Trước khi đến Đà Lạt tôi biết hoa Bồ Công Anh qua những trang truyện tranh Đô-rê-mon của tác giả Nhật Bản Fujiko F. Fujio. Đôi khi tôi tự hỏi: tại sao tác giả của Đô-rê-mon lại nghĩ đến những đóa hoa Bồ Công Anh bé nhỏ trong một tác phẩm rất hiện đại của mình? Có rất nhiều loài hoa khác cũng rất đẹp, rất đáng để kể, ví dụ như loài hoa Anh Đào nổi tiếng chẳng hạn. Câu hỏi thì có thể đặt ra nhưng cũng không nhất thiết phải truy đến cùng câu trả lời, nhất là khi tôi chẳng biết một chữ tiếng Nhật nào. Thế rồi một ngày đẹp trời tôi quyết định lên Đà Lạt để "lập nghiệp" - giờ nghĩ lại mới thấy mình liều lĩnh, chứ lúc ấy cứ được xách ba lô và đi là thích, chả biết sợ là gì.
Trước khi đến Đà Lạt tôi biết hoa Bồ Công Anh qua những trang truyện tranh Đô-rê-mon của tác giả Nhật Bản Fujiko F. Fujio. Đôi khi tôi tự hỏi: tại sao tác giả của Đô-rê-mon lại nghĩ đến những đóa hoa Bồ Công Anh bé nhỏ trong một tác phẩm rất hiện đại của mình? Có rất nhiều loài hoa khác cũng rất đẹp, rất đáng để kể, ví dụ như loài hoa Anh Đào nổi tiếng chẳng hạn. Câu hỏi thì có thể đặt ra nhưng cũng không nhất thiết phải truy đến cùng câu trả lời, nhất là khi tôi chẳng biết một chữ tiếng Nhật nào. Thế rồi một ngày đẹp trời tôi quyết định lên Đà Lạt để “lập nghiệp” - giờ nghĩ lại mới thấy mình liều lĩnh, chứ lúc ấy cứ được xách ba lô và đi là thích, chả biết sợ là gì. Hai mươi sáu tuổi nhưng tôi lúc ấy còn ngớ ngẩn hơn cả một đứa con gái 19 tuổi thạo đời, bước ra từ một ngôi trường mà ở đấy phần lớn thời gian đắm chìm trong thế giới của những quyển sách. Đành rằng sách mở ra cho ta những chân trời mới, nhưng đó là cho ước mơ, không phải cho cuộc sống thực tại. Nhưng mà tôi là một đứa sinh viên hay thích nghe lời dạy của các thầy, trong đó có một lời dạy tôi triệt để thực hiện: “Tuổi trẻ là phải ngu ngơ một tí… để sau này trưởng thành đỡ tiếc!”.
|
Nguồn Internet |
Những tháng ngày ở Đà Lạt đúng là xứng đáng với sự ngu ngơ của tôi, bởi dù phải đối diện với một hành trình xin việc khó khăn - không quen biết ai, không hiểu gì về hệ thống chính quyền địa phương, không có người bạn địa phương nào trước khi đến - tôi vẫn thản nhiên như đang sống ở mảnh đất đã sinh ra mình. Người mà tôi dựa vào lúc đó là đứa em trai út đang học năm thứ hai ở Ttrường Đại học Đà Lạt, nói phải tội, nó chẳng biết gì ngoài những môn học ở trường, những quán ăn giá rẻ dành cho sinh viên và vài đứa bạn cũng giống y như nó. Đó là thời gian mà tôi đọc truyện Đô-rê-mon nhiều lần nhất, thỉnh thoảng lại ước rằng mình có một cái máy thần kỳ có thể nhân bản những đồng tiền hiếm hoi còn sót lại trong ví để khỏi phải đối diện với cái đói trong tương lai khi đi gõ cửa khắp nơi mà chưa mở được cánh cửa nào. Một ngày nọ, khi tôi lang thang bên bờ hồ Xuân Hương, những bông hoa Bồ Công Anh hồn nhiên đu đưa trong gió khiến tôi nhớ lại câu chuyện về loài hoa này trong truyện Đô-rê-mon, chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại cười rất thích thú: “loài hoa bé nhỏ này còn đủ can đảm để vượt núi, băng rừng duy trì sự sống, ta là con người, lại lớn hơn những hạt hoa kia mấy tỉ lần, sao lại phải sợ!”. Cứ như thế, tôi đã ở Đà Lạt nửa năm với những công việc khác nhau với khoản thu nhập vừa phải cho một người mới bước chân vào cuộc mưu sinh thực sự.
Tôi đã rời Đà Lạt, không phải vì nơi đó không cho tôi một cuộc sống đủ để dung thân trên trái đất này, mà vì tình yêu của tôi đối với nghề nghiệp của tôi. Trong cuộc sống, có những lúc ta phải đối diện với những lựa chọn rất khó khăn, thậm chí là nghiệt ngã, nhưng đã là con người thì sao có thể tránh khỏi thách thức đó. Giờ đây, sau sáu năm rời khỏi Đà Lạt, tôi ở Kaohsiung, một thành phố nằm giữa núi và biển, trong Trường Đại học Quốc gia Sun Yat-sen (thường gọi là Trường Trung Sơn). Năm 1923, hai năm trước khi qua đời, Tôn Trung Sơn - người sáng lập ra Trung Hoa dân quốc [Republish of China], thành lập hai trường đại học, một dân sự và một quân sự. Trường đại học dân sự ban đầu có tên là Đại học Quốc gia Quảng Đông, sau đổi tên thành Đại học Tôn Trung Sơn vào năm 1926. Vào năm 1949, chính phủ Trung Hoa dân quốc chuyển ra Đài Loan, Đại học Quốc gia Tôn Trung Sơn đã được xác định là sẽ tái lập ở Đài Loan nhưng phải đến năm 1980, khi Chủ tịch Lee Huan cho thành lập các trường đại học trong khuôn viên trường tại Sizihwan tại thành phố Kaohsiung thì ngôi trường này mới chính thức trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo. Chủ tịch Lee Huan là một trong năm vị chủ tịch đã thành công trong quá trình thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của Trường Đại học Quốc gia Tôn Trung Sơn tại Đài Loan.
Một buổi chiều Chủ Nhật, tôi lang thang trong khuôn viên của trường, rồi cứ thế tiến thẳng ra trung tâm thành phố. Trên con đường ngoằn ngoèo ấy, tôi nhìn thấy những bông hoa Bồ Công Anh mọc thản nhiên trên những tường đá. Như bao nhiêu loài thực vật có sức sống mãnh liệt khác, những hạt mầm Bồ Công Anh đã tồn tại ngay cả ở nơi gió biển thổi vi vu suốt ngày đêm, khiến không ít loài hoa khác phải héo mòn.
Nếu có một sự gặp nhau trong những cảm nghĩ của tôi về những bông hoa Bồ Công Anh này thì đó chính là những điểm tương đồng trong cuộc đời của tôi sau sáu năm rời khỏi Đà Lạt. Cũng là đi để tìm một con đường mưu sinh cho những tháng ngày sống tạm trên cõi trần gian này, cũng phải đối diện với những khó khăn như thể hồi mới bắt đầu lập nghiệp. Hơn ai hết, tôi thích những hạt Bồ Công Anh không phải vì chúng đẹp, mỏng manh hay kiên cường trước nắng gió mà vì trong sự nỗ lực của mỗi hạt mầm là một bài học về một thế giới khác. Ở đó, cái tôi trôi dạt có thể trải nghiệm và suy nghĩ.
TÂM LOAN