Có một chiều Đà Lạt đổ cơn mưa. Nhưng chẳng phải là cơn mưa vào mùa như mọi ngày mà cơn mưa ấy thay cho lời chia tay của những người làm báo nói ở khắp mọi miền đất nước bên nhau mấy ngày ngắn ngủi tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 11. Thế nhưng ở phố núi cao nguyên này… vẫn còn tình thân ở lại.
Có một chiều Đà Lạt đổ cơn mưa. Nhưng chẳng phải là cơn mưa vào mùa như mọi ngày mà cơn mưa ấy thay cho lời chia tay của những người làm báo nói ở khắp mọi miền đất nước bên nhau mấy ngày ngắn ngủi tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 11. Thế nhưng ở phố núi cao nguyên này… vẫn còn tình thân ở lại.
|
Chiều tà trên Hồ Xuân Hương Đà Lạt. Ảnh: Đặng Văn An |
Cứ hai năm một lần – những người làm báo nói của mọi miền đất nước lại góp mặt bên nhau. Gác lại những thông báo 1, số 2 hay số 3… của Ban tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc về điều lệ, thể loại dự thi, cơ cấu giải thưởng; thoát đi những áp lực trong công việc hàng ngày và cả chuyện giải thấp, giải cao… để những người làm báo nói đến với nhau bằng tình cảm anh em một nhà; bằng tình thân không hẹn trước và truyền cho nhau cảm hứng sau bao ngày rong ruổi núi cao, biển rộng cho những bản tin, cho những bài báo phát thanh hay, hấp dẫn, mang hơi thở nhiều nhịp của cuộc sống. Chẳng thế mà gương mặt nào cũng thấy thân quen; đôi mắt mắt nào mới lần đầu nhận ra cũng dễ gần, dễ mến.
Đà Lạt đón những người bạn khắp vùng miền đất nước không ồn ã - vốn vẫn thường thấy trong các cuộc liên hoan hay ở những thành phố lớn; không nhiều màu sắc từ những băng rôn, khẩu hiệu nhưng đủ đầy sự bình yên khiến cái nhớ, cái thương và cái thân quen cứ đến một cách thật thà. Vậy nên từ người anh, người chị mấy chục năm làm nghề chỉ còn mấy tháng nữa về hưu ở đất phương Nam cho đến đứa em, đứa cháu mới chập chững bước vào nghề làm báo nói ở tận cực Bắc xa xôi không nghĩ nhiều đến giải cao, giải thấp… mà chỉ có duy nhất mối thâm tình, hết mực yêu thương của những người con một nhà mỗi sáng, mỗi chiều mang tiếng nói của dân đến với nhân dân.
Lần đầu tiên đến với vùng đất này – cô gái người dân tộc Tày ở miền núi nổi tiếng bởi những ruộng lúa bậc thang có cái tên Hoàng Thị Phương, công tác tại Đài Phát thanh – truyền hình Cao Bằng không thể ngờ có một Đà Lạt đẹp đến thế. Cái đẹp không chỉ hiện hữu trên mỗi bông hoa rực rỡ sắc màu, hay phố núi cao nguyên dịu mát một màu xanh. Cái đẹp đó cũng chẳng phải mỗi sáng mù sương làm cho sự bình lan tỏa trong từng góc phố - mà cái đẹp đó đọng lại trên từng gương mặt, trong ánh mắt, nụ cười và sự thân thiện của mỗi con người vừa gặp. Bởi vậy mà lạ bỗng thật quen; cứ tưởng xa mà hóa rất gần.
|
Sáng sớm ở Làng hoa Thái Phiên. Ảnh: Đặng Văn An |
Gần ba mươi năm gắn bó với nghề. Bao nhiêu vùng đất đã đi qua thì không thể nhớ - nhưng đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Tuấn - công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang đến với vùng đất có những câu chuyện rất đẹp về đất và người Đà Lạt. Lần đầu tiên nên chưa thể cảm nhận đầy đủ về một phần thân thể của dải đất hình chữ S - nhưng cảm xúc thì đủ đầy dẫu chỉ qua mấy ngày ngắn ngủi. Ông Tuấn bảo: Có lẽ đây là liên hoan cuối cùng mà ông được dự. Có lẽ đây là lần cuối cùng để ông sống với nghề của một thời làm báo - bởi chỉ còn vài tháng nữa ông sẽ bước sang tuổi sáu mươi, đến tuổi về hưu. Có phải vì lẽ đó mà những ngày đến với Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 11; đến với thành phố hoa xinh đẹp này và được gặp bao người xa lạ nhưng lại rất thân quen - khiến cho trong ông Tuấn nhiều cảm xúc.
Mười một lần tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc - để rồi sau mười một lần ấy – Liên hoan Phát thanh toàn quốc không đơn thuần là một cuộc thi mà đã trở thành ngày hội truyền thống của những người làm báo nói. Phía sau những giải thưởng vinh danh không gì khác là tình thân; là sự chia sẻ buồn vui nghề nghiệp và cả những trăn trở vì nhiều bài báo vẫn còn dang dở. Vậy nên ngày chia tay vẫn còn nhiều điều chưa kịp nói - còn tình thân thì nguyên vẹn trong trái tim của mỗi người về tình Đất, tình Người và nhất là tình cảm với miền đất đào nguyên Đà Lạt - Lâm Đồng
Văn Quang