Đó là con ngõ nhỏ quanh co, mon men từ cánh cổng tre xiêu vẹo, vịn vào hai cột tre to bằng ống chân mốc rêu xanh như cụ già còng lưng chống gậy, trườn mình bên bờ ao dẫn vào khoảnh sân be bé. Con ngõ chỉ rộng hơn một sải tay, lọt thỏm giữa một bên là chái nhà hàng xóm, một bên là hàng dâm bụt rậm rịt những búi dây tơ hồng vàng ươm ngỡ như trời gieo hạt nắng trên những luống lá xanh ngăn ngắt. Tháng năm trôi qua, con ngõ âm thầm ôm vào lòng những bước chân vội vã, tất bật, vướng víu âu lo; những tiếng nói, tiếng cười và cả những giọt nước mắt.
Đó là con ngõ nhỏ quanh co, mon men từ cánh cổng tre xiêu vẹo, vịn vào hai cột tre to bằng ống chân mốc rêu xanh như cụ già còng lưng chống gậy, trườn mình bên bờ ao dẫn vào khoảnh sân be bé. Con ngõ chỉ rộng hơn một sải tay, lọt thỏm giữa một bên là chái nhà hàng xóm, một bên là hàng dâm bụt rậm rịt những búi dây tơ hồng vàng ươm ngỡ như trời gieo hạt nắng trên những luống lá xanh ngăn ngắt. Tháng năm trôi qua, con ngõ âm thầm ôm vào lòng những bước chân vội vã, tất bật, vướng víu âu lo; những tiếng nói, tiếng cười và cả những giọt nước mắt.
Con ngõ là nơi tụ tập của lũ trẻ trong xóm với đủ trò nghịch ngợm, quậy phá. Trộm đá sỏi ở công trường đang thi công đường để chơi ô ăn quan. Những bàn chơi được kẻ chằng chịt bằng gạch đỏ trên nền ngõ. Nhưng chỉ chơi được một lúc là cả lũ quay ra cãi nhau ầm ĩ. Chán, mấy đứa rủ nhau chơi ném lon hay nhảy lò cò. Thỉnh thoảng thì kết dây thun dài lòng thòng, buộc một đầu vào cánh cổng, đầu kia buộc vào gốc xoài rồi thi nhau nhảy. Nhưng thú vị nhất là trò lợp nhà. Đứa nào đứa nấy đi loanh quanh, lùng sục mọi ngóc ngách từ bụi tre đến góc vườn, từ bờ ruộng đến ngôi nhà hoang cuối xóm, nhặt nhạnh những thanh tre, khúc gỗ, tấm vải bạt, mảnh bao xi măng, bẻ lá chuối, cành xoan um tùm lá để dựng làm nhà dưới gốc cây xoài đầu ngõ. Lũ con trai thì dựng cột, buộc dây, lợp mái; còn mấy đứa con gái thì hái đầy một mũ hoa xuyến chi gắn kết khắp nơi từ chân cột lên đến đỉnh mái, hì hụi cả buổi cũng dựng được túp lều con con. Chúng tôi đứng ngắm nhìn túp lều - thành quả của cả lũ không biết chán và lòng trào dâng niềm tự hào rất đỗi con trẻ. Trải lá chuối rồi cả lũ xúm xít chui vào trong. Không đứa nào bảo đứa nào, phải thật khẽ khàng nếu không túp lều sẽ đổ sập xuống. Một đứa con trai lớn nhất trong đám sẽ đóng giả làm bố, một đứa con gái làm mẹ, còn những đứa khác làm con. Kê hai viên gạch thành bếp nấu ăn - dăm ba cái nhành cỏ dại, lá xoài xanh, mấy bông hoa dâm bụt đỏ rực. Cứ thế cả bọn mải mê chơi cho đến khi bóng tối chảy dài trên những rặng cây trườn xuống con ngõ nhỏ, lấp đầy trong đáy mắt trẻ thơ. Bố mẹ í ới gọi về, chúng tôi còn ngoái đầu lại nhìn túp lều bé con với ánh mắt đầy luyến tiếc.
Chiều chiều tôi thường lấy ghế gỗ ngồi dưới gốc cây xoài vừa cầm viên gạch đỏ vẽ loằng ngoằng những hình thù kỳ quặc lên nền xi măng, vừa ngóng ra đầu ngõ chờ mẹ đi làm về. Những con gió cõng cả hoàng hôn chạy dọc con ngõ thổi tung mớ tóc lòa xòa trên trán đứa bé lên sáu lên bảy. Khi nghe tiếng lạch cạch quen thuộc của chiếc xe đạp cũ, tôi lăng xăng chạy ra kéo cánh cổng tre mở rộng, mẹ nhìn tôi cười hiền: “Con trai mẹ ngoan quá!”. Mẹ xoa đầu rồi bế tôi đặt ngồi lên xe dắt vào sân.
Con ngõ nhỏ chạy dọc tuổi thơ tôi, từ bước chân chập chững đầu đời đến bước chân cứng cỏi của chàng trai mười tám. Theo mãi tôi ánh mắt mẹ đau đáu như là thương, là nhớ, như là âu lo khi mẹ ra tận đầu ngõ tiễn tôi lên Hà Nội trọ học. Và bóng mẹ liêu xiêu bên con ngõ nhỏ đổ dài cả cuộc đời con. Trong căn phòng trọ chật hẹp nơi thành phố xô bồ, tôi thèm được chạy dọc con ngõ nhỏ quanh co, dang rộng đôi tay để ôm cả kí ức tuổi thơ vào lòng.
Tản văn: ĐÀO MẠNH LONG