đó, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền với đội ngũ trí thức ngày càng được quan tâm. Tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; ban hành và tích cực thực hiện các chính sách về thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu sáng tạo của trí thức, nhất là trong ngành Khoa học và Công nghệ; trong giai đoạn 2012 - 2021, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đã chi cho sự nghiệp khoa học - công nghệ của tỉnh với tổng số tiền hơn 300 tỷ đồng. Tỉnh cũng đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức; kiện toàn tổ chức, phương thức hoạt động của các Liên hiệp hội. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các hội thành viên được thành lập, xây dựng và củng cố tổ chức, hoàn thiện nội dung, phương thức hoạt động. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức được chú trọng, chất lượng ngày càng nâng lên; tổng số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2006 - 2020 trên 114 ngàn người. Việc tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý thực hiện đúng quy trình, dân chủ, công khai, từ đó đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh cũng đã tăng cường triển khai các hoạt động nhằm thu hút và phát huy có hiệu quả đóng góp của các nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài…
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc những quan điểm và nội dung cơ bản nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, nên chưa xây dựng chương trình hành động thiết thực, cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Nhận thức về vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức ở một số cấp ủy, chính quyền, nhất là ở cơ sở tuy có chuyển biến nhưng chưa thật sự đầy đủ và sâu sắc. Thiếu cán bộ đầu ngành, đặc biệt là các chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực. Đội ngũ trí thức chưa có những giải pháp, cách làm năng động, thiết thực để tham gia giải quyết những vấn đề có tính đột phá phát triển kinh tế, xã hội của địa phương… Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Nghị quyết 27-NQ/TW, Kết luận 52-KL/TW; đồng thời cần có cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ phù hợp để thu hút nhân tài, nhất là những trí thức trẻ có trình độ chuyên môn cao và chuyên gia đầu ngành về công tác tại tỉnh; có những hỗ trợ phù hợp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Qua đó, phát huy mạnh mẽ sự đóng góp của đội ngũ trí thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
VIỆT HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin