Mùa hoa dại ở Tây Nguyên

03:02, 12/02/2014

Đà Lạt được mệnh danh là thành phố hoa. Tuy nhiên, xứ sở sương mù này không chỉ có hoa trồng mà còn có cả hoa dại nữa. Hàng năm vào cuối thu, những cơn mưa rừng bắt đầu vắng bóng, hoa dã quỳ nở vàng nhuộm lên những ngọn đồi hay xen kẽ rừng thông. Không biết tự bao giờ, có lẽ khoảng 10 năm gần đây, cứ vào cuối tuần bất kể mùa nắng hay mưa, khách ở miền xuôi lên Đà Lạt đều thì thầm hỏi "Mùa này có hoa dã quỳ nở không, lên đây mà không chụp được tấm ảnh đứng chung với loài hoa dại này buồn lắm!".

Đà Lạt được mệnh danh là thành phố hoa. Tuy nhiên, xứ sở sương mù này không chỉ có hoa trồng mà còn có cả hoa dại nữa. Hàng năm vào cuối thu, những cơn mưa rừng bắt đầu vắng bóng, hoa dã quỳ nở vàng nhuộm lên những ngọn đồi hay xen kẽ rừng thông. Không biết tự bao giờ, có lẽ khoảng 10 năm gần đây, cứ vào cuối tuần bất kể mùa nắng hay mưa, khách ở miền xuôi lên Đà Lạt đều thì thầm hỏi “Mùa này có hoa dã quỳ nở không, lên đây mà không chụp được tấm ảnh đứng chung với loài hoa dại này buồn lắm!”. Dã quỳ bỗng trở thành kỷ niệm. Mặc dù chỉ là một loại hoa hoang dã, không ai trưng trong nhà, không ai mang tặng cho nhau và cũng không ai mang về phố bao giờ. Tôi nhớ có lần các em “Tây ba lô” thuộc thế hệ 8 - 9x đi xe đạp, xe máy đường dài, ngồi uống nước mía ở Đèo Prenn cũng hỏi những câu như thế. Sự hoài niệm ấy chứng tỏ loài hoa dại này đã in sâu vào tâm thức, trở thành nỗi nhớ không những với người trong nước mà kể cả nước ngoài. 
 
 Hoa dã quỳ. Ảnh: Thanh Toàn
Hoa dã quỳ. Ảnh: Thanh Toàn
 
Dã quỳ là loài hoa “di cư” có hình dáng như hoa cúc vàng, mọc hoang trong rừng, thân cao hơn 1m do người Pháp mang đến trồng ở Đà Lạt vào đầu thế kỷ thứ 20 để trị bệnh ngoài da cho người và làm phân xanh bón lót cho các loại hoa trồng khác, rồi dần dần phát tán đến mức nhuộm vàng cả vùng đất cao nguyên. Dã quỳ có cái tên nghe buồn buồn, chúng mang thân phận ôsin cho người, cho hoa và cho đất. Mãi đến bây giờ người ta vẫn hái lá về nấu nước tắm trị ghẻ cho trẻ con. Còn người có tuổi, chiều chiều ra trước hiên nhà đứng ngắm để lòng mình ấm lại khi những đợt gió bấc thổi về. Hoa dã quỳ bỗng nhiên trở thành niềm an ủi cho những tâm hồn đi hoang, chúng là chiếc áo phủ lên những ngọn đồi trọc. Ở Tây Nguyên, người ta gọi nó là hoa báo nắng, vì khi dã quỳ nở là dứt mưa, nắng vàng hơn và khí trời lạnh hơn. Đối với dân lao động hay những người dân tộc anh em có gốc Tây Nguyên nó là lộc của trời, các sơn nữ thường cài lên tóc để đồng hành với nắng gió. Đã bao đời nay, màu vàng rực của hoa dã quỳ như ngọn lửa nhóm lên trong lòng những cư dân xứ lạnh.
 
Tôi còn nhớ một nhà văn nói rằng “Hoa dại chỉ đẹp khi ở đồng nội”. Điều ấy có lý, ai cũng thấy hoa dã quỳ vàng, hoa mua, hoa sim, tím cả chiều hoang. Chúng mang vẻ đẹp hiền lành không se sua, đài các. Cũng giống như những loại hoa đồng nội khác vẻ đẹp của hoa dã quỳ là cộng hưởng, chúng chỉ trở nên nỗi nhớ khi tồn tại nơi quê quán của mình, nếu tách ra từng cành sẽ trở nên đơn điệu tẻ nhạt. Loài hoa dại mang cái tên buồn buồn mà người Tây Nguyên đã gán cho nó. Chuyện kể rằng Dã Quỳ là tên của một sơn nữ Jarai xinh đẹp, trót yêu một chàng trai khỏe mạnh cùng buôn làng, nhưng bị người mình không yêu thương bắt về làm vợ. Vì thế nàng trèo lên đỉnh núi quyên sinh để giữ sự trinh trắng của mình. Thân xác của nàng hóa thành tro bay đi theo gió, trở thành những rừng hoa đơm bông vàng rực như những giọt nước mắt của câu chuyện tình không có phần kết! Cảm động trước mối tình thanh khiết ấy nên người ta lấy tên của nàng đặt cho một loài hoa. Và hoa dã quỳ trở thành hình ảnh của những người con gái cao nguyên, dịu dàng mạnh mẽ, sống hết lòng cho tình yêu đôi lứa. Có lẽ từ truyền thuyết này mà Đà Lạt đã chọn dã quỳ làm biểu tượng cho Festival hoa trong mỗi lần tổ chức.
 
 Trong những cuộc hành trình khám phá quê mình, nếu bạn có dịp đi Tây Nguyên theo đường 20 vào mùa đông, bạn mới có thể cảm nhận được sự kỳ diệu của miền đất Bazan hùng vĩ. Hành trình khởi đầu từ những vạt rừng cao su, rừng giã tỵ đang vào mùa lá rụng, những chiếc lá lìa cành rơi xao xác như tiếc nuối cuộc viễn hành trở về với đất. Lên hết đèo Blao gặp từng cụm rừng hoa trắng tỏa hương thơm ngào ngạt phủ kín ngọn đồi, đó là thời điểm cà phê ra hoa. Tháng 12 là mùa lạnh, khi đi ngang vườn hoặc ngồi trong nhà giữa mùa đông se sắt, hít thở không khí trong lành với mùi hương cà phê dịu dàng len lỏi vào nỗi nhớ. Xin thưa với bạn rằng không có loại nước hoa nào có thể gợi được hình ảnh miền quê mà không phải bỏ tiền như ở vùng này. Chưa hết, dọc các nẻo đường qua tận Bắc Tây Nguyên, hoa dã quỳ nở vàng rực như tấm thảm trời phủ lên các đồi hoang chạy dài xa tít. Đứng giữa các triền đồi và thảo nguyên mênh mông ngắm nhìn rừng hoa dại rập rờn theo gió. Nhất là những buổi chiều nắng vàng nhuộm lên, bạn sẽ thấy đất trời tĩnh lặng làm cho bạn có cảm giác cao nguyên này chỉ dành cho riêng mình. Lúc ấy bạn dường như muốn quên hết mọi vật vã đời thường, quên đi năm tháng, thậm chí quên luôn mình là ai. Đối với những người có thói quen sống hoài niệm theo bóng thời gian, khi nhìn cánh đồng dã quỳ khoe sắc dưới trời xanh mây trắng mới nhận ra được trên đời này ta còn nợ với thiên nhiên, với đất nước, với tiền nhân rồi tự hỏi mình đã làm được gì để tiếp tục giữ hồn thiêng sông núi, ít nhất là loài hoa dại này.
 
Những người bạn của tôi, từ thời sinh viên nhốn nháo, đến thời cầm súng bảo vệ biên cương rồi trở thành doanh nhân hay viên chức nhà nước, hàng năm cứ mỗi độ gió bấc thổi về cũng cố tìm lên Đà Lạt, chỉ đến với nhau một thời gian ngắn, cụng nhau vài ly rượu đế, đêm về nằm dài trên sàn nhà chỉ mong giữ được hồn người năm cũ để được nói chuyện với nhau. Mỗi lần gặp nhau, những người bạn của tôi bê hết cuộc đời mình lên bàn để tâm sự xẻ chia. Có lần thằng Hoan là bác sĩ, phóng to tấm ảnh lên màn hình 24 inch, rồi gọi cả nhóm lại, cất giọng “Các ông, các bà ạ! Hoa dã quỳ chỉ đẹp khi cùng đứng chung với nhau, từng chiếc lá rừng cao su tô điểm thêm màu xanh mặt đất rồi cũng sẽ rụng. Những người bạn của nhóm mình còn mấy đứa cố mà giữ lấy nhau. Đời người, ai cũng trở về với đất, gặp nhau tự đánh bóng hoặc hơn thua để làm gì!”. Trong số những người bạn của tôi từ thuở hàn vi đến tận bây giờ, ai nặng về tiền bạc và danh vọng ảo dần dần vắng bóng. Thế hệ chúng tôi trải qua năm tháng, nên gần như không ai mang chuyện xưa ra kể lể mà chỉ dùng tri thức trải nghiệm để minh chứng đời người. Hoa dã quỳ vẫn là chủ đề chính, mỗi năm gặp nhau lại có một ý tưởng mới hơn. 
 
Có thể năm tới bạn đến Tây Nguyên theo quốc lộ 14. Cũng trên con đường Bình Dương, Bình Phước, bạn sẽ nhìn thấy rừng cao su thay lá. Rồi từ Ngã ba Sao Bọng của huyện Bù Đăng, dã quỳ đã nở vàng đường cho đến Buôn Mê. Ở Tây Nguyên vẫn còn các chị các em Banar, Radé… mang cả gùi hoa dã quỳ ra phố không phải để bán mà để trang điểm chiếc gùi, bên trong gùi có thể là chai mật ong rừng, hoặc một bó ngo còn đang rỉ nhựa nhưng hoa dã quỳ vẫn hiên ngang nằm chót vót trên gùi như một niềm kiêu hãnh, một vật thể trang trí cho chuyến đi đã bao đời gắn bó với con người. Cho đến bây giờ, có lẽ ven đường từ Buôn Hồ đến Pleiku còn nhiều rừng dã quỳ nhất, ở nơi ấy vào cuối mùa khô vẫn còn đầy hoa nở, mặc dù thân cây trở nên teo tóp chuyển sang màu nâu sạm, nhưng các cánh hoa dường như đẹp và sắc nét hơn.
 
Cách đây vài tháng, trên đường từ Pleiku về Buôn Mê, tôi tình cờ gặp 1 nhóm thanh niên cả trai lẫn gái thuộc thế hệ đầu 9x nhờ tôi chụp cho họ một tấm ảnh với bố cục là hoa dã quỳ vừa búp, vừa nở và vừa lá xanh đang chập chờn trên đầu. Khi được hỏi lý do, một cô gái có khuôn mặt là lãnh đạo nhóm vui vẻ trả lời một cách tự tin “Chúng cháu là sinh viên khoa xã hội học đang trên đường nghiên cứu đề tài, nên muốn tìm một điều gì đó hoang dã thực chất nhưng vẫn giữ được nét đằm thắm. Như người Việt mình, mặc dù tiếp nhận nền văn minh hiện đại mà không phá vỡ truyền thống dân tộc và loài hoa dại này là tiêu biểu”.
 
Hiện nay dã quỳ cũng như hoa mua, hoa sim hay những loài hoa dại khác đang dần bị thu hẹp bởi dân số phát triển cơ học. Con người sẽ khai phá đất hoang để trồng cà phê, trồng tiêu, trồng chè... những vạt rừng hoa dại nằm vắt ngang triền núi, sườn đồi sẽ không còn vàng rực hay tím rịm như xưa. Tuy nhiên, các biệt thự hay ven đường người dân vẫn cố giữ để mang bóng dáng cao nguyên. Con người chắc không ai vô tình trước vẻ đẹp tự nhiên của loài hoa đồng nội, vì nơi ấy, không những là hồn đất, mà còn là kỷ niệm của một đời người. Khi người ta yêu con đường mình đi, ngôi nhà mình ở, cái cây mình trồng và yêu cả cánh đồng thời thơ ấu, người ta mới có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc. Tôi nhớ vào thời cấp I, được các thầy cô giáo bắt học thuộc lòng bài hát “Cái nhà là nhà của ta/Ông cố ông cha làm ra/ Chúng ta phải gìn giữ lấy/ Muôn năm nhớ nước, ơn nhà”. Ngày ấy suốt ngày bọn trẻ chúng tôi cầm tay nhau hát nghêu ngao mà không hiểu gì. Nhưng bây giờ thì khác. Tổ quốc ta, ai còn yêu núi rừng, sông hồ, biển đảo thì tài sản của ông cha để lại sẽ không bao giờ mất.
 
Tản văn: Trần Đại