Điểm dừng và đích đến

03:11, 02/11/2012

(LĐ online) - Nhà ga, sân bay và bến xe là ba điểm dừng của Đà Lạt. Ga vẫn còn đó như một chứng nhân của lịch sử thành phố này. Sáu năm xây dựng nhà ga, mười năm xây dựng tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm, nhà ga đẹp nhất Đông Dương một thời giờ vẫn đẹp, vẫn nguyên vẹn. Và nỗi hoài nhớ tiếng còi tàu và tiếng xình xịch bánh sắt nghiến đường ray cũng còn nguyên sau 80 năm. Ga Đà Lạt không còn là điểm dừng của một chuyến du hành mà chỉ là một điểm tham quan. Thi thoảng những chuyến tàu đưa du khách vượt 17 km trong nửa giờ nhẩn nha từ Đà Lạt đến Trại Mát càng khơi hồn ga thêm quặn thắt...

(LĐ online) - Du hành là sự chuyển tiếp liên tục, giữa đi và đến là những giây phút đợi chờ dai dẳng nối liền. Chính những khoảng lặng đợi chờ ấy nung nấu thêm khát khao những gì bất ngờ đang rình rập ở điểm dừng sắp tới.

Hoàn thành từ năm 1932, Ga Đà Lạt đã có 80 năm tuổi đời và vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc ban đầu
Hoàn thành từ năm 1932, Ga Đà Lạt đã có 80 năm tuổi đời và vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc ban đầu

Nhà ga, sân bay và bến xe là ba điểm dừng của Đà Lạt. Ga vẫn còn đó như một chứng nhân của lịch sử thành phố này. Sáu năm xây dựng nhà ga, mười năm xây dựng tuyến đường sắt Đà Lạt-Tháp Chàm, nhà ga đẹp nhất Đông Dương một thời giờ vẫn đẹp, vẫn nguyên vẹn. Và nỗi hoài nhớ tiếng còi tàu và tiếng xình xịch bánh sắt nghiến đường ray cũng còn nguyên sau 80 năm. Ga Đà Lạt không còn là điểm dừng của một chuyến du hành mà chỉ là một điểm tham quan. Thi thoảng những chuyến tàu đưa du khách vượt 7 km trong nửa giờ nhẩn nha từ Đà Lạt đến Trại Mát càng khơi hồn ga thêm quặn thắt.

Sân bay Đà Lạt-Liên Khương và Bến xe liên tỉnh có gì giống với nhà ga kia? Ngoài sức sống của một trung tâm vận chuyển hành khách bốn phương, cái khiến người ta liên tưởng sân bay và bến xe hiện đại này với nhà ga lịch sử kia là cái đẹp. Ga hàng không mới được đưa vào sử dụng cuối năm 2009 và sau đó công trình này đã giúp nhóm tác giả thiết kế đoạt giải nhất Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2010. Những cánh mái cong xòe vàng rực cách điệu hình những cánh hoa dã quỳ như muốn bay lên ôm lấy bầu trời. Công trình bến xe mới thuộc hạng bến xe loại 1 và chính thức đưa vào sử dụng từ cuối năm 2010. Lộng lẫy màu cam nổi bật giữa cảnh quan xanh trên đỉnh đèo, tòa nhà dịch vụ-thương mại hai tầng của bến xe này hiện đại như một cảng hàng không nhỏ. Từ trên cao nhìn xuống, những chiếc xe vào tuyến xếp hàng ngay ngắn hai bên làn đón khách trông như một mũi tên giương căng sẵn sàng vút bay.

Đà Lạt quyến rũ khác thường ngay từ những điểm dừng như thế. Những đường cong duyên dáng trong kiến trúc của Ga hàng không Liên Khương và Bến xe Đà Lạt khiến chúng đặc biệt so với đa số những khối vuông lạnh lùng kiểu dáng công nghiệp của những ga hàng không và bến xe ở các nơi khác của Việt Nam. Ba chóp mái nhọn kiểu Normandy của ga xe lửa vẫn gợi nhớ địa hình đồi núi đặc thù của thành phố này và kích thích những khơi mở đột phát như thuở Đà Lạt khai sinh.

Ga ngày nay là điểm tham quan du lịch
Ga ngày nay là điểm tham quan du lịch

Không chỉ là điểm dừng tạm thời, Đà Lạt đã từng là đích đến mơ ước của bao người bất kể những khó khăn của lịch sử. Trước năm 1945, du khách muốn đến Đà Lạt phải làm đơn trước ba tháng để được chính  quyền cấp phép. Muốn định cư ở Đà Lạt, người nơi khác phải được một công dân Đà Lạt bảo lãnh nhân thân. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy kể lại thời còn theo gánh hát Charlot Miều lưu diễn từ Bắc chí Nam. Để chuẩn bị cho một lần diễn ở Đà Lạt, ông phải đi tiền trạm chuẩn bị tổ chức và phải chờ Sở Mật Thám xét duyệt. Những chờ đợi nôn nao đấy đã được bù đắp xứng đáng bằng chính Đà Lạt với đất trời, con người và lối sống đặc biệt ở nơi này.

Đà Lạt tương lai cũng phải là một đích đến đầy khao khát như thế, chứ không phải chỉ là những điểm dừng chóng vánh. Những đầu mối vận chuyển hành khách ở đây sẽ phải là đòn bẩy giao thương cho cả một nền kinh tế. Được thiết kế đạt tiêu chuẩn của một sân bay quốc tế với khả năng tiếp nhận 2,5 triệu lượt khách/năm, sân bay Đà Lạt-Liên Khương vẫn đang hoạt động nội địa với ba tuyến bay nối liền Đà Lạt với Tp.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Các tuyến nội địa khác và tuyến quốc tế đến Singapore, Lào, Campuchia, Hàn Quốc… cũng còn là dự kiến.

Bến xe đẹp thế nhưng nguyên tầng hai của tòa nhà chính khang trang như một siêu thị với cầu thang cuốn hiện đại đã được thiết kế sẵn để làm các gian hàng vẫn bỏ trống chưa có người thuê kinh doanh. Ga Đà Lạt lâu nay cũng chỉ là một điểm tham quan ngắn ngủi của du khách và nơi lui tới thường xuyên của các nhóm dịch vụ chụp ảnh cưới ngoại cảnh. Có một đề án 5.000 tỷ đồng khôi phục tuyến đường sắt cũ đang nằm trong ngăn kéo… Đà Lạt sẽ có gì bất ngờ để chào đón tương lai?

Bến xe liên tỉnh Đà Lạt là công trình đẹp bắt mắt trên đỉnh đèo Prenn
Bến xe liên tỉnh Đà Lạt là công trình đẹp bắt mắt trên đỉnh đèo Prenn

 

Công trình Cảng hàng không của sân bay Đà Lạt-Liên Khương đã đoạt giải thưởng kiến trúc quốc gia 2010 vì thiết kế độc đáo
Công trình Cảng hàng không của sân bay Đà Lạt-Liên Khương đã đoạt giải thưởng kiến trúc quốc gia 2010 vì thiết kế độc đáo

 

Bài & ảnh: TRẦN ĐỨC TÀI